Thú sưu tập truyện tranh cũ

Nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ 8X (sinh những năm 1980) đang 'săn lùng' những bộ truyện tranh được phát hành từ hơn 20 năm trước. Đối với họ, đó là cả một khoảng trời ký ức. Thị trường truyện tranh xuất bản vào những năm 1990 bởi vậy trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Đối với thế hệ 8X, việc mua được những cuốn truyện tranh thời còn “quần xanh áo trắng” đi học là điều… bất khả thi. “Giải pháp” duy nhất là đến những quán cho thuê truyện tranh để đọc. Mỗi cuốn truyện thời đó, như cuốn “Đôrêmon” tôi từng đọc, phải trả 2.000 đồng (bằng giá một ổ bánh mì buổi sáng) cho một lần xem. Mà bộ truyện có đến 78 cuốn truyện ngắn, 8 cuốn truyện dài, 8 cuốn truyện màu!

Đam mê sưu tầm trọn bộ 159 tập “Dũng sĩ Hesman” phát hành từ năm 1992 đến năm 1996, anh Hiệp Hiếu Minh (sinh năm 1987), hiện là nhân viên thị trường của một đại lý bán thuốc lá ở thành phố Huế, mừng rỡ khi được một người bạn tặng 8 cuốn truyện tranh lẻ.

Ngồi bên ly cà phê, anh mân mê lần giở những trang truyện tranh đã ngả màu ố vàng. Anh Minh phấn khởi tâm sự: “Lúc trước, hằng tuần anh đã đều đặn đến các hiệu sách cũ để hỏi về bộ truyện này. Nhưng hy hữu lắm cũng chỉ được vài cuốn lẻ!”.

Bộ truyện tranh “Dũng sĩ Hesman” được đẩy giá lên hàng chục triệu đồng.

Bộ truyện tranh “Dũng sĩ Hesman” được đẩy giá lên hàng chục triệu đồng.

Chị Lê Thị Thu Thủy (49 tuổi), hiện là chủ shop “Kho truyện – Huế” ở đường Thái Phiên (TP. Huế), vui vẻ bảo với tôi khi biết tôi có thú sưu tập truyện tranh cũ: “Em cứ vào lựa xem có cuốn nào thích không?”. Nhìn căn nhà chất chật ních đống những chồng truyện tranh, tôi choáng ngợp. “Răng nhiều truyện rứa chị?”. Chị Thủy phấn khởi nói: “Chị mới nhập về trước Tết đó”. Chỉ tay vào cả chục bao tải truyện đã ghi tên người nhận, chị nói thêm: “Rứa mà có nhiều người liên hệ đặt trước rồi đó em!”.

Theo nghề thu mua và buôn bán truyện tranh đã nhiều năm, chị Thủy trải lòng: “Bữa ni các quầy cho thuê truyện ở Huế thanh lý nhiều lắm. Khi không kinh doanh nữa, họ sẽ gọi chị đến mua. Khi hết nguồn truyện, chị sẽ vào Đà Nẵng thu mua. Cứ có truyện là chị lại live stream để khách hàng lựa chọn”.

Vào buổi sáng và chiều, chị Thủy bận thu mua truyện nên chị thường live stream bán truyện trên trang Facebook cá nhân và trang Fanpage “Kho truyện – Huế” vào buổi tối. Vì bán truyện tranh giá rẻ lại tận tình “săn lùng” giùm độc giả những bộ truyện xuất bản vào những năm 1990 theo yêu cầu nên shop của chị nhận được sự theo dõi của những tín đồ truyện tranh trên cả nước.

Facebook Nguyễn Văn Huy Hoàng chia sẻ: “Mới mua truyện một lần nhưng khá hài lòng”. Facebook Linh Pham đánh giá: “Truyện có giá rẻ hơn nhiều nơi mà chất lượng khá tốt, chị chủ cửa hàng nhiệt tình và tốt bụng nữa”. Facebook Xuân Sơn Hồ thì cho hay: “Nhìn kho truyện là phê. Tha hồ lựa. Giá cả ngon nữa. Hi vọng chị tiếp tục duy trì”.

Hiện, những trang fanpage dành cho những ai muốn trao đổi, mua bán truyện tranh “tương tác” đã có nhiều. Tuy nhiên, các trang fanpage này đa số chỉ “hiện diện” những bộ truyện tranh tái bản. Trong vai người tìm kiếm bộ truyện “Đôrêmon”, hỏi khắp các trang fanpage này đều không có nhưng bộ “Doraemon” (bộ tái bản của “Đôrêmon”) thì lại có nhiều. Do đó, trên thực tế, độ khan hiếm của những bộ truyện tranh được phát hành trong những năm 1990 khiến cho giá cả của chúng ngày càng “đắt đỏ”. Thậm chí, có người nói đùa là như “mò kim đáy biển”.

“Kiến tha lâu đầy tổ”, gần chục năm trời kiên trì, anh Hiệp Hiếu Minh đã sưu tầm được gần như trọn bộ “Dũng sĩ Hesman”. Mặc dù vậy, dù thiếu một số cuốn nhưng để kiếm ra được chúng không phải chuyện dễ dàng. Gần đây, để sở hữu trọn bộ truyện tranh “Dũng sĩ Hesman”, người mua phải bỏ ra trên chục triệu đồng. Có người bán còn “hét giá” đến 28 triệu đồng.

Anh Minh cho biết: “Nhiều người không bán lẻ mà chỉ muốn trao đổi. Thậm chí, có khi phải đưa cho họ ba, bốn cuốn họ thiếu để lấy một cuốn mình cần. Quý hiếm nhất là bốn tập đầu tiên của bộ truyện về Hesman vì số lượng in lúc đó rất hạn chế bởi nhà xuất bản dò xét xem độc giả có hưởng ứng bộ truyện hay không?”.

Không chỉ bộ “Dũng sĩ Hesman”, những bộ truyện tranh khác được phát hành trong những năm 1990 như “Đôrêmon”, “Subasa”, “Thủy thủ mặt trăng”, “Bảy viên ngọc rồng”, “Siêu quậy Téppi”… đều được săn lùng. Đa số những bộ truyện tranh Nhật Bản này được tái bản nhiều lần nên quý hiếm nhất chính là lần xuất bản đầu tiên. Đặc biệt, có những bộ như “Subasa”, “Siêu quậy Téppi” không tái bản nên mức độ quý hiếm càng tăng.

Nhiều lần đến đường Nguyễn Trường Tộ (TP. Huế), tôi thường hỏi ông Lê Văn Dương, ông Lê Mười, bà Trương Thị Ngọc Hồng, là những người bán sách truyện cũ ở vỉa hè về những bộ truyện tranh trên. Tuy nhiên, điều nhận được là những cái lắc đầu! Từ năm 1998, tức cách đây 20 năm, họ đã bán sách truyện cũ trên tuyến đường này nhưng chưa bao giờ họ thu mua được đủ một bộ truyện tranh xuất bản vào những năm 1990!

Nguyễn Văn Toàn

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/thu-suu-tap-truyen-tranh-cu-538821/