Thử thách mới cho liên minh Mỹ - Nhật - Hàn

Nhiều nguồn tin cho biết, Tổng thống Trump đang đòi Hàn Quốc và Nhật Bản phải trả thêm chi phí duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn đang đứng trước nhiều thử thách

Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn đang đứng trước nhiều thử thách

Mỹ toan tính gì?

Theo đó, nguồn tin từ Mỹ cho biết, Tokyo sẽ phải tăng đóng góp tài chính cho lực lượng Mỹ đóng quân tại nước này lên 8 tỷ USD. Trong khi đó, Hàn Quốc phải trả thêm gần 500% chi phí duy trì quân đồn trú Mỹ trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2020.

Quyết định cũng khiến Seoul và Tokyo bắt đầu hoài nghi về những cam kết của Mỹ đối với đồng minh, tại khu vực châu Á, cũng như tự hỏi hành động tiếp theo của Tổng thống Trump là gì nếu hai nước không chịu trả phí ông yêu cầu.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, bước đi này của Mỹ có nhiều mục đích. Bất chấp việc nhiều nguồn tin khẳng định Tổng thống Trump đang có những đòi hỏi về việc tăng chi phí quân sự.

Hãy chú ý tới chuyến công du châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Mark Esper và Tướng Mark Milley Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Họ đang có mặt ở Seoul đang làm một công việc khác, củng cố chắc chắn liên minh Mỹ - Nhật - Hàn.

Cụ thể, Washington có thể dùng chi phí quân sự để gây áp lực buộc Seoul phải thu hồi quyết định của mình trong việc đình chỉ hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo với Tokyo khi thời hạn 23/11 sắp đến gần.

Việc đình chỉ Hiệp ước đã khiến Mỹ khó chịu, khi Washington đang củng cố liên minh để đối đầu với Trung Quốc, Triều Tiên và Nga ở Đông Bắc Á.

Shin Beom-chul, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan cho rằng, có khả năng Mỹ về điều chỉnh chi phí ở mức hợp lý hơn khi các cuộc đàm phán tiến triển. Tuy nhiên, bất kỳ sự gia tăng nào cũng sẽ là gánh nặng cho chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in.

Dù bước đi này của Washington có phần vội vã và có khả năng dẫn đến hiệu ứng ngược, nhưng các hành động khiêu khích gần đây của Triều Tiên có thể khiến cả Hàn Quốc và Nhật Bản nghĩ lại và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, giải quyết tranh chấp và củng cố quan hệ đồng minh.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình ngân sách hiện tại ở Mỹ, Washington không còn đủ khả năng chi trả để bảo vệ các quốc gia khác. Có khả năng, chuyến đi của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ cũng là cơ hội để ông thuyết phục các đồng minh tiếp tục chia sẻ một phần kinh phí với Mỹ.

Có một điều chắc chắn, Mỹ sẽ không từ bỏ các đồng minh ở khu vực châu Á trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng tầm ảnh hưởng trong khu vực, cũng như loại bỏ sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc.

Sở dĩ có thể khẳng định điều này vì lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) rất cần thiết về mặt quân sự. Điều này được lý giải vì sự hiện diện của các lực lượng của Hoa Kỳ cung cấp sự răn đe và để ngăn chặn những cuộc chiến nổ ra.

Về mặt tâm lý, nếu lực lượng Mỹ không còn sự hiện diện tại khu vực, điều này đồng nghĩa với việc các cuộc xung đột có thể dễ dàng được châm ngòi mà không còn sự can thiệp kịp thời.

Theo Hiệp ước Quốc phòng Mỹ-Hàn năm 1953, Mỹ triển khai lực lượng này tại Hàn Quốc, để ngăn chặn các mối đe dọa từ Triều Tiên và cũng là để đảm bảo an ninh tại khu vực Đông Bắc Á.

Do đó, nếu Mỹ bỏ ngỏ khu vực này, Triều Tiên và Trung Quốc, thậm chí là Nga sẽ không dễ dàng bỏ qua lỗ hổng để thành lập khu vực quân sự hùng mạnh, đe dọa đến an ninh nước Mỹ.

Mặt khác, Mỹ đủ giàu để chi trả cho nhu cầu trong nước và sự hiện diện mạnh mẽ ở nước ngoài. Kể từ năm 1950, GDP của Hoa Kỳ đã tăng từ 2,2 nghìn tỷ USD lên 16,3 nghìn tỷ USD vào năm ngoái.

Rõ ràng, quốc gia này hoàn toàn có khả năng duy trì sự hiện diện ở Seoul và Tokyo nếu điều này có lợi cho Mỹ mà không cần các đồng minh tăng thêm kinh phí.

Thử nghiệm của Mỹ?

Liệu Mỹ có đang đánh cược trong chiến lược quốc phòng với các đồng minh của mình?

Do vậy, vẫn còn một giả thuyết khác đằng sau hành động tăng chi phí quân sự của Mỹ. Trong bài viết của mình, Troy Stangarone, Giám đốc cấp cao về các vấn đề của Quốc hội và Thương mại tại Viện Kinh tế Hàn Quốc tại Mỹ (KEIA) đã giả định, có khả năng Mỹ đang để ngỏ cho Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình, bằng việc rút sự hiện diện của quân đội tại hai nước này.

Hàn Quốc và Nhật Bản đều có nguồn lực tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực để tạo ra vũ khí hạt nhân. Cả hai quốc gia có thể sẽ theo đuổi một lựa chọn hạt nhân nếu sự đảm bảo an ninh của Hoa Kỳ bị thu hẹp lại, thậm chí biến mất hoàn toàn.

Chính vì vậy, chính sách của chính quyền Trump về việc làm suy yếu các cam kết an ninh của Washington đối với Seoul và Tokyo có thể sẽ khuyến khích hai quốc gia phát triển chương trình vũ khí hạt nhân một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, nếu điều này là thật, Mỹ đang sử dụng một con dao hai lưỡi khi việc này sẽ chạm đến vấn đề an ninh của Mỹ và của toàn thế giới. Seoul và Tokyo sẽ phải rút khỏi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT). Nếu họ làm như vậy, NPT sẽ tan tã ngay lập tức và kích hoạt cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.

Khi nhiều quốc gia phát triển các chương trình hạt nhân, sẽ ngày càng có nhiều quốc gia tiếp cận với vật liệu phân hạch và có thể đe dọa hòa bình và ổn định của thế giới. Đồng thời, việc làm này cũng kích thích sự trả đũa của Triều Tiên, dẫn đến bất ổn hàng loạt gia tăng tại châu Á.

Chính vì vậy, điều này rất khó có thể xảy ra khi Quốc hội Mỹ không dễ dàng đánh cược nền an ninh quốc phòng của mình. Và Tổng thống Trump cũng không dễ dàng hy sinh mối quan hệ tốt đẹp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/thu-thach-moi-cho-lien-minh-my-nhat-han-161609.html