Thu phí rác thải theo khối lượng: Liệu có khả thi?

Trước đề xuất của Bộ TN-MT về phương án thu phí rác thải theo khối lượng thay vì thu bình quân theo hộ như trước đây, nhiều ý kiến cho rằng, phương án này là bất hợp lý, không khả thi. Bởi kéo theo rác, hàng loạt các chi phí, dịch vụ khác cũng có nguy cơ tăng.

Thu gom rác thải sinh hoạt có thể tái chế tại TP.Long Khánh. Ảnh:L. An

Thu gom rác thải sinh hoạt có thể tái chế tại TP.Long Khánh. Ảnh:L. An

Tuy nhiên, cũng có các ý kiến đồng tình vì điều đó đảm bảo công bằng giữa các hộ phát sinh ít chất thải và hộ phát sinh nhiều chất thải; giảm gánh nặng về chi phí xử lý rác, giảm lượng rác thải phát sinh ra môi trường.

* Băn khoăn tính khả thi

Trước thông tin dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang trình Quốc hội xem xét có điểm mới là thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng, chứ không tính theo bình quân đầu người hay hộ gia đình như hiện tại, nhiều người dân tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của đề xuất này.

Anh Trịnh Thanh Hùng, KP.Nhất Hòa, P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi thấy phương án này khó khả thi. Vì nếu các gia đình tự cân, tự ghi nhật ký thì mất thời gian, mất vệ sinh. Còn nếu để nhân viên thu gom tự cân, tự ghi thì khó tạo sự tin tưởng. Còn phương án cả 2 cùng cân, ghi sổ và ký nhận thì chắc chắn không được vì chúng tôi đi làm cả ngày”. Theo anh Hùng, chi phí 28 ngàn đồng/tháng tiền rác cho gia đình từ 3-5 người là hợp lý.

Bà Ngô Thị Vĩnh, KP.6, P.Long Bình (TP.Biên Hòa), chủ hơn 30 phòng trọ thì quả quyết bà không nhất trí với đề xuất thu tiền rác thải theo khối lượng. Bà Vĩnh cho rằng, với các gia đình có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường có thể thực hiện được, nhưng các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, phòng trọ như nhà bà là bất khả thi. Hiện tại mỗi phòng trọ đóng 15 ngàn đồng/tháng tiền phí rác thải mà vẫn phải nhắc nhở người thuê đổ rác đúng giờ, đúng ngày. Nếu thu theo khối lượng, các phòng trọ sẽ không đem rác ra đầu cổng nữa mà quăng ra suối, ra đường cho đỡ tốn kém. “Tôi thấy, thay vì đề xuất thu tiền rác theo khối lượng, nên tìm giải pháp khác để làm sao hạn chế phát sinh rác thải sinh hoạt” - bà Vĩnh cho hay.

* Cần đảm bảo tính công bằng

Vài năm trở lại đây, vấn đề rác thải sinh hoạt trở thành mối quan tâm của nhiều ngành, nhiều cấp. Trong đó, làm thế nào để giảm thiểu phát sinh rác thải; thu gom, phân loại và biến rác thải thành nguồn tài nguyên là yêu cầu bức thiết.

Thu gom rác thải sinh hoạt tại xã An Viễn, H.Trảng Bom. Ảnh:L. An

Tại Đồng Nai, để giải quyết bài toán rác thải sinh hoạt, từ nhiều năm trước, tỉnh đã triển khai đề án phân loại rác thải rắn tại nguồn; chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án thu gom, xử lý rác thải tại các khu dân cư, vùng sản xuất; hỗ trợ một phần chi phí cho các doanh nghiệp thực hiện thu gom, xử lý rác trên địa bàn tỉnh.

Nhờ đó, 99% lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh hằng ngày trên toàn tỉnh được thu gom, xử lý; trên 90% lượng rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình được thu gom, xử lý tập trung. Tuy nhiên, lượng rác thải khổng lồ trong sản xuất và sinh hoạt cũng gây áp lực không nhỏ đến công tác thu gom; đầu tư hạ tầng cho xử lý chất thải.

Trước đề xuất mới của Bộ TN-MT, một số doanh nghiệp xử lý rác trên địa bàn tỉnh ủng hộ và cho rằng, phương án này sẽ đảm bảo công bằng hơn cho các hộ gia đình, giúp các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư công nghệ cho xử lý rác.

Theo đại diện Công ty TNHH Tài Tiến (TP.Biên Hòa), đề xuất thu tiền rác sinh hoạt theo khối lượng của Bộ TN-MT đảm bảo tính công bằng cho các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ có ít người, ít phát sinh chất thải. Tuy nhiên, do lâu nay đang thực hiện thu tiền rác theo bình quân từng hộ gia đình nên khi triển khai phương án này, Nhà nước phải tính toán khối lượng rác thải bình quân của từng người, từng độ tuổi, trên cơ sở đó xây dựng giá thu gom cho phù hợp. Cùng với đó, phải tìm “đầu ra” cho từng loại rác và có cơ chế khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn.

Cùng đồng tình với đề xuất mới của Bộ TN-MT, ông Nguyễn Tấn Tài, Phòng Kinh doanh Công ty TNHH Thương mại môi trường Thiên Phước (H.Cẩm Mỹ) cho rằng, cách thu tiền rác bình quân 28 ngàn đồng/hộ gia đình và 15 ngàn đồng/phòng trọ dễ thực hiện nhưng không công bằng, không khuyến khích người dân giảm thiểu rác sinh hoạt; không khuyến khích các đơn vị xử lý đầu tư cho công nghệ xử lý tốt nhất.

Ông Tài cho rằng, nếu có cơ chế quy đổi phù hợp, ví dụ 1kg rác thải tái chế phải đóng phí 100 đồng, còn 1kg rác không tái chế đóng phí 200 đồng sẽ khuyến khích được người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, làm gia tăng nguồn tài nguyên tái chế, doanh nghiệp xử lý rác tiết kiệm được chi phí phân loại, tiết kiệm được diện tích chôn lấp, từ đó có điều kiện đầu tư công nghệ cho xử lý rác.

Theo các chuyên gia môi trường, việc thu phí rác thải theo khối lượng sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc hạn chế xả rác ra môi trường, bảo đảm công bằng giữa các hộ dân, giảm bớt chi ngân sách. Tuy nhiên, để đề án này khả thi, cần phải có lộ trình, có mô hình điểm. Trước mắt Nhà nước vẫn hỗ trợ một phần chi phí thu gom, xử lý rác.

Theo lý giải của Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà trước diễn đàn họp Quốc hội vừa qua, rác thải sinh hoạt là nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Ngược lại, hằng năm, Nhà nước và các địa phương phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn cho các chi phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

Đề án thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng là phù hợp với xu thế phát triển, góp phần giảm thiểu phát sinh rác thải, khuyến khích phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và tạo cơ chế cho đơn vị xử lý chất thải đầu tư đổi mới công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn tài nguyên tái chế. Đề án này nếu được thông qua sẽ có phương án, lộ trình và được thực hiện thí điểm ở một vài địa phương trước khi nhân rộng.

Lê An

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202007/thu-phi-rac-thai-theo-khoi-luong-lieu-co-kha-thi-3011038/