Thu phí tại BOT An Sương - An Lạc đến tháng 01/2033 là có cơ sở

Tại buổi họp chiều 04/12, ông Nguyễn Văn Tám - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh lo ngại các đối tượng cố tình gây rối, làm nhiễu loạn thông tin tại trạm thu phí An Sương - An Lạc chứ không phải người dân hiểu nhầm thời hạn thu phí.

Trạm thu phí BOT AN Sương - An Lạc những ngày hoạt động bình thường.

Theo ông Tám, Dự án BOT An Sương - An Lạc khởi đầu được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng sau đó chuyển giao lại cho TP Hồ Chí Minh.

Khi đưa vào sử dụng, lưu lượng xe tăng, các tuyến đường giao cắt thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng như Hương Lộ 2, Tỉnh lộ 10, Tỉnh lộ 10B, Gò Mây… nên nhà đầu tư BOT là Cty CP đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (IDICO-IDI) đã đề xuất và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đồng ý. Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện, các bước thẩm định, phê duyệt đều trải qua trình tự đúng quy định pháp luật.

“Thời hạn hết thu phí các dự án bổ sung là đến năm 2033, tuy nhiên, sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, nếu doanh thu tăng cao sẽ giảm được thời gian thu phí, ngược lại nếu doanh thu giảm thì tăng thời gian thu phí, nên thời gian đến năm 2033 cũng chỉ là con số dự kiến”, ông Tám chia sẻ.

Theo báo cáo của nhà đầu tư, Dự án cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn An Sương – An Lạc được Thủ tướng Chính phủ thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi tại Công văn số 392/CP-CN ngày 25/4/2000 và được điều chỉnh, bổ sung theo Quyết định số 3536/BGTVT-KHĐT ngày 24/1/2003 của Bộ Giao thông Vận tải.

Dự án có tổng chiều dài tuyến đường là 13.681m, mặt cắt ngang 36,2m (gồm: 06 làn xe cơ giới rộng 3,5m, 02 làn xe thô sơ rộng 2,8m, dải phân cách rộng 1,6m, vỉa hè rộng 4m/bên). Dự án ban đầu đã hoàn thành ngày 31/12/2004 và đưa vào khai thác thu phí hoàn vốn từ ngày 02/01/2005 đến 31/01/2017.

Trong thời gian vận hành khai thác, cùng với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh nên lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên khu vực ngày một đông gây kẹt xe kéo dài.

Từ thực tế đó, được sự chấp thuận của Thủ Tướng Chính phủ, UBND TP Hồ Chí Minh, Cty IDICO-IDI đã đầu tư xây dựng 4 nút giao thông: Cầu vượt Tỉnh lộ 10B/QL1; Cầu vượt Tỉnh lộ 10/QL1; Cầu vượt Hương lộ 2/QL1; Cầu vượt Lê Trọng Tấn/QL1.

Cụ thể IDICO-IDI đầu tư bổ sung lần 1 xây dựng công trình cầu vượt tại nút giao Tỉnh lộ 10 - QL1 và Tỉnh lộ 10B - QL1, tổng mức đầu tư trên 704,5 tỷ đồng. Công trình hoành thành đưa vào sử dụng ngày 30/8/2013.

Lần 2, IDICO-IDI đầu tư bổ sung nút giao Hương lộ 2 - Tây Lân - QL1 với tổng vốn đầu tư trên 407 tỷ đồng và đưa vào sử dụng ngày 31/12/2014.

Lần 3, tiếp tục đầu tư xây dựng cầu vượt tại nút giao Lê Trọng Tấn - Nguyễn Thị Tú - QL1 với tổng mức đầu tư trên 511,5 tỷ đồng. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 17/5/2017.

Như vậy, tổng mức đầu tư Dự án BOT An Sương - An Lạc và các dự án thành phần đến nay gần tới 2.455 tỷ đồng, do đó thời gian thu phí hoàn vốn của dự án tiếp tục kéo dài từ 01/02/2017 đến 31/01/2033 là có cơ sở theo đúng quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của nhà đầu tư, chiều 3/12 từ 17h đến 18h có 06 xe mang biển kiểm soát 51F – 70622, 51F – 5762, 51B – 26160, 65A-04523, 51G-65893, 62A-07127 chạy vào các làn thu phí số 2, 6, 8, 10 (hướng An Sương – An Lạc) và làn số 9, 7, 3, 5 (hướng An Lạc – An Sương) không đồng ý mua vé qua trạm với lý do trạm thu phí đã quá thời hạn thu.

Các tài xế xe này viện dẫn văn bản có nội dung: “Theo hợp đồng giữa Bộ Giao thông Vận tải với Cty IDICO-IDI cho thấy thời gian bắt đầu thu phí của trạm BOT An Sương - An Lạc từ tháng 4/2004, thời gian thu phí kéo dài 145 tháng, đến nay thời hạn thu phí đã quá 31 tháng…”.

Sau khi xảy ra sự cố, Cty cử cán bộ xuống giải thích rõ ràng và Cty thực hiện theo đúng quy định của cơ quan chức năng. Lúc này, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng có mặt kịp thời để phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự. Đến khoảng 23h cùng ngày, tình hình mới tạm ổn, trạm thu phí trở lại hoạt động bình thường.

Cao Cường

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/thu-phi-tai-bot-an-suong-an-lac-den-thang-012033-la-co-co-so.html