Thu phí ô tô vào nội đô: Đừng tiếc vài chục ngàn mà mãi chịu cảnh tắc

Bạn đọc gửi ý kiến cho rằng, Hà Nội không thể chần chừ thêm trong việc tìm ra giải pháp giảm ùn tắc giao thông. Việc thu phí ô tô vào nội đô cần làm khoa học và chắc chắn.

Không ít giải pháp để giảm thiểu ùn tắc giao thông ở Hà Nội đã được đưa ra trong nhiều năm qua nhưng kết quả chưa rõ rệt.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (Sở GTVT) vừa báo cáo thành phố đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường” để hạn chế xe cơ giới đi vào nội đô.

Đây được coi là giải pháp kinh tế để hạn chế xe cá nhân. Theo đó, Hà Nội sẽ lập 87 trạm thu phí ở vành đai 3, hoạt động từ 5h đến 21h hàng ngày. Loại phí này có tên định danh là phí giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Người sử dụng phương tiện có thể lựa chọn không trả phí và đi theo cung đường khác, hoặc phương tiện công cộng thuộc diện không phải đóng phí.

Khái toán tổng chi phí đầu tư cho 87 trạm là hơn 2.600 tỷ đồng, gồm chi phí đầu tư ban đầu, thay thế thiết bị hết khấu hao, chưa tính chi phí vận hành. Thời gian dự kiến thu phí ô tô vào trung tâm thành phố từ năm 2025.

Phương tiện ken cứng trên đường Trường Chinh đoạn giao với Ngã Tư Sở

Phương tiện ken cứng trên đường Trường Chinh đoạn giao với Ngã Tư Sở

Rất nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến tới báo VietNamNet bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Bạn Đỗ Quang cho rằng, “đẻ” ra các trạm thu phí thì nghẽn sẽ càng thêm nghẽn.

Đồng quan điểm, bạn Kim Cúc lo ngại khi khu vực đặt trạm thu phí là nơi đông dân cư, phương tiện qua lại có mật độ cao. Nguy cơ gây ùn tắc giao thông tăng nếu không có biện pháp khoa học.

Còn bạn đọc Phong băn khoăn khi một trong những lý do thu loại phí này là để bảo vệ môi trường, trong khi đó, người dân mua xăng đã phải trả tiền cho phí bảo trì đường bộ, phí bảo vệ môi trường…

Bạn đọc Khanh Ha nêu quan điểm: “Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,6 triệu, ô tô 600.000, thêm khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai. Phải thu phí để giảm áp lực giao thông. Đừng cứ thấy đóng phí là phản đối. Đừng tiếc vài chục ngàn khi có việc cần thiết đi ô tô vào nội đô mà phản đối để rồi ngày ngày phải chịu cảnh tắc đường, “chôn chân” hàng giờ đồng hồ. Cái quan trọng là phải lấy phí ấy đầu tư lại cho giao thông”.

Cho rằng không thể bàn lùi mãi được nữa, vì vấn đề giao thông ở Hà Nội nhiều năm nay không giải quyết được, bạn đọc Trần Quang Minh cho rằng: “Cần phải đặt nhiều trạm thu phí không dừng, tăng giá dần ở các nút giao với các đường vành đai thép hướng vào trung tâm. Đồng thời, các loại thuế phí khác cũng tăng dần vào trung tâm mới hiệu quả”.

Nêu ý kiến cá nhân của mình, bạn đọc Minni cho rằng, nếu tranh cãi mãi thì không thể có quyết định cuối cùng. Do đó, chính quyền cần dựa trên dữ liệu cụ thể để xem xét.

Những bài toán cần giải

Theo bạn Đỗ Quang, Hà Nội cần giải các bài toán khó: “Hãy nhìn xa để giãn các cơ quan, doanh nghiệp lớn, các trường đại học, bệnh viện ra ngoại thành. Hà Nội nếu không quy hoạch tốt thì sẽ càng khó về hạ tầng, chen chúc dân cư khi tiếp tục xây chung cư cao vút. Bao nhiệm kỳ đi qua mà quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng vẫn chưa bài bản. Trong khi đó, các bộ ngành chuyển ra ngoài nhưng trụ sở cũ thì vẫn chưa trả lại. Nếu trả lại mà tiếp tục cho xây chung cư cao vút thì khác gì đấm bị bông?”.

Bạn Quang cũng cho rằng, TP cần quan tâm đến hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đồng quan điểm, bạn AnhBinh cho rằng, các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân ở các đô thị lớn là cần thiết. Trước khi tiến hành thu phí ô tô, hạn chế xe máy thì hệ thống vận tải hành khách công cộng với mạng lưới xe buýt, các tuyến đường sắt đô thị… cần vận hành tốt để người dân có phương án thay thế xe cá nhân. Từ đó, thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân của người dân.

Việc thu phí phải ứng dụng khoa học, công nghệ, phân luồng từ xa đảm bảo không để xảy ra ùn tắc tại các trạm.

Dưới góc độ của chuyên gia giao thông, ông Bùi Danh Liên cho rằng trong bối cảnh ùn tắc khu vực nội đô ngày càng trầm trọng, việc thu phí giao thông, ô nhiễm môi trường ở Thủ đô là cần thiết. Tuy nhiên, để làm được, Hà Nội cần cần sớm áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành giao thông; phương tiện ra vào nội đô đều được giám sát bằng hệ thống camera và thu phí tự động để tránh gây ùn tắc tại các trạm thu phí.

Hà Nội phải dành quỹ đất làm các bãi đỗ xe tại các tuyến đường vành đai, bố trí mạng lưới giao thông công cộng thuận tiện để phục vụ người dân ngoại thành, ngoại tỉnh khi vào nội đô có thể gửi xe, đi lại thuận tiện bằng giao thông công cộng.

Ô tô 4 chỗ trả phí từ 25-60 nghìn đồng/lượt

Theo đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường, mức phí sẽ được thu linh hoạt thay đổi theo khung giờ, từ 5h đến 21h (giờ cao điểm, giờ thường và giờ thấp điểm). Trong đó, giờ thấp điểm sẽ thu thấp hơn hoặc miễn phí cho tất cả phương tiện; ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày lễ sẽ không thu.

Mức phí dự kiến ngày thường với ô tô dưới 9 chỗ từ 25.000 đến 60.000 đồng/lượt, ô tô 9 chỗ trở lên và xe tải từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt.

B.Ngọc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/thu-phi-o-to-vao-noi-do-dung-tiec-vai-chuc-ngan-ma-mai-chiu-canh-tac-787949.html