Thủ phủ điện mặt trời

Có đến Ninh Thuận những ngày hè này mới cảm nhận hết cái nắng gió đặc trưng nơi đây. Nắng như rang rát mặt người, đất đai cằn cỗi tưởng chừng như cây cối không lớn được. Vậy nhưng, chính cái khắc nghiệt của thiên nhiên lại tạo ra thứ tài nguyên quí giá để biến nơi đây thành thủ phủ năng lượng tái tạo của cả nước.

Có đến Ninh Thuận những ngày hè này mới cảm nhận hết cái nắng gió đặc trưng nơi đây. Nắng như rang rát mặt người, đất đai cằn cỗi tưởng chừng như cây cối không lớn được. Vậy nhưng, chính cái khắc nghiệt của thiên nhiên lại tạo ra thứ tài nguyên quí giá để biến nơi đây thành thủ phủ năng lượng tái tạo của cả nước.

Một cánh đồng pin năng lượng mặt trời tại Thuận Bắc, Ninh Thuận.

Một cánh đồng pin năng lượng mặt trời tại Thuận Bắc, Ninh Thuận.

Tại xã Bắc Phong, H. Thuận Bắc, vùng cát trắng từ bao đời người dân quen với nắng gió, với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, giữa mênh mang cánh đồng, khó loài cây nào có thể trồng cấy, mang hiệu quả kinh tế cao. Nhưng rồi, cũng từ cánh đồng ấy đã “trồng” lên hàng vạn tấm pin năng lượng mặt trời, hàng trăm tua bin gió sừng sững. Sự đổi thay hiển hiện rõ trên vùng đất khắc nghiệt, mở ra cơ hội phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống người dân. Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc tập đoàn Trung Nam, đơn vị có dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) lớn nhất Việt Nam tại Thuận Bắc chia sẻ, không có lý gì đầu tư tại đây lại rủi ro. Bởi lẽ, thủy điện có thể thiên tai, lũ lụt. Còn ở Thuận Bắc, qua kiểm nghiệm, 6 giờ sáng với tấm pin năng lượng Polo đã có thể đẩy được điện lên lưới và kéo dài tới 18 giờ mới tắt nắng. Từ thực tế đó, Trung Nam đã đầu tư tại đây tổ hợp năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời với công suất gần 1 tỷ kwh/năm, tổng vốn gần 11 ngàn tỷ đồng. Theo ông Tiến, hiện giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thiện với 17/45 trụ gió, hơn 700 ngàn tấm pin mặt trời đang chạy thử trên lưới điện Quốc gia, dự kiến tới 20-5 này sẽ hoàn thiện các thủ tục để phát điện thương mại.

Không chỉ là dự án năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam, ông Tiến cho biết đây còn là dự án đầu tiên có sự kết hợp giữa điện gió và điện mặt trời. Trong quá trình thi công, tập đoàn Trung Nam đã sử dụng khối lượng vật liệu khổng lồ, riệng điện mặt trời nhập hơn 2.000 container (42 ngàn tấn thiết bị, gần 8 triệu m cáp) và hơn 10 ngàn tấn thiết bị điện gió. Các trụ điện gió cao tới 127m, sải cánh quạt tới 103m, sử dụng công nghệ không hộp số, tự động điều chỉnh đón gió. Đây là thiết bị công nghệ điện gió tân tiến và hiệu quả nhất hiện nay. Để thi công dự án, Trung Nam đã huy động 2.300 kỹ sư, công nhân làm việc ngày đêm trên công trường.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh, Ninh Thuận được Chính phủ xác định là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, địa phương cũng xem đây là lĩnh vực đột phá để phát triển bền vững. Hiện Ninh Thuận đã cấp chủ trương cho các dự án điện mặt trời tổng công suất 1.816 MW, tổng vốn đầu tư gần 50 ngàn tỷ đồng, và 800 MW điện gió tổng vốn đầu tư gần 28 ngàn tỷ đồng. Ông Vĩnh đánh giá, việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo đóng góp quan trọng cho đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, góp phần chuyển dịch kinh tế, cơ cấu đất đai, hình thành thị trường BĐS công nghiệp, biến những vùng khó khăn khô cằn trở thành những vùng rất phát triển của Ninh Thuận. Cũng theo ông Vĩnh, đến thời điểm này, Ninh Thuận dẫn đầu cả nước với 8 dự án điện gió và điện mặt trời đã đưa vào khánh thành, sử dụng. Dự kiến cuối năm 2019 sẽ có thêm 13 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất gần 700 MW sẽ vận hành thương mại, nâng tổng công suất trong năm 2019 dự kiến trên 1.300 MW.

Trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt thì năng lượng tái tạo là xu hướng phát triển bền vững. Các dự án điện gió, điện mặt trời không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường mà còn biến những vùng đất khắc nghiệt về thiên nhiên trở thành vùng phát triển năng động, chuyển dịch kinh tế, xã hội. Ông Phạm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, gần 80 ngàn ha (hơn 23% diện tích Ninh Thuận) có tiềm năng phát triển điện mặt trời. Tổng số giờ nắng trung bình ở Ninh Thuận hơn 2,8 ngàn giờ/năm, cao nhất cả nước. Ông Ngọc nói, với 3 dự án điện gió hơn 105 MW thời gian vừa qua vận hành đã tác động rất lớn tới kinh tế Ninh Thuận. Ngay trong năm 2018 các chỉ tiêu kinh tế xã hội của Ninh Thuận đều tăng và vượt các kế hoạch đề ra.

Trong đó, GDP bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng, thu ngân sách vượt kế hoạch, tổng đầu tư xã hội và thu hút đầu tư nước ngoài thuộc mức cao của cả nước. Điều này cho thấy sức lan tỏa của các dự án năng lượng tái tạo không chỉ góp phần vào thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người dân mà còn tạo nên những giá trị thúc đẩy phát triển các lĩnh vực như dịch vụ, du lịch, bất động sản. Ngoài ra, Ninh Thuận đang hướng tới xây dựng, hình thành các trung tâm nghiên cứu, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực liên quan tới năng lượng tái tạo. “Chúng tôi mong các dự án năng lượng tái tạo tích hợp với nông nghiệp công nghệ cao ở dưới tầng pin mặt trời. Đây là hướng kết hợp hài hòa để phát triển nông nghiệp công nghệ cao với năng lượng tái tạo”- ông Ngọc chia sẻ.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_205716_thu-phu-dien-mat-troi.aspx