Thu phí rác sinh hoạt theo kilogam: Tránh bắt chước sai

Việc thu phí rác thải sinh hoạt theo kilogam làm cho người dân hạn chế rác thải, đảm bảo tính công bằng, thải ra nhiều phải trả nhiều tiền hơn.

Thảo luận tổ tại phiên họp Quốc hội ngày 11/6, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, một trong những điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi là thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng, chứ không tính theo bình quân đầu người hay hộ gia đình như trước.

Trao đổi với Đất Việt, một số ý kiến đều ủng hộ thu phí rác sinh hoạt theo kilogam bởi như vậy sẽ đảm bảo công bằng, góp phần làm cho người dân có lối sống thân thiện với môi trường, hạn chế rác thải.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, lâu nay, phí rác thải sinh hoạt được thu theo hộ gia đình mà không quan tâm gia đình đó có bao nhiêu người, xả nhiều hay ít. Cách thu này đơn giản, dễ làm nhưng không công bằng, không khuyến khích người dân giảm phát thải rác sinh hoạt.

Trong khi đó, nếu áp dụng thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng (kilogam) thì sẽ theo nguyên tắc thải ra nhiều thì phải trả tiền nhiều. Hộ gia đình nào muốn trả phí rác thải ít nhất thì phải làm sao phát sinh ít rác nhất. Muốn vậy, phải phân loại rác tại nguồn, cái gì có thể tái chế được thì bán, cái gì không dùng được mới bỏ đi.

"Biện pháp này tuân thủ đúng theo nguyên tắc bảo vệ môi trường: người gây ô nhiễm phải trả tiền, gây ô nhiễm nhiều thì trả nhiều tiền. Đó là sự công bằng.

Thực tế cho thấy, nhiều người giàu không quan tâm mỗi tháng tiền rác hết bao nhiêu, nhưng người nghèo phải tính toán và để mất ít tiền nhất họ sẽ phải phân loại rác, giảm lượng rác phát thải ra môi trường", PGS.TS Phùng Chí Sỹ nói.

Việt Nam sẽ thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng

Việt Nam sẽ thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng hình dung ra nhiều khó khăn nếu áp dụng thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng ở Việt Nam mà cơ quan quản lý phải tính đến.

Chẳng hạn, việc tính khối lượng rác thải sinh hoạt sẽ thực hiện như thế nào? Nhân viên vệ sinh môi trường phải mang theo cân khi đi thu gom rác hay phải tính đến phương án vì người dân không muốn mất tiền nên vứt rác sang nhà bên cạnh, đem rác vứt nơi công cộng như công viên, hay vứt ra sông hồ, kênh rạch...

Nhìn rộng ra thế giới, PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho biết, về mặt nguyên tắc, muốn giảm phát thải rác sinh hoạt các nước thường "đánh" vào kinh tế - tính phí rác thải cao lên, thải nhiều thì trả nhiều tiền, thậm chí tính lũy tiến. Bản thân luật pháp của các nước cũng xử phạt rất nặng nếu không phân loại rác nên buộc người dân phải thực hiện nghiêm túc.

Tuy nhiên, một điểm khiến nhiều quốc gia hơn Việt Nam, đó là ý thức của người dân rất cao.

Vì thế, đôi khi việc phân loại rác ở các nước không hẳn vì người dân lo mất tiền mà là để đỡ tốn nguồn lực xã hội, đỡ tốn diên tích đất chôn rác thải và môi trường không bị ô nhiễm.

Cũng ủng hộ thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường - Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM lưu ý, quan trọng nhất là quá trình thực hiện phải đơn giản, dễ làm, đảm bảo công bằng, bịt được các lỗ hổng, tránh để một số người lợi dụng để không trả tiền hoặc trả cho có, hay có người lợi dụng chính sách để trục lợi, móc túi của người dân.

GS.TSKH Lê Huy Bá cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng hình thức thu phí rác thải theo khối lượng và đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác quản lý chất thải sinh hoạt, đặc biệt là chất thải rắn, chẳng hạn như Hàn Quốc, Nhật Bản... Các quốc gia này đều có những quy định rất chi tiết về phân loại rác thải sinh hoạt cũng như loại rác nào thu phí nhiều, loại nào thu phí ít...

