Thu phí ùn tắc và bảo vệ môi trường: Giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về Đề án thu phí phương tiện vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông (UTGT) và phụ thu phí bảo vệ môi trường, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho rằng, giải pháp này nếu được triển khai sẽ mang lại lợi ích kép giúp thu hút người dân đến với giao thông công cộng và hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà

Không để “phí chồng phí”
Có phải Sở GTVT đã tham mưu cho UBND TP Hà Nội đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, trình lên Quốc hội Đề án thu phí phương tiện vào khu vực có nguy cơ UTGT và phụ thu môi trường không, thưa ông?
- Đúng như vậy. Tháng 4/2017, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết 04/2017/NQ - HĐND về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm UTGT và bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Nghị quyết đã nêu rõ, một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu đó là thu phí phương tiện vào khu vực có nguy cơ UTGT và phụ thu bảo vệ môi trường. Đề án mà Hà Nội đề xuất là bước đi nhằm cụ thể hóa mục tiêu, cũng như giải pháp nêu trên.
Tại sao cần phải thu phí phương tiện vào khu vực có nguy cơ UTGT và phụ thu bảo vệ môi trường, thưa ông?
- Việc thu phí phương tiện chỉ nhằm hạn chế xe cá nhân vào một số khu vực có nguy cơ UTGT cao. Nói cách khác, TP không cấm, người dân có thể sử dụng phương tiện cá nhân để đi vào các điểm này nếu chấp nhận trả thêm phí. Nó là biện pháp kinh tế, nhằm mục đích tác động đến sự lựa chọn của người dân khi di chuyển tới các điểm có mật độ giao thông quá cao.
Còn phụ thu bảo vệ môi trường, nếu được thông qua sẽ áp dụng rộng rãi với các loại phương tiện giao thông cơ giới. Khoản thu này sẽ được dùng để đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường của TP. Mặt khác, nó cũng sẽ có những tác động nhất định đến quyết định lựa chọn phương tiện di chuyển của người dân. Qua đó góp phần hạn chế sự gia tăng phương tiện cá nhân trên địa bàn TP.

"Rất nhiều đô thị lớn trên thế giới đã áp dụng hàng loạt biện pháp kinh tế nhằm hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông. Thực tế đó là xu thế chung tất yếu của các đô thị hiện đại. Trong bối cảnh hạ tầng eo hẹp, lượng phương tiện quá lớn như hiện nay, Hà Nội càng nên nhanh chóng áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để kiềm chế, tiến tới kéo giảm UTGT." - Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành

"Hà Nội đang phải đối diện với vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn từ phương tiện giao thông đặt ra nhiều vấn đề cần sớm có biện pháp giảm tải. Muốn giải quyết vấn đề này, tiên quyết phải hạn chế được lượng phương tiện giao thông, nhất là xe cá nhân. Phụ thu bảo vệ môi trường là cần thiết vì vừa có thể kéo giảm lượng phương tiện, vừa có thêm chi phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường của TP." - Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga

Có ý kiến lo ngại việc thu phí và phụ thu như nói trên là “phí chồng phí”, ảnh hưởng tiêu cực đến người dân. Ông giải thích thế nào?
- Không thể nói là “phí chồng phí” trong trường hợp này. Về bản chất, thu phí vào khu vực có nguy cơ UTGT chỉ áp dụng theo lượt di chuyển với mỗi phương tiện. Nó không áp dụng rộng rãi trên tất cả các tuyến đường mà chỉ khu vực có nguy cơ UTGT. Mặt khác, khi nghiên cứu thu phí chúng tôi cũng đồng thời xem xét các khoản chi từ nguồn thu này, không để trùng lắp với các khoản chi khác đã có trong danh mục chi cho hạ tầng giao thông đường bộ.
Khoản thu này sẽ không áp dụng đối với phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện... để tránh ảnh hưởng đến giá vé của các loại hình nêu trên. Đây là một trong những biện pháp nhằm thu hút người dân đến với giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe cá nhân.
Không phải vì khó mà không làm
Tại sao Hà Nội phải đề xuất Thủ tướng Chính phủ trình lên Quốc hội Đề án này?
- Danh mục phí và lệ phí theo quy định của pháp luật hiện hành chưa có loại phí này. Thực tế là Hà Nội đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn do UTGT và ô nhiễm môi trường bởi mật độ phương tiện giao thông cao. Nếu không có những giải pháp quyết liệt sẽ khó lòng hạn chế được sự gia tăng của phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, đây là vấn đề vượt thẩm quyền của TP. Vậy nên TP phải báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ đưa ra Quốc hội xem xét, thông qua.

Ùn tắc giao thông trên phố Chùa Bộc. Ảnh: Hải Linh

Với điều kiện hiện nay, việc thu phí phương tiện, đặc biệt trong giờ cao điểm liệu có khả thi không thưa ông?
- Tôi đánh giá đây là một việc không dễ. Trong khi lượng phương tiện rất lớn, lại có nhiều hướng lưu thông qua các khu vực có nguy cơ UTGT nên chắc chắn việc thu phí sẽ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, không phải vì khó mà chúng ta không làm. Nhóm nghiên cứu Đề án cũng đang xây dựng các phương án hữu hiệu để thực hiện quy định này nếu như được Quốc hội thông qua.
Việc thu phí có gây thêm khó khăn cho người dân hay không khi mà mạng lưới giao thông công cộng còn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại?
- Những năm qua Hà Nội đã tập trung mạnh mẽ cho việc phát triển mạng lưới giao thông công cộng và đã có những thành công bước đầu. Tuy nhiên, phải nhìn nhận khách quan rằng mạng lưới giao thông công cộng còn chưa đáp ứng được hết nhu cầu đi lại của người dân. Hiểu rõ vấn đề đó nên nhóm nghiên cứu Đề án thu phí phương tiện vào khu vực có nguy cơ UTGT cũng đã tính đến việc đưa ra một lộ trình phù hợp, song song với phát triển mạng lưới giao thông công cộng. Mục đích là hạn chế được xe cá nhân nhưng không gây thêm khó khăn cho người dân khi có nhu cầu đi lại.
Vậy lộ trình này có thể kéo dài bao lâu, thưa ông?
- Với những điều kiện hiện có như tập quán tham gia giao thông; hệ thống vận tải hành khách công cộng... chắc chắn sẽ không thể sớm thực hiện việc thu phí phương tiện vào khu vực có nguy cơ UTGT. Dù có được Quốc hội thông qua sớm thì ít nhất đến năm 2019 vẫn chưa thể thực hiện được. Lộ trình mà Nghị quyết 04/2017/NQ - HĐND TP đề ra là tới năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Tuy nhiên, nếu được thông qua, chúng tôi sẽ cố gắng thí điểm trong thời gian sớm nhất để rút kinh nghiệm, đồng thời tiếp thu ý kiến của người dân nhằm có những điều chỉnh phù hợp đối với thực tế cũng như đặc thù của Hà Nội.
Xin cảm ơn ông!

Ngọc Hải

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thu-phi-un-tac-va-bao-ve-moi-truong-giai-phap-han-che-phuong-tien-ca-nhan-325242.html