Thủ phủ mía ĐBSCL gặp khó đủ bề

Dù đã chủ động cùng các doanh nghiệp sản xuất đường ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tìm giải pháp tiêu thụ mía cho nông dân thế nhưng, với tình hình đường tồn kho lớn, giá giảm đã khiến ngành hàng này ở Hậu Giang, nơi được xem là thủ phủ mía đường miền sông nước, vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thu hoạch mía. Ảnh: Trung Chánh

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, địa phương có diện tích sản xuất mía lớn nhất ĐBSCL cho biết, chỉ riêng huyện Phụng Hiệp, tính đến nay, địa phương đã thu hoạch được 1.450 héc ta trên tổng số 7.500 héc ta diện tích mía đã xuống giống trong niên vụ năm nay.

Theo ông Đồng, xét về tiến độ thu hoạch thì niên vụ năm nay tương đương so với niên vụ trước đó, nhưng người trồng mía không có lãi.

Cụ thể, nếu như niên vụ trước nông dân trồng mía đạt lợi nhuận khá, thì niên vụ này do giá mía giảm xuống chỉ còn 650-700 đồng/kg (mua tại ruộng) nên bị lỗ khoảng 100 đồng/kg. “Tồn kho đường tăng cao, giá đường thành phẩm giảm nên năm nay nông dân trồng mía phải chấp nhận lỗ”, ông giải thích thêm.

Qua làm việc với các doanh nghiệp sản xuất đường, ông Đồng cho biết, hiện cả ba nhà máy đường tại địa phương đã đi vào hoạt động. Thế nhưng, khó khăn nhất các doanh nghiệp đang gặp phải là thiếu vốn. "Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, có cơ chế tăng hạn mức cho vay đối với các doanh nghiệp mía đường", ông đề xuất và cho biết do hiện nay doanh nghiệp đang bị tồn kho.

Trước đó, vào cuối tháng 8-2018, UBND tỉnh Hậu Giang đã triệu tập các sở ngành cùng doanh nghiệp ngành mía họp khẩn lần thứ hai để tìm cách “giải cứu” ngành mía đường trước những lo ngại về đường tồn kho lớn, giá giảm mạnh.

Ông Lê Văn Đời, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, tính đến cuối tháng 8-2018, niện vụ mía năm nay chỉ có 50% diện tích sản xuất của nông dân được doanh nghiệp bao tiêu, tức chỉ đạt khoảng 5.000 héc ta.

Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Công ty cổ phần mía đường, cồn Long Mỹ Phát cho biết, việc chậm ký hợp đồng bao tiêu cho nông dân do giá đường xuống thấp, lo sợ đường bán không được, thiếu vốn tồn trữ, trong khi không thể nợ tiền mía của dân nên các hợp đồng bao tiêu không thực hiện được.

Ông Phạm Quang Vinh, Phó chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, đường nhập lậu qua biên giới cũng như việc nhập khẩu đường lỏng chiết xuất từ tinh bột bắp là những nguyên nhân khiến ngành mía đường trong nước gặp khó khăn.

Chính vì vậy, theo đề nghị của ông Vinh, thứ nhất, các địa phương cần kiểm soát tốt việc nhập lậu đường qua biên giới để bảo vệ ngành mía đường nội địa; thứ hai, Chính phủ cần có giải pháp điều tra áp thuế chống bán phá giá đường lỏng được nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng tăng cao như thời gian qua.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280231/thu-phu-mia-dbscl-gap-kho-du-be.html