Thu phí trở lại BOT TP.HCM - Trung Lương: Động thái mới

Bộ GTVT đã trình Chính phủ phương án thu phí trở lại với BOT TP. HCM - Trung Lương để lấy các ý kiến bộ, ngành.

Ngày 18/10/2019, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, đơn vị đã trình Thủ tướng phương án thu phí trở lại đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Hiện Thủ tướng đang lấy ý kiến các bộ, ngành về việc thu phí trở lại đường cao tốc này.

Lý do được Bộ GTVT đưa ra là do tuyến đường này được khai thác từ năm 2010 nhưng chỉ có bảo trì nhỏ lẻ, đến nay đã có sự xuống cấp của mặt đường, hệ thống ITS phát sinh nhiều hư hỏng, chưa được bố trí kinh phí sửa chữa kịp thời, cũng như chưa có quy trình quản lý, vận hành khai thác và bảo trì hệ thống ITS cho tuyến.

Bên cạnh đó, sau khi tạm dừng thu phí vào đầu năm 2019, cao tốc TP.HCM - Trung Lương có lưu lượng xe tăng đột biến. Vận tốc thiết kế tối đa của đường cao tốc này là 120km/h nhưng vận tốc thực tế trung bình đạt được chỉ 60 - 70km/h (trong khi đó trước thời điểm dừng thu phí, vận tốc trung bình là 100km/h).

Lưu lượng xe qua cao tốc TPHCM-Trung Lương mỗi ngày khá lớn. Ảnh: SGGP

Lưu lượng xe qua cao tốc TPHCM-Trung Lương mỗi ngày khá lớn. Ảnh: SGGP

Bên cạnh đó, ý thức và việc chấp hành pháp luật, quy tắc giao thông và xử lý chưa triệt để, nhiều xe vi phạm đi vào làn khẩn cấp hoặc dừng đỗ ở làn đường này; tình trạng xe chuyển làn liên tục, đi xe máy vào đường cao tốc càng làm giảm khả năng thông hành và tăng nguy cơ tai nạn giao thông.

Trước đó, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho biết, đề xuất thu phí trở lại đối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương hoàn toàn đúng luật bởi dự án này cho tới nay vẫn còn hạn thu phí và việc thu phí vẫn chưa đủ để hoàn trả vốn cho ngân sách đã ứng trước đầu tư hơn 9.884 tỷ đồng.

Theo ông Chủng, việc thu phí trở lại giúp nâng cao hiệu quả tuyến đường TP. HCM khi góp phần điều chỉnh tốc độ xe di chuyển trên đường, điều tiết giao thông, có nguồn kinh phí để nộp ngân sách nhà nước.

"Điều quan trọng hơn là từ việc thu phí ấy thì có kinh phí để phục vụ, đặc biệt xác định được trách nhiệm về người chủ quản lý, khai thác đường cao tốc ấy.

Chủ khai thác cao tốc có nghĩa vụ quan trắc, đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo vận hành theo đúng quy tắc của cao tốc; có kinh phí cho bộ máy vận hành; có bộ phận thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình trạng xuống cấp của công trình, đồng thời có biện pháp tu sửa kịp thời hư hỏng", PGS.TS Trần Chủng nói.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, trong trường hợp cao tốc TP.HCM-Trung Lương đã thu phí BOT xong, chuyển giao cho Nhà nước thì phải lấy phí bảo trì đường bộ mà các xe cộ đóng góp để tiếp tục bảo trì con đường này.

"Nếu cao tốc TP.HCM-Trung Lương quá tải, bị xuống cấp thì có thể lấy phí thu được từ các con đường khác không bị quả tải sang để bảo trì. Nhưng có lẽ do không đủ tiền nên cơ quan quản lý mới đề xuất thu phí trở lại cao tốc TP.HCM-Trung Lương", PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói.

Cũng theo ông Thám, nếu cao tốc TP.HCM-Trung Lương đã hết hạn thu phí, giờ muốn thu thu phí trở lại thì cơ quan quản lý nên hỏi ý kiến của HĐND các tỉnh xung quanh con đường trên.

Ngọc Mai

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/thu-phi-tro-lai-bot-tphcm--trung-luong-dong-thai-moi-3389703/