Thu phí tự động không dừng: Vì sao chậm trễ?

Hệ thống thu phí tự động không dừng trên phạm vi toàn quốc là một chủ trương lớn đã được Quốc hội cho ý kiến, Thủ tướng Chính phủ đạo thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ lại chậm và có hiện tượng chây ỳ. Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Thanh- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Bộ Giao thông vận tải.

 Ông Nguyễn Văn Thanh.

Ông Nguyễn Văn Thanh.

PV: Thưa ông, theo lộ trình mà Chính phủ đặt ra đến hết năm 2018, tất cả các trạm thu phí đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh sẽ phải thực hiện thu phí tự động không dừng. Đến hết năm 2019, công nghệ này sẽ được áp dụng cho tất cả các trạm còn lại. Tuy nhiên đến nay mới có 24 trong tổng số 44 trạm BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đưa vào vận hành làn thu phí tự động. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Thanh: Tiến độ lắp thiết bị thu phí tự động không dừng rất chậm, đến nay so với yêu cầu của Thủ tướng đặt ra đã chậm 2 năm. Hơn nữa, dù một số nơi có lắp đi chăng nữa nhưng lẽ ra phải lắp ở tất cả các cửa thu phí song hiện tại chỉ lắp có 1-2 làn thu tự động. Đó là không triệt để vì còn 4-5 làn khác vẫn thu theo kiểu thủ công. Thủ tướng đã có chỉ đạo nhưng thực hiện chậm như vậy trách nhiệm đầu tiên thuộc về Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Còn phía chủ phương tiện không muốn lắp vì chính ra cái đó phải kết nối với tài khoản ngân hàng của họ, tiền để trong tài khoản khi nào đi mới trừ thì không sao. Tuy nhiên chúng ta lại yêu cầu họ phải rút tiền ra để nạp vào tài khoản riêng, như vậy có nghĩa tiền đó là tiền chết cho nên họ không muốn vậy. Đối với doanh nghiệp, tiền luôn lưu động để sản xuất kinh doanh nên yêu cầu họ trích một khoản tiền nằm chết để trong tài khoản thu phí, người ta đương nhiên không muốn. Đó cũng là chỗ bất cập.

Về mặt công nghệ không có vấn đề gì cả vì đã thống nhất chọn một công nghệ rồi. Điều đáng nói, mỗi 1 trạm chỉ có 1 hoặc 2 làn thu phí tự động không dừng nhưng vẫn được tính là trạm thu phí tự động không dừng. Điều đó dấy lên lo ngại việc trốn thuế của các chủ đầu tư vì khai doanh thu thấp nghĩa là đóng thuế thấp, lại vừa có khả năng yêu cầu đòi hỏi điều chỉnh kéo dài thời gian thu phí.
Vậy có chế tài nào để xử lý sự chậm trễ không, thưa ông?

- Ở đây cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ GTVT phải làm vì đó là trách nhiệm của bộ, nhất là Thủ tướng đã có ý kiến nhiều lần rồi. Tôi cho rằng nếu Bộ GTVT tích cực họ sẽ có cách giải quyết với các chủ đầu tư chây ỳ. Ví dụ đưa ra chế tài đến hết năm 2019 chỗ nào không lắp thu phí tự động không dừng thì cho ngừng thu phí.

Ông nghĩ sao khi lâu nay nhà đầu tư BOT được Bộ GTVT trao quyền tự thu phí, tự khai báo với cơ quan Nhà nước về số tiền phải đóng thuế. Từ vụ bị cướp hơn 2 tỷ tại trạm thu phí Dầu Giây trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đang có những lo ngại về việc không thu phí tự động tạo ra sự không minh bạch về việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?

-Trước đây Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ nếu như trong nội bộ không tố cáo nhau thì sao xã hội biết được chuyện gian lận. Hay không có vụ cướp vừa rồi tại trạm thu phí Dầu Giây thì xã hội cũng sao biết được mỗi ngày thu được bao nhiêu tiền. Điều đó chứng tỏ rằng có nhiều khả năng thu phí thủ công có sự gian lận, hoặc có thể các thành viên trong công ty BOT gian lận với nhau; hay gian lận với Nhà nước. Tôi nói giả sử, tiền thu 1 ca được 3 tỷ, nếu khai báo đàng hoàng thì phải nộp thuế 300 triệu, nhưng nếu chỉ khai thu được 1 tỷ thì nộp thuế có 100 triệu thôi. Như vậy thuế cũng bị thất thu. Thu phí thủ công dẫn đến việc không kiểm soát được số tiền thu .

Có vẻ chủ đầu tư cố tình chây ỳ không muốn thu phí tự động, nhưng xem ra sự vào cuộc của các cơ quan chức năng là quá chậm, thưa ông?

-Quá chậm! Có mấy điểm theo tôi cần minh bạch rõ ràng. Đó là tổng mức đầu tư dự án là bao nhiêu? tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án này là như thế nào? có mấy làn xe? Thời gian thu phí là bao lâu? Các cái đó phải công bố để xã hội còn giám sát. Đó là cái dư luận xã hội đòi hỏi nhiều lần rồi, ít ra cũng phải công khai thì người dân mới biết là như thế nào? Ví dụ 1000 tỷ đồng đầu tư đoạn này với 4 làn xe nhưng nếu chỉ có 2 làn thì xã hội sẽ giám sát thấy rằng không ổn. Hay từ tổng mức đầu tư sẽ tính được tiền thu là bao nhiêu? Ví dụ tính 2 vạn xe thì bằng này thời gian thu, nhưng 5 vạn xe thì thời gian thu phải ngắn đi chứ sao lại cứ thu mãi. Những cái đó theo tôi cần phải công khai để người dân còn giám sát nhưng đáng tiếc lại chưa được công khai, minh bạch.

Ông có cho rằng sự chây ỳ có dấu hiệu của lợi ích nhóm?

-Tôi nghĩ phải có lợi ích thì mới làm chậm, chây ỳ như vậy. Không đạt được lợi ích gì chắc chắn họ phải làm theo đúng chỉ đạo để đỡ phải mang tiếng. Bây giờ cơ quan chức năng đã vào cuộc thanh tra tại trạm thu phí Dầu Giây rồi, sau kết quả thanh tra tại 1 trạm nó sẽ dần dần làm sáng tỏ ra và từ đó người ta sẽ có thể nhìn vào hình ảnh tương tự tại các trạm khác xem như thế nào.

Từ thực tế này, theo ông Bộ GTVT cần tổng rà soát thanh tra tại các trạm thu phí BOT?

-Theo tôi Bộ GTVT phải có quyết tâm rất cao, xử lý nghiêm những chủ đầu tư nào còn chây ỳ. Nếu Bộ không mạnh mẽ, kết quả sẽ không như mong muốn.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xe/thu-phi-tu-dong-khong-dung-vi-sao-cham-tre-tintuc430444