Thu phí qua trạm BOT: Cần nhất quán từ 'trên xuống dưới'

Liên tiếp xảy ra những vụ gây rối tại nhiều trạm BOT liên quan tới việc thu phí gần đây gây bất ổn xã hội, phương hại đến quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Thực tế cho thấy, việc xử lý những sự việc này của cơ quan chức năng chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe.

Xử lý nghiêm những vụ gây rối

Cuối năm 2018 và đầu 2019, những hành vi gây rối tại một số trạm thu phí BOT như không trả phí, cố tình trả tiền lẻ gây ách tắc giao thông, đe dọa, chửi bới gây mất an ninh trật tự lại “nóng” trở lại khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại khi quyền lợi chính đáng bị ảnh hưởng.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, mạng xã hội lan truyền clip một lái xe vừa điều khiển xe chạy chậm qua trạm thu phí Ninh Lộc (thị xã Ninh Lộc, tỉnh Khánh Hòa) vừa livestream. Trong lúc phát tán clip lên mạng, người này buông lời miệt thị cán bộ công nhân viên trạm thu phí ở đây. Đây không phải là lần đầu tiên mà đã rất nhiều lần người này đưa tin tạo ra các tình huống kịch bản gây ách tắc giao thông.

Công ty Cổ phần BOT Đèo Cả Khánh Hòa đã làm việc với công an địa phương để phối hợp việc điều phối giao thông thông suốt dịp Tết Kỷ Hợi.

Trước đó, ngày 27/12/2018, có khoảng 50 người chủ yếu là người dân bên khu vực phường Phả Lại, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương tập trung tại khu vực Trạm thu phí BOT Phả Lại có biểu hiện gây rối trật tự công cộng. Đến ngày 31/12/2018, hơn 100 đối tượng cùng nhiều phương tiện xe ô tô các loại tập trung dừng đỗ trong Trạm thu phí Phả Lại, không chịu mua vé, kích động gây rối, cản trở các phương tiện tham gia giao thông khi đi qua trạm. Ngày 9/1/2018, lãnh đạo Công an huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 6 đối tượng gồm về hành vi gây rối trật tự công cộng tại trạm BOT Phả Lại.

Mới đây nhất,ngày 9/2/2019, thông tin từ đại diện Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị này đã lập biên bản sự việc xử lý 1 chiếc xe con cố tình đâm vào cọc tiêu nhựa để vượt trạm thu phí cầu Bến Thủy 2.

Trước đó, hồi tháng 8/2018 trạm thu phí Ninh Lộc cũng bị một số đối tượng cố tình gây sự với nhân viên trạm thu phí gây mất an ninh trật tự, tắc nghẽn giao thông trên quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Ninh Lộc.

Tình trạng quấy rối gây mất trận tự an toàn giao thông tại một số trạm thu phí cho thấy việc xử lý những sự việc này của cơ quan chức năng chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe.

Trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã từng hơn một lần nói về trách nhiệm ở dự án BOT và từng khẳng định rõ “Ai làm sai người đó phải bị xử lý”.

Tại trạm thu phí BOT Ninh Lộc, Khánh Hòa dịp cận Tết Nguyên đán vừa qua. Ảnh:NLĐ

Cũng trao đổi về vấn đề gây mất an ninh trật tự tại trạm thu phí, Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết: Trong năm 2018, 24 dự án BOT trên cả nước có vấn đề liên quan đến an ninh trật tự. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an, Bộ GTVT cùng với chính quyền địa phương giải quyết một cách căn cơ, không để điểm nóng xảy ra tại các dự án BOT.

“Đối với những đối tượng kích động, gây rối cầm đầu, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ GTVT trích xuất dữ liệu các camera để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông khẳng định.

Chủ trương đầu tư, ban hành mức phí, quyết định đặt trạm thu phí do Bộ Giao thông vận tải quyết định

Các công trình BOT (Build – Operate - Transfer) được hình thành trên cơ sở hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Sau khi nhà đầu từ tiến hành xây dựng công trình giao thông (cầu và đường), nhà đầu tư có quyền kinh doanh công trình trong thời gian nhất định. Khi hết thời hạn thì lúc đó nhà đầu tư mới chuyển giao cho nhà nước quản lý.