Ở Hàn Quốc, Chính phủ ban hành danh mục các loại chất thải sinh hoạt cần phân loại tại nguồn; quy cách các loại túi chuyên dụng để đựng chất thải sinh hoạt khi thải bỏ; chế độ bán và sử dụng túi đựng rác theo từng loại hình chất thải sinh hoạt với kích cỡ khác nhau, cũng như quy định về việc chỉ tiến hành thu gom chất thải sinh hoạt được phân loại đúng cách và đựng trong túi đúng quy cách.

Riêng túi đựng rác được thiết kế với kích cỡ, chất liệu và màu sắc khác nhau tùy theo từng loại hình, giá bán từng loại túi được chính quyền địa phương quy định, tùy theo thực tế của từng vùng...

"Việt Nam du nhập và áp dụng cách làm của nước ngoài cũng tốt, nhưng tránh bắt chước sai, hoặc chỉ thực hiện phần bề ngoài.

Quan trọng nhất là phải tạo cho người dân thói quen phân loại rác tại nguồn, một khi đã phân loại thành công thì xử lý rác sẽ thành công, tránh nhiều trường hợp như hiện nay, một số địa phương ký hợp đồng xử lý rác với doanh nghiệp nước ngoài, song cuối cùng việc xử lý rác thất bại và doanh nghiệp đổ lỗi cho chúng ta không phân loại rác tại nguồn.

Nhiều quốc gia hiện nay tỷ lệ rác thải chôn lấp rất thấp, như Đức, Singapore..., đó là nhờ họ phân loại rác tại nguồn tốt", GS.TSKH Lê Huy Bá cho biết.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội về việc thu phí xử lý rác thải sinh hoạt theo khối lượng, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, thu phí rác sinh hoạt quan trọng nhất là không đánh đều bình quân, ví dụ rác thu 10.000 - 20.000 đồng/hộ mà tính trên lượng rác, người xả rác phải chi trả đúng với lượng rác đã thải ra môi trường.

Có nhiều cách thực hiện, nhiều nước tính qua bao bì nhờ phân loại rác vào những bao bì màu sắc khác nhau. Mỗi bao bì đều có thể tích cố định, dựa vào việc lượng rác chiếm bao nhiêu thể tích để tính và tiền thu rác.

Vấn đề này sẽ không quy định cụ thể trong luật Bảo vệ môi trường sửa đổi mà sẽ đưa ra nguyên tắc, trên cơ sở đó các địa phương quy định cụ thể quá trình thực hiện. Có thể cụ thể hóa bằng nghị định, thông tư chứ không đưa vào chi tiết trong luật này.

"Bộ luật này chỉ nói nguyên tắc là không tính tiền xử lý rác đổ đồng mà trên cơ sở người nào xả rác ra nhiều thì phải trả nhiều hơn, tức là dựa trên lượng rác. Thông thường các nước dựa vào thể tích túi bao bì. Còn việc quy định màu nào, chia bao nhiêu loại túi, cách tính toán thế nào thì sẽ do văn bản dưới luật hướng dẫn", Bộ trưởng Hà cho biết.

Thừa nhận người dân Việt Nam chưa có thói quen phân loại rác, Bộ trưởng TN-MT cho hay, Hàn Quốc đã mất 10 năm để thực hiện vấn đề này. Làm được hay không thì quan điểm, chủ trương của luật pháp phải phù hợp thực tế, xác định trách nhiệm từ phân loại đến thu gom, xử lý. Tức là phải có giải pháp đồng bộ các khâu.

Quan trọng hơn nữa là người dân có nhận thức đầy đủ, nếu họ ủng hộ và trực tiếp làm thì sẽ thành công. Nhà nước sẽ đảm bảo các điều kiện để khi người dân tham gia vào quá trình này cũng được thụ hưởng lợi ích từ việc phân loại. Gắn với đó là tuyên truyền, giám sát và chế tài xử lý vi phạm.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/thu-phi-rac-sinh-hoat-theo-kilogam-tranh-bat-chuoc-sai-3405698/