Thu phí tham quan chùa thiêng Yên Tử có đúng luật?

Chùa là nơi linh thiêng, tôn nghiêm, luôn mở cửa tự do cho mọi chúng sinh đến chiêm bái, gửi gắm niềm tin vào đức Phật.Theo Ann ninh Thủ đô, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), Tiến sỹ Lê Hồng Sơn, cho rằng việc thu phí vào quần thể danh thắng và chùa Yên Tử là không đúng quy định pháp luật.Tiến sỹ Sơn cho biết, trước hết cần xác định địa bàn Yên Tử là như thế nào. Đây là địa bàn hành chính, lãnh thổ rộng quy tụ quần thể với nhiều di tích danh thắng. Nhưng cần lưu ý, ở quần thể danh thắng Yên tử còn có hệ thống thờ tự tín ngưỡng tôn giáo, Phật giáo Yên Tử. Đó là một đặc thù của Yên Tử.Từ định nghĩa trên, Tiến sỹ Sơn phân tích, việc thu tiền một quần thể Yên Tử rộng mênh mông như vậy là không phù hợp. Người dân đi đến Yên Tử, trong tâm nguyện và mục đích là đi đến hành lễ ở các cơ sở tôn giáo. Chắc hẳn nhiều người không lên đây để ngắm cảnh núi non của Yên Tử. Tiến Sỹ Sơn cho rằng, việc đưa ra quy định và mục đích về bán vé thu tiền là ngụy biện, bởi những cơ sở thờ tự tôn giáo là nơi có bề sâu về lịch sử như ở Yên Tử thì không có quyền bán vé thu tiền

Nhiều người khi đi du xuân, cúng lễ ở Yên Tử đã phản đối việc thu phí tại đây. Ảnh: Internet

Vậy mà người dân đi cúng lễ ở Yên Tử (Quảng Ninh) đầu xuân Mậu Tuất phải nộp phí 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em.

Sau 10 năm dừng thu nay Quảng Ninh lại thu phí đi tham quan, cúng lễ ở Yên Tử, nhiều người dân và du khách tỏ ra ngạc nhiên, bức xúc cho rằng việc thu phí là không hợp lý, “đi lễ chùa cũng phải nộp phí thì mất hết ý nghĩa”.

Trong khi công tác truyền thông về thu phí chưa được tăng cường để thông tin đến được với người dân và du khách thì Quảng Ninh căn cứ vào đâu để thu phí đến tham quan, cúng lễ chùa thiêng Yên Tử?

Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, khoản phí thu được sẽ chi 20% để đảm bảo hoạt động của bộ máy Ban quản lý; 80% còn lại nộp ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn lực cho TP Uông Bí thực hiện một số nhiệm vụ đầu tư và quản lý danh thắng Yên Tử.

Một tờ báo dã làm phép tính: Năm 2017, lượng khách đến Yên Tử đạt 1,5 triệu lượt. Dự tính trong năm 2018, con số này sẽ tăng lên tới 1,8 triệu lượt. Và với việc thu phí tham quan, chính quyền sở tại sẽ thu được tới 70 tỷ đồng.

Trên phương tiện thông tin đại chúng, ông Trần Văn Lâm - Bí thư TP Uông Bí (Quảng Ninh) - giải thích: Từ nhiều năm nay, ngân sách nhà nước phải bỏ ra những khoản lớn để đầu tư, tôn tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở và nuôi bộ máy Ban quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử. Việc thu phí trở lại cũng nhằm một phần giảm gánh nặng cho ngân sách.

Còn Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Việc thu phí tham quan Yên Tử được thực hiện đúng luật bởi đây không phải phí đi lễ chùa mà là phí tham quan. Vậy luật đó là luật nào, quy định ở khoản và điều nào? Thiết nghĩ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cần chỉ rõ cho dân chúng biết, không thể khẳng định chung chung như vị Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh nêu trên.

Nhiều ý kiến đã chế giễu:“Đúng luật” ở chỗ: Chùa nằm trong khu di tích thắng cảnh, người dân muốn đi vào chùa không còn cách nào khác là phải vào khu di tích và sẽ phải trả phí tham quan.

Có tờ báo đã ví von: Nếu BOT nhiều nơi là trải thảm ít mặt đường rồi chặn thu phí toàn tuyến thì Yên Tử cũng vậy: Xây khu di tích, tổ chức dịch vụ rồi đặt vé tham quan bất kể người dân có sử dụng hay không? Bất kể người dân tham quan hay hành hương cửa Phật? Điều đó có nghĩa hành hương về Yên Tử, sau quyết định thu phí tham quan này, giờ đã không thuần túy chỉ là hành hương nữa mà là một thứ kinh doanh phải trả bằng tiền. Tờ báo này đã giật tít “Đừng vì vài đồng bạc mà làm ô uế chốn Phật môn”.

Thực tế nhiều người đến chiêm bái Yên Tử không leo lên đến chùa Đồng (nơi cao nhất trong hành trình) mà chỉ đi ngang chừng rồi quay xuống nên việc thu phí với mức giá 40.000 đồng mỗi người lớn là quá cao. Họ ngao ngán: Đầu năm đi lễ chùa để cầu phúc, cầu an lành mà lại mất tiền thì "sang năm sẽ không đến Yên Tử ”.

Không ít người bày tỏ: Đến Yên Tử, chúng tôi mất rất nhiều khoản phí như gửi xe, phí cáp treo, xe điện, phí tham quan,… như vậy là phí chồng phí. Trong đó, chúng tôi bức xúc nhất là phí tham quan vì quá đắt và không hợp lý.

Với chủ trương xã hội hóa, từ bao năm qua, nhân dân, khách hành hương, tín đồ Phật giáo đã công đức tiền bạc, công sức và cả niềm tin để góp phần biến Yên Tử trở thành chốn thiêng, nơi người ta có thể thanh tịnh chiêm bái cảnh chùa. Ông Phạm Quốc Duyệt, nguyên cán bộ ngành văn hóa, Hội viên hội văn học nghệ thuật Quảng Ninh cho rằng, Yên Tử là nơi tâm linh lớn nhất Quảng Ninh nên việc thu phí tham quan ở đây là không hợp lý. Người dân khi đi lễ chùa thường có tiền công đức, đây là nguồn tiền dùng để tu bổ di tích. Du khách đến vịnh Hạ Long là để du lịch, còn đến Yên Tử bằng cái tâm và để cầu nguyện.

Đừng có đem kinh doanh cả những nơi chốn thiêng liêng như Yên Tử! Triết lý nhà Phật dạy rằng nếu cứ “tham sân si” trước sau cũng bị khốn. Đến với chùa thiêng Yên Tử với tấm lòng thành kính, nếu cứ “tham thì thâm”!

Vũ Xuân Bân |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thu-phi-tham-quan-chua-thieng-yen-tu-co-dung-luat-60185