Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô tại TP.HCM: Quá nhiều bất cập, kém hiệu quả

Bên cạnh phí thu trung bình mỗi ngày chỉ đạt 1,3% so với dự kiến ban đầu thu 425 triệu đồng/ngày, đáng nói hơn, tổng phí thu được mỗi tháng 'giảm đều' trong hơn 3 tháng triển khai.

Được biết, từ ngày 1/8, Sở Giao thông vận tải đã tổ chức triển khai thu phí tại Q.1, Q.5 và Q.10, thực hiện theo Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 của HĐND TP.HCM về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô.

Lực lượng thực thi đều… “thờ ơ”

Theo đó, sở đã giao lực lượng quản lý trật tự đô thị các quận chịu trách nhiệm thực hiện công tác hướng dẫn vị trí đỗ, sử dụng phần mềm My Parking, in biên lai tài chính.

Tổng phí thu được mỗi tháng “giảm đều” trong thời 3 tháng triển khai kể từ 1/8, trong khi chủ xe "mệt mỏi" vì "lỗi" thiết bị (Ảnh minh họa từ internet)

Tại Q.1, lực lượng này có 40 nhân viên túc trực trên 13 tuyến đường, Q.5 có 6 nhân viên trên 4 tuyến đường và Q.10 có 12 nhân viên trên 6 tuyến đường. Tổng cộng lực lượng túc trực tại hiện trường tại 23 tuyến đường là 58 người.

Ngay trong tháng 8/2018, mỗi tuyến trong 23 tuyến đường nói trên còn có lực lượng hỗ trợ từ 4-6 nhân viên thuộc Tập đoàn Viettel và Đoàn Thanh niên thuộc Sở Giao thông vận tải tham gia phối hợp với nhân viên thu phí, hầu hỗ trợ kỹ thuật, giám sát và kiểm tra việc dừng, đỗ xe theo quy định. Lực lượng Viettel tham gia giám sát qua camera và hỗ trợ kỹ thuật khi có yêu cầu từ lực lượng tại chỗ.

Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 được giao tuần tra, giám sát theo dõi tình hình giao thông tại các bãi đỗ và các tuyến đường xung quanh để có các giải pháp điều chỉnh giao thông phù hợp. Thanh tra Sở Giao thông vận tải cũng tuần tra định kỳ, hỗ trợ, nhắc nhở và xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về dừng, đỗ xe sai quy định.

Tuy nhiên, theo Sở Giao thông vận tải, qua hơn 3 tháng triển khai, xuất hiện tình trạng nhân viên các quận tại bãi đỗ thu sai mức phí, đăng ký không đủ thời gian, không nộp tiền vào hệ thống. Họ cũng không tuân thủ thời gian thực hiện thu phí, chỉ thu trong giờ hành chính, nhiều bãi không bố trí lực lượng thường xuyên. Còn có tình trạng một số nhân viên bãi đỗ không thể sử dụng thiết bị thông thạo, chậm chạp trong việc hướng dẫn người điều khiển phương tiện.

Thời gian đầu (tháng 8/2018), để tạo thói quen cho người dân và hướng dẫn lực lượng thu các quận cũng như người điều khiển phương tiện, Viettel đã cử 2-3 nhân sự tham gia phối hợp, giám sát, hướng dẫn tại mỗi tuyến đường tại 3 quận. Nhưng trong quá trình phối hợp tại hiện trường, nhân sự Viettel vẫn chưa linh hoạt trong việc hướng dẫn người điều khiển phương tiện, nhiều vị trí lực lượng vẫn còn mỏng, tại một số tuyến đường không mặc đồng phục và không đeo thẻ gây khó khăn trong việc tiếp cận và nhận diện đối với người điều khiển phương tiện.

Từ tháng 9 và 10 trở đi, lực lượng này không còn tham gia thì số phí thu được đã giảm mạnh, lần lượt xuống 60% rồi 74%. Đó là chưa kể công tác phối hợp thực hiện ngoài hiện trường chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Qua theo dõi trên camera giám sát, tình trạng nhiều phương tiện đỗ kín gần hết các ô đỗ xe nhưng trên hệ thống My Parking không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào đăng ký và thanh toán phí. Vậy mà lực lượng tại hiện trường không có giải pháp đẩy đuổi cũng như không có lực lượng chức năng (Đội Trật tự đô thị, Công an quận, Cảnh sát giao thông, Thanh tra Sở Giao thông vận tải) tổ chức xử lý vi phạm.

