Thu phí ô tô vào trung tâm TP. HCM: Không thể thu phí đồng giá 40 – 60 nghìn đồng/lượt

Ông Nguyễn Văn Thanh, cựu chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng có thể thu phí ô tô vào trung tâm TP. HCM để giảm ùn tắc, tuy nhiên mức thu phí phải linh hoạt, chia theo giờ cao điểm/thấp điểm chứ không phải thu đồng giá.

Sở Giao thông vận tải TP. HCM đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm thành phố

Sở Giao thông vận tải TP. HCM đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm thành phố

Sở Giao thông vận tải TP. HCM mới đây đã đề xuất dự án "Thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông".

Theo đề xuất này, TP. HCM sẽ thu phí đối với ô tô lưu thông vào trung tâm (không thu chiều ra). Mức thu phí dự kiến áp dụng từ 40.000 - 60.000 đồng/lượt xe (tùy loại ô tô, xe tải, xe chở khách nhỏ hoặc lớn), không thu phí đối với xe buýt và xe công vụ.

Phương án triển khai được đề xuất là hình thức đầu tư công (giao một đơn vị của thành phố làm chủ đầu tư, quản lý theo quy định, sau khi thực hiện xong sẽ tổ chức đấu thầu thuê đơn vị vận hành, khai thác và nguồn thu nộp về ngân sách).

Mục tiêu của dự án nhằm góp phần kéo giảm ùn tắc khu vực trung tâm thành phố, thúc đẩy người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, giảm ô nhiễm môi trường và bổ sung nguồn ngân sách bảo trì đường bộ, phát triển giao thông công cộng tại TP. HCM.

Đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP. HCM làm dấy lên các tranh luận về tính hợp lý và khả thi của việc thu phí. Để hiểu rõ hơn về đề xuất này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Thanh, cựu chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.

- Ông đánh giá thế nào về đề xuất thu phí vào trung tâm thành phố của Sở Giao thông vận tải TP. HCM?

Ông Nguyễn Văn Thanh: Đề xuất này không mới mà đã có từ nhiều năm trước rồi, chỉ là việc triển khai hết sức ì ạch mà dư luận cũng chưa đồng tình lắm. Tuy nhiên tôi cho rằng việc thu phí là cần thiết vì nguồn lực tài chính để giàm ùn tắc giao thông của thành phố rất hạn hẹp, các biện pháp khác chưa giải quyết được vấn đề do quy hoach đô thị bị sai lầm, bị nhóm lợi ích lợi dụng.

Mấy năm trước tôi cũng phát biểu mong thành phố áp dụng biện pháp này nhưng hội đồng nhân dân có nhiều ý kiến phản đối, nhưng cứ chần chừ áp dụng thì vấn đề không giải quyết được.

Dĩ nhiên, muốn giảm ùn tắc giao thông thì không phải chỉ dùng mỗi cách này, phải có nhiều giải pháp tổng thể, mỗi giải pháp đóng góp một phần.

- Như ông nói đề xuất thu phí không mới nhưng chưa khi nào được thực hiện, có nghĩa là tính khả thi của biện pháp này không cao. Lần này, Sở Giao thông vận tải lại tiếp tục đề xuất, liệu tính khả thi có cao hơn các lần trước?

Tất nhiên lần này Sở phải đưa ra giải pháp tiến bộ hơn trước chứ không thể nói khơi khơi được. Lần trước nói khơi khơi nên khi bị hội đồng nhân dân chất vấn thì anh lúng túng, ví dụ, người ta hỏi anh đặt mấy trạm, sao lại chặn xe để thu phí gây ùn tắc thêm…

Kỳ này không thể dở hơi thế được, phải thu phí không dừng, xe chạy cứ chạy, phí thu cứ thu, vậy mới giải quyết được. Nếu thành phố lại đẻ ra trạm thu phí, lại cần người xé vé, thu vé thì càng ùn tắc thêm. Việc đặt trạm thu phí ở đâu cũng cần nghiên cứu kĩ lưỡng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển.

- Từ vài năm trở lại đây, câu chuyện thu phí giao thông luôn là chủ đề nóng bỏng trong dư luận. Người dân rất nhạy cảm với chuyện thu phí xe cộ. Ông nghĩ đề xuất thu phí của Sở Giao thông vận tải đưa ra trong bối cảnh tâm lí xã hội như vậy liệu có vấp phải sự phản ứng tiêu cực của dư luận không?

Đương nhiên xã hội sẽ phản ứng, thế nên Sở phải giải trình thuyết phục. Nhưng nếu Sở lấy đó làm e ngại thì thành phố muôn năm vẫn ùn tắc.

Người dân phản ứng vì anh làm không đến nơi đến chốn, phương án đưa ra không thuyết phục và cách làm không cương quyết.

- Mức thu phí thành phố dự kiến là 40 – 60 nghìn đồng/lượt vào trung tâm, ông thấy mức phí này có hợp lý?

Rất khó nói thế nào là hợp lý, vì ta không có gì để so sánh. Tôi nghĩ cứ mạnh dạn thu vì mức phí này cũng không phải cao. Tuy nhiên tôi đề xuất thu theo giờ, giờ nào giá đó chứ không phải thu đồng giá, nghĩa là giờ cao điểm thu thật cao, giờ thấp điểm thu thấp. Việc này sẽ khiến người dân giãn giờ di chuyển, tránh ùn tắc trong giờ cao điểm.

Phương án nào cũng phải tính đến hiệu quả: hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội. Chứ mấy trăm tỷ đầu tư cho ông làm cái đó rồi chẳng đâu vào đâu, ngân sách thành phố lại phải bù lỗ thì ông chết với dư luận xã hội.

- Vấn đề quản lý, sử dụng nguồn thu luôn được dư luận quan tâm vì e ngại về tính minh bạch, ông có gợi ý nào cho thành phố?

Cái này cứ công khai minh bạch thôi. Ta thu không dừng thì không có chuyện ăn gian được. Nguồn thu được bao nhiêu, chi bao nhiêu phải được báo cáo với hội đồng nhân dân thành phố, công khai với dư luận. Thành phố phải công khai thì dân mới nghe chứ tù mù thì không ổn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Vĩnh Chi

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/thu-phi-o-to-vao-trung-tam-tp-hcm-khong-the-thu-phi-dong-gia-40-60-nghin-dongluot-20180504224226348.htm