Thử thách Momo: Cẩn trọng khi cho con xem YouTube, trước khi quá muộn

Với nhiều phụ huynh, việc cho con xem các video trên YouTube đã trở thành thói quen mỗi khi bận rộn. Tuy nhiên, nhiều người đã tá hỏa khi phát hiện những trò chơi, thử thách tiêu cực đe dọa sức khỏe tinh thần, tính mạng con mình.

Vì sao Momo là nỗi ám ảnh kinh hoàng với trẻ nhỏ?

Nhân vật búp bê Momo hay cụ thể là "Thử thách Momo" (Momo Challenge) được cho là trào lưu đến từ nước Anh từ tháng 8.2018. Trong các đoạn video "Thử thách Momo", nhân vật Momo là một người phụ nữ đầu người thân gà có mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi như zombie sẽ có những lời nói hướng dẫn người xem cách tự tử hoặc tự làm hại bản thân.

Thử thách Momo lan truyền trên mạng hướng đến trẻ em khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Vào tháng 2.2019, cô bé Callie Astill, 7 tuổi, sống tại Anh thường xuyên có những biểu hiện lạ như đờ đẫn, không dám đi vệ sinh một mình, la hét đòi về nhà, thậm chí tự đập đầu vào tường.

Điều này khiến giáo viên lo lắng và phải gọi điện về cho phụ huynh là bà Victoria Turner vì trước đó Callie rất ngoan.

Ban đầu bà Victoria Turner cho rằng con gái bị bạn bè bắt nạt nhưng sau đó, bà tá hỏa khi nghe con tâm sự. Callie hoảng sợ vì quái vật Momo xuất hiện trong các video trên YouTube Kids và buông ra những thử thách, đe dọa.

Thử thách Momo đã len lỏi và ngụy trang trên các video dành cho trẻ em trên Youtube Kids.

Thử thách Momo đã len lỏi và ngụy trang trên các video dành cho trẻ em trên Youtube Kids.

Một trường hợp khác là Harry Giblin, 5 tuổi, ở Withernsea, Yorkshire, Anh. Giblin đã hoảng loạn khi hình ảnh Momo đột ngột nhảy lên trong video Peppa Pig.

Cậu bé đã vô cùng sợ hãi suốt 24 tiếng và không dám tiết lộ nguyên nhân vì các video đe dọa sẽ giết cả gia đình em nếu kể về Momo cho người khác. Chỉ khi không thể chịu đựng nỗi sợ, Harry mới kể với mẹ về nguyên nhân đằng sau mọi hành động kỳ lạ của mình.

Tuy nhiên, Callie và Giblin là một trong số ít những em nhỏ dám tâm sự với cha mẹ. Nhiều trường hợp trẻ em sợ hãi vì những lời dọa nạt, buộc phải thực hiện những yêu cầu nguy hiểm do Momo đề ra.

Phụ huynh sợ hãi

Chị Lưu Thị Bích Hằng (ở tỉnh Phú Thọ) cho biết: "Tôi làm công nhân xa nhà, một đến hai tháng mới về một lần. Chồng tôi ở nhà vừa đi làm vừa phải chăm hai đứa con. Vì bận bịu nên nhiều khi cho con xem YouTube để làm việc. Chúng tôi không quá chú ý đến trang mạng xã hội này vì nghĩ nó vô hại đối với các con.

Khi theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã vô cùng hoảng hốt gọi điện về nhà cho chồng để cảnh báo. Tôi nghĩ sẽ hạn chế cho các con xem video trên YouTube, hoặc thậm chí là dừng hẳn".

Cùng chung nỗi lo lắng, chị Nguyễn Thị Hạnh (ở tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: "Gia đình tôi cũng hay cho cháu xem các video trên YouTube vì khi đó cháu rất ngoan và ăn uống nhiều hơn. Tôi chỉ lo cháu sẽ bị ảnh hưởng đến mắt vì dùng điện thoại thông minh quá nhiều chứ chưa bao giờ đặt vấn đề về những thử thách, trò chơi chết người cho đến khi đọc được bài báo về những cái chết thương tâm.

Tôi đã hỏi lại cháu về những thứ đã xem và có lẽ gia đình tôi cần phương pháp chăm sóc tốt hơn, tránh lạm dụng mạng xã hội quá nhiều. Tôi nghĩ rằng các bậc phụ huynh nên quan tâm và cẩn trọng hơn khi cho con xem video trên youTube".

Cha mẹ nên làm gì?

Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam - giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, ĐH Quốc gia Hà Nội - đưa ra cảnh báo, những trò chơi bệnh hoạn được nghĩ ra thể hiện bản năng, thu hút sự chú ý của người khác về bản thân. Kể cả người sáng lập cũng có những suy nghĩ điên rồ là “thanh lọc thế giới”. Bản chất cũng chỉ muốn thu hút sự chú ý của người khác vào họ.

Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam.

Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam cho rằng: "Cách thức ứng xử của cha mẹ trong quá trình giáo dục phải tăng lòng tự trọng của các con, phải động viên những đặc điểm tích cực để con phát huy thông qua các hoạt động trò chơi bổ ích.

Bản thân giáo viên và cha mẹ càng ngày càng phải ý thức hơn về những tổn thương sức khỏe tinh thần, nhận diện sớm của con cái".

"Phải tìm sự giúp đỡ chuyên nghiệp, bởi vì khi có dấu hiệu trầm cảm, lo lắng thì không thể tư duy như người bình thường được. Những em trong giai đoạn đó dễ bị dụ dỗ bởi những người điều hành website chuyên trị hướng dẫn trò chơi bệnh hoạn, gây hại cho các em", chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam kiến giải.

Phan Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/thu-thach-momo-can-trong-khi-cho-con-xem-youtube-truoc-khi-qua-muon-660194.ldo