Một số nhân viên của quận tại bãi đỗ không nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn người điều khiển phương tiện, đẩy trách nhiệm cho lực lượng hỗ trợ của Viettel. Việc lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính của các lực lượng chức năng có lúc chưa tích cực và triệt để.

Dân thì… ngán nhiều thứ

Theo phản ánh của người dân, tại một số thời điểm, thiết bị cầm tay của nhân viên bãi đỗ bị lỗi mạng, chậm kết nối, không truy cập được. Thực tế đã xảy ra tình huống người điều khiển ô tô bị trừ phí qua ứng dụng My Parking nhưng vẫn không đặt được chỗ đỗ xe.

Máy in biên lai thu phí bị hỏng hoặc hết pin dẫn đến việc chậm thanh toán, có những trường hợp không thanh toán được. Một số bãi đỗ thiếu thiết bị cầm tay hoặc máy in nên chậm trễ trong việc đặt chỗ và thanh toán.

Một bất cập khá lớn làm dân “nản” đó là việc thanh toán phí đỗ xe bằng tin nhắn SMS qua đầu số 1008 chỉ thực hiện được qua thuê bao của Viettel, chứ chưa thanh toán được đổi với các thuê bao khác như VinaPhone, Mobifone...

Không thể tránh khỏi việc triển khai chương trình này còn “đụng” phải vấn đề các cá nhân, tổ chức có công trình tại mặt tiền tại 23 tuyến đường cố ý chống đối, gây khó khăn cho lực lượng chức năng cũng như người điều khiển phương tiện khi có nhu cầu.

Một số người điều khiển phương tiện lại không hợp tác do cho rằng mức phí cao, không thực hiện việc đặt chỗ và thanh toán theo quy định, dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự tại khu vực được phép đỗ xe có thu phí.

Chưa hết, còn có tình trạng các phương tiện không đỗ xe tại các vị trí có thu phí mà di chuyển sang các tuyến đường khác (kể cả các tuyến đường hiện đang tổ chức cấm dừng đỗ xe) gây mất trật tự an toàn giao thông.

Lương “bèo”, phối hợp kém

Lương quá thấp, lực lượng tại chỗ “thờ ơ”. (Ảnh: Internet)

Tất cả những bất cập, tồn tại nêu trên dẫn đến kết quả hoàn toàn không như mong đợi.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải gửi Thường trực UBND TP.HCM sơ kết đánh giá sau 3 tháng tổ chức thực hiện Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND, tính từ 1/8 đến hết 31/10, tổng số phí thu được trên địa bàn 3 quận được hơn 520 triệu đồng. Như thế, trung bình thu 5.650.000 đồng/ngày, tức chỉ đạt khoảng 1,3% so với dự kiến ban đầu của đề án là phải thu 425 triệu đồng/ngày.

Quan sát số liệu từng tháng của sở cho thấy, số phí thu được “giảm đều” trong 3 tháng. Nếu tháng 8 thu được gần 317 triệu đồng, thì tháng 9 “giảm sâu”, còn hơn 122 triệu đồng và tháng 10 rớt xuống hơn 81 triệu đồng.

Theo sở, phí thu ngày càng giảm song hành với tình trạng đỗ xe, chiếm dụng lòng đường sai quy định do đây là lần đầu áp dụng hình thức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường qua công nghệ, với sự tham gia và vai trò của từng tổ chức, ban ngành trên địa bàn 3 quận khác nhau. Do đó, còn nhiều lúng túng trong thời gian đầu triển khai.

