Thu phí tham quan thắng cảnh đền, chùa còn nhiều điểm chưa hợp lý

Hiện nay, ở một số ngôi chùa nổi tiếng thu hút hàng triệu du khách thập phương, xuất hiện trạm thu phí vào cửa. Chủ trương thu phí để duy trì, bảo tồn danh thắng là đúng theo quy định của Luật Di sản văn hóa, nhưng mức thu như thế nào là hợp lý và không gây bức xúc cho du khách cần được các cơ quan chức năng tính toán.

Người dân chưa đồng thuận

Tại chùa Yên Tử (Quảng Ninh), hàng vạn du khách đều bất ngờ khi năm nay phải mua vé mới được vào. Được biết, sau 10 năm tạm dừng, từ ngày 1-1-2018, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu thu phí tham quan với mức 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em. Chỉ trẻ em có chiều cao dưới 1,2m (hoặc dưới 7 tuổi), người khuyết tật, tăng ni, cư sĩ phật tử hoặc đại biểu Phật giáo mới được miễn phí vào chùa.

 Bảng thông báo mức thu phí vào Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương.

Bảng thông báo mức thu phí vào Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương.

Không chỉ chùa Yên Tử, năm 2018, trên địa bàn TP Hà Nội cũng có nhiều đền, chùa tiến hành thu phí vào cổng. Ngay cổng chùa Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất) có bảng thông báo thu phí rất to, trên đó trích rất rõ các nghị quyết, quyết định như: Căn cứ Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về thu phí, lệ phí; Căn cứ Quyết định số 53/2016/QĐ-UBND và số 58/2016/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội… Tại chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai), du khách cũng phải mua vé ngoài cổng với giá 10.000 đồng/người. Ban quản lý lập 2 điểm bán vé ở 2 cổng vào. Tuy nhiên, với mức giá vừa phải là 10.000/người dễ nhận được sự đồng tình của người dân.

Bà Nguyễn Mai Phương, số nhà 260 đường Bạch Đằng, phường Nam Khê, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, bức xúc: "Đã gần 10 năm nay, năm nào tôi cũng cùng gia đình đi lễ chùa Yên Tử nên tôi thấy việc thu phí vào chùa còn nhiều điểm chưa hợp lý. Người dân đến chùa Yên Tử thì có đến 90% là đi lễ, chứ không phải tham quan vãn cảnh. Trong khi chính quyền lại ghi trong vé là tham quan nên sẽ làm sai lệch mục đích người dân đi lễ. Mà đi lễ chùa cũng phải nộp phí thì mất hết ý nghĩa. Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng tâm linh. Việc xây dựng, tu bổ chùa bằng tiền công đức nên thu phí ở đây là không hợp lý".

Khi được hỏi về vấn đề thu phí vào cửa tại chùa Thầy, đại diện Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy, cho biết: “Từ năm 2017, chùa Thầy được bàn giao về UBND huyện Quốc Oai quản lý nên chúng tôi đã họp và tiến hành thu phí theo quy định. Còn từ năm 2016 trở về trước, UBND xã Sài Sơn thu phí như thế nào thì chúng tôi cũng không rõ. Hiện nay, tiền thu được chúng tôi chỉ biết nộp lại cho đồng chí Nguyễn Vũ Hán, Trưởng phòng Văn hóa huyện kiêm Phó trưởng ban Quản lý di tích. Còn việc nộp và sử dụng ngân sách như thế nào thì chúng tôi cũng không nắm được”.

Cần hợp lòng dân

PGS, TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết: "Tại các điểm danh lam thắng cảnh mang tính chất thương mại thì thu phí là chuyện bình thường. Bởi để duy trì hoạt động của một điểm du lịch cần có phí bảo quản, bảo trì và quảng bá di tích. Tuy nhiên, các công trình mang tính chất tôn giáo, ý nghĩa tâm linh thì việc thu phí cần hết sức cân nhắc. Hiện nay, chùa Yên Tử thu 40.000 đồng/người là khá cao bởi khách thập phương còn các khoản chi khác như tàu xe, cáp treo, công đức… Theo tôi, đây là mức giá chưa thực sự hợp lý. Đối với những người dân nghèo thì đây là mức phí cao. Khi chúng ta quyết định các mức thu phí nên tham chiếu làm sao cho hợp lý, để không phản lại những mục đích tốt đẹp mà chúng ta xây dựng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng của Trung ương phải rà soát lại chính sách quản lý tài chính ở các cơ sở văn hóa lớn để bảo đảm việc thu phí được sử dụng đúng mục đích".

Việc thu phí thắng cảnh Yên Tử được khẳng định là hợp pháp theo nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh, nhưng nếu chưa hợp lòng dân khi thực hiện thì cũng nên xem xét lại. Tỉnh Quảng Ninh và ban quản lý các di tích lý giải việc bán vé vào chùa là để tái đầu tư, phục vụ việc tu bổ, tôn tạo di tích, xây dựng bổ sung một số hạng mục trong chùa. Nhưng từ trước đến nay, việc góp công, góp của tô tượng, đúc chuông là việc làm công đức, tùy tâm mỗi người, do đó mà ở đền chùa luôn có những hòm công đức. Hàng nghìn ngôi chùa được xây dựng, tu bổ bằng cách đó mà không cần phải bán vé. Vì vậy, việc thu phí danh thắng đền, chùa không chỉ ở tỉnh Quảng Ninh mà các địa phương khác cũng cần xem xét cho phù hợp với thực tế.

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG - LÊ HIỀN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/thu-phi-tham-quan-thang-canh-den-chua-con-nhieu-diem-chua-hop-ly-533501