Thu phí phương tiện vào nội đô, cần nhưng chưa đủ

Thông tin về việc TP Hà Nội chuẩn bị thu phí phương tiện cơ giới vào một số tuyến đường có nguy cơ ùn tắc giao thông trong nội thành đang thu hút sự quan tâm trong dư luận. Nhất là mới đây Văn phòng Chính phủ có Văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc đồng ý cho TP Hà Nội lập đề án này.

Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, đây là một giải pháp nhằm thực hiện Đề án số 04 về “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua vào tháng 7-2017, nhằm giảm mật độ giao thông tại một số khu vực, qua đó giảm ùn tắc và hạn chế mức độ tập trung khí thải gây ô nhiễm môi trường. Thống kê cho thấy, Hà Nội hiện có khoảng 5,5 triệu xe máy, hơn 600 nghìn ô-tô, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện

từ các địa phương khác thường xuyên tham gia giao thông. Điều đáng lo ngại là số lượng phương tiện không ngừng tăng, xe máy tăng 7,6%/năm, ô-tô tăng 16,5%/năm, trong khi tốc độ tăng trưởng diện tích mặt đường là 0,25%/năm, khiến hạ tầng giao thông ngày càng bị quá tải. Nếu các phương tiện tiếp tục tăng trưởng như hiện nay, đến năm 2020 thành phố sẽ có hơn 800 nghìn ô-tô, hơn sáu triệu xe máy, năm 2030 số ô-tô sẽ lên đến gần hai triệu, xe máy khoảng 7,5 triệu. Đến năm 2020, thành phố sẽ bị ùn tắc nghiêm trọng, bởi diện tích chiếm dụng của phương tiện gấp ba lần so với diện tích mặt đường, riêng khu vực trung tâm thành phố sẽ gấp 4,5 lần. Đến năm 2025 và 2030, các tuyến đường trong khu vực nội đô sẽ bị quá tải 7,5 lần và 10,5 lần.

Mặc dù cho rằng việc thu phí phương tiện giao thông cá nhân vào một số khu vực nội đô có nguy cơ ùn tắc là chủ trương đúng đắn và cấp thiết, nhằm cải thiện giao thông ở Thủ đô, đồng thời góp phần thay đổi thói quen đi lại của người dân, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần tính toán lộ trình thực hiện hợp lý. Bởi việc thu phí phương tiện giao thông cá nhân sẽ tác động không nhỏ đến thói quen đi lại của người dân. Trước bài toán kinh tế, không ít người sẽ chuyển từ sử dụng xe cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Nếu như hệ thống giao thông công cộng lúc đó không đáp ứng tiêu chí nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, với giá vé hợp lý, thì bài toán giao thông nội đô càng thêm rối rắm.

Hiện nay, 102 tuyến xe buýt của Hà Nội đã bao phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, nhưng cũng chỉ mới đáp ứng được từ 14 đến 15% nhu cầu đi lại của người dân. Do đó, Hà Nội cần tích cực, khẩn trương thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt” bằng việc tiếp tục mở thêm các tuyến buýt mới tại khu vực chưa có xe buýt hoạt động; phát triển thêm các tuyến buýt gom, buýt kết nối nhằm tạo sự liên thông toàn bộ mạng lưới; phát triển hạ tầng ưu tiên cho xe buýt như làn đường dành riêng, hệ thống điểm trung chuyển. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai tám tuyến đường sắt đô thị và các tuyến buýt nhanh (BRT) theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với các tuyến đường sắt đô thị sắp đưa vào sử dụng như Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội cơ quan chức năng cũng cần tính toán bảo đảm kết nối thuận tiện với các tuyến xe buýt, để người dân đi lại thuận lợi.

Một vấn đề nữa thành phố cũng cần tập trung giải quyết là việc thực hiện nghiêm các quy hoạch, từ giao thông đến xây dựng chung cư, nhà cao tầng. Nếu cứ tiếp tục “nhồi” chung cư vào trung tâm với tình trạng số dân, phương tiện gia tăng chóng mặt thì ngay tại khu vực này cũng đã quá tải, ô nhiễm. Đồng thời, đẩy nhanh việc di dời các trường đại học, bệnh viện ra ngoại thành để giảm bớt áp lực cho giao thông nội đô. Có như vậy, việc thu phí mới đạt hiệu quả như mong muốn.

KHẢI HƯNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38155302-thu-phi-phuong-tien-vao-noi-do-can-nhung-chua-du.html