Thực tế cho thấy, xảy ra tình trạng thất thoát, không thu được phí. Theo số liệu ghi nhận trên ứng dụng My Parking và công tác giám sát, kiểm tra trên camera thì số lượt xe ra vào và phí thu có sự chênh lệch lớn so với thực tế. Nếu như trên hệ thống trung bình chỉ thu được hơn 173 triệu đồng/tháng, thì số liệu giám sát phương tiện đỗ qua camera trung bình phải hơn 1,4 tỷ đồng/tháng, tức chênh nhau 8 lần. Do trên camera chưa trừ đi các trường hợp vi phạm, không chấp hành được yêu cầu di chuyển đến địa điểm khác. Từ đó, theo sở, nếu công tác giám sát quản lý đỗ xe tại hiện trường chặt chẽ, thì nguồn thu tăng cao và bảo đảm kiểm soát tốt về nhu cầu dừng, đỗ xe.

Về vấn đề nhân sự tại hiện trường, theo báo cáo UBND Q.5, Q.10 hiện tại không tuyển dụng thêm được lực lượng cộng tác viên do chưa có chính sách tiền lương, phụ cấp. Số này do Sở Giao thông vận tải phải căn cứ trên số thu thực tế từ tháng 8-10 nhằm xác định tỷ lệ phần trăm để lại cho các đơn vị.

Do chưa xây dựng xong dự toán thu chi nên các quận thanh toán lương cho lực lượng thu phí khá thấp, trung bình khoảng 2 triệu đồng/người/tháng, mà thời gian làm việc trong giờ hành chính, nhiều trường hợp vắng mặt tại hiện trường, tinh thần có phần giảm sút trong quá trình công tác.

Số liệu thu thực tế chỉ đạt 5.600.000 đồng/ngày như đã nêu, sẽ không bảo đảm chi cho lực lượng tại hiện trường cũng như chi phí đầu tư trang thiết bị của Viettel.

Sở kiến nghị biện pháp chế tài, xử lý đối với các hành vi vi phạm hành chính (lĩnh vực giao thông đường bộ, lĩnh vực về phí, lệ phí) trên 23 tuyến đường, nên giao UBND quận chủ trì cùng Công ty TNHH MTV DVCI Thanh niên xung phong thực hiện kiểm tra, xử lý theo kế hoạch phối hợp đồng bộ.

Cụ thể, kể từ đầu năm 2019, thành phố xem xét thuê lại và sử dụng hạ tầng kỹ thuật thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường để đỗ xe ô tô do Viettel TP.HCM - Chi nhánh tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân Đội đã lắp đặt (hệ thống camera, đường truyền, hệ thống lưu trữ dữ liệu).

Đối với công tác xử lý vi phạm trên các tuyến đường lân cận khu vực thu phí, giao công an các quận, Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, Thanh tra kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp dừng, đỗ xe không đúng quy định.

Sở cũng kiến nghị tạm thời chưa tiến hành tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ quản lý đỗ xe và thu phí từ 1/1/2019 cho đến khi công tác này hoạt động ổn định (về nhân sự, tình hình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, công tác phối hợp, vận hành đồng bộ).

ĐOÀN BA

Tổng số người dùng đăng ký tài khoản trên ứng dụng My Parking đạt 14.776. Tính đến 12/11, số lượt thanh toán là 19.729 lượt, trong đó qua ứng dụng My Parking là 5.004 lượt, chiếm 25% và qua tin nhắn đến đầu số 1008 là 14.725 lượt, chiếm 75% (hiện chỉ áp dụng cho các thuê bao Viettel, dự kiến từ tháng 11, sẽ có thêm các nhà mạng khác).

Theo số liệu thu phí qua đầu số tin nhắn 1008 chiếm hơn 3 lần so với thu qua ứng dụng di động. Do vậy, để nâng cao hiệu quả trong công tác thu phí, Sở Giao thông vận tải đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông sớm thẩm định phương án đầu tư và quy trình vận hành hệ thống My Parking, Parking Manager, cũng như đẩy nhanh việc kết nối các nhà cung cấp mạng viễn thông di động VinaPhone, Mobifone vào đầu số 1008 trước mắt phục vụ cho giai đoạn vận hành thử nghiệm.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/thu-phi-su-dung-tam-thoi-long-duong-de-do-xe-o-to-tai-tp-hcm-qua-nhieu-bat-cap-kem-hieu-qua-18388.html