Theo quy định, những dự án giao thông BOT là vốn của nhà đầu tư nên khi chạy xe trên đường là các công trình giao thông BOT, người tham gia giao thông phải trả tiền thông qua các trạm thu phí. Mức thu phí tại các trạm BOT được quy định theo các Thông tư: số 159/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ, có hiệu lực từ 1/1/2014; Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, có hiệu lực từ 1/1/2017.

Mới đây nhất là Thông tư 60/2018/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT (ngày 15/11/2016) quy định mức giá tối đa dịch vụ vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, có hiệu lực từ 3/2/2019.

Việc thu phí qua các trạm BOT do Nhà nước quản lý giá trần. Doanh nghiệp BOT muốn ấn định mức thu phí phải có văn bản đề xuất với Bộ GTVT, Bộ Tài chính. Ngoài ra, doanh nghiệp BOT muốn tăng phí qua trạm BOT cũng phải xin ý kiến từ cơ quan quản lý nhà nước.

Theo quy định, Bộ GTVT là cơ quan ban hành mức phí giá dịch vụ đường bộ tại các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh.

Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính quy định, định kỳ 3 năm kể từ năm 2016 sẽ xem xét, điều chỉnh tăng phí một lần. Hiện nay, trong các hợp đồng BOT đã ký, tạm ký với nhà đầu tư đều quy định như vậy.

Như vậy, có thể thấy, chủ trương đầu tư, ban hành mức phí, quyết định đặt trạm thu phí là do Bộ Giao thông vận tải quyết định, nhà đầu tư chỉ là đơn vị thực hiện theo hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn những phản ứng từ phía người dân đều chĩa mũi dùi về phía nhà đầu tư BOT.

PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước chất lượng các công trình xây dựng, (Bộ Xây dựng) cho rằng: “Chủ trương BOT của nhà nước là hoàn toàn đúng. Cũng phải nói, việc thực hiện chủ trương đó còn hạn chế tại một số dự án cụ thể. Tuy nhiên, không thể đánh đồng BOT là “xấu”, không thể đánh đồng nhà đầu tư nào cũng “xấu”, không nên phủ nhận hoàn toàn những lợi ích mà công trình BOT mang lại cho xã hội”.

Cũng theo PGS.TS Trần Chủng, để cho một bộ phận người dân chưa hiểu rõ bản chất sự việc, điều đó là một phần lỗi của công tác thông tin tuyên truyền đến người dân của các ngành chức năng.

Cần nhất quán “từ trên xuống dưới”

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bộ nghiên cứu, chỉnh sửa quy định theo hướng, bỏ trần mức phí tại các dự án BOT xây mới, dự án đường cao tốc.

Mức trần phí BOT tùy doanh nghiệp quyết định, Nhà nước chỉ quy định mức trần tại các dự án BOT đường độc đạo đưa mức giá dịch vụ của các dự án đường cao tốc tuân theo cơ chế của nền kinh tế thị trường, phương tiện đi đường tốt được phục vụ với chất lượng cao thì phải trả giá cao.

Ngày 8/11/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi họp Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Thủ tướng đã phân công cụ thể các Phó Thủ tướng với những chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ các bất cập về cơ chế nhằm huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, gần đây nhất, liên quan tới đề xuất xin điều chỉnh giá vé qua một số trạm BOT hầm đường bộ, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam lại cho rằng: "Đề xuất là quyền của nhà đầu tư, còn quyết định phải dựa trên Thông tư và hợp đồng".

Trước quan điểm thiếu nhất quán với chủ trương của Bộ GTVT, nhiều nhà đầu tư đang khá hoang mang, lo lắng.Đặc biệt đối với các dự án cao tốc mới đã được Bộ GTVT trình Quốc hội thông qua, dù dự án hiệu quả có cao nhưng khi mức giá sử dụng dịch vụ bị ảnh hưởng, cách điều hành “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư, các ngân hàng đầu tư bảo trợ vốn đã khó nay càng khó hơn.

Theo một số nhà đầu tư, đã có ý kiến đang đánh đồng nhà đầu tư uy tín trong nước, có những đóng góp lớn cho sự phát triển hạ tầng giao thông đất nước với việc thực hiện “cù nhầy” của một số nhà thầu Trung Quốc nhưng không có đơn vị nào lên tiếng bảo vệ nhà đầu tư và làm rõ trước dư luận.

Tiến Vinh

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201902/thu-phi-qua-tram-bot-can-nhat-quan-tu-tren-xuong-duoi-626546/