Thu phí, lệ phí: Bộ Tài chính đòi trả toàn bộ vào ngân sách, nhiều đơn vị muốn giữ

Sau 4 tháng xin ý kiến rộng rãi, Bộ Tài chính đã nhận được khá nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.

Phòng công chứng thực hiện công chứng được thu phí và không chịu thuế, Văn phòng công chứng được thu giá dịch vụ và có chịu thuế. Ảnh: ST.

Không nên có sự chênh lệch

Triển khai Luật Phí và lệ phí, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật. Hơn 2 năm triển khai thực hiện, các quy định này đã phát sinh một số bất cập trong việc quản lý và sử dụng số phí thu được, đặc biệt là cơ chế để lại tiền phí cho đơn vị thu phí.

Thực tế, thời gian trước, một số cơ quan có nguồn thu lớn đã xin Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng cơ chế tài chính đặc thù, trong đó có sử dụng nguồn tiền phí để lại; một số cơ quan nhà nước (Cục Tần số, Cục Viễn Thông, Cục Phát thanh truyền hình - Bộ Thông tin và Truyền Thông) đã trình Thủ tướng cho áp dụng cơ chế tài chính đặc thù như đơn vị sự nghiệp và có thu để lại tiền phí thu được cho chi đầu tư.

Tuy nhiên, pháp luật về đầu tư công lại có sự thay đổi. Cụ thể: Tại khoản 21 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2014 quy định: Vốn đầu tư công bao gồm vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước. Theo quy định tại Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm thì tiền phí để lại cho cơ quan nhà nước thuộc vốn đầu tư công. Ngày 13/9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 77/2015/NĐ-CP. Trong đó, bãi bỏ quy định tiền phí để lại cho cơ quan nhà nước thuộc vốn đầu tư công. Như vậy, kể từ ngày 13/9/2018, tiền phí để lại cho cơ quan nhà nước (thu phí) không thuộc nguồn vốn để chi đầu tư công.

Mặt khác, theo Bộ Tài chính, cơ chế tài chính gắn với đặc thù đơn vị tạo ra sự chênh lệch thu nhập giữa các vị trí công việc tương đương giữa các đơn vị trong cùng một bộ, ngành (giữa đơn vị được hưởng cơ chế và đơn vị không được hưởng cơ chế); giữa các cơ quan, đơn vị cùng thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước. Thực tế cho thấy, nhiều vị trí công việc quan trọng trong các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là những đơn vị (Vụ, Cục) làm công tác hoạch định chính sách nhưng không có nguồn thu, không được áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù đơn vị nên không có thu nhập tăng thêm; trong khi đó cán bộ trong các cơ quan được áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù đơn vị lại được hưởng thu nhập, tiền lương cao hơn, mặc dù tính chất công việc có thể không phức tạp và quan trọng bằng vị trí công việc tại đơn vị hoạch định chính sách. Ngay trong cùng đơn vị, việc cho phép hưởng tiền lương, thu nhập tăng thêm áp dụng chung cho toàn bộ cán bộ, công chức mang tính cào bằng, bình quân chủ nghĩa, làm giảm tác động khuyến khích người lao động nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Với những căn cứ này, Bộ Tài chính đã quyết định đề xuất việc sửa các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng phí trong Nghị định 120/2016/NĐ-CP và công bố bản dự thảo đầu tiên vào tháng 9/2019. Cho đến nay, cơ quan soạn thảo đã thu về ý kiến tham gia của 46/85 bộ, ngành, địa phương. Cơ bản các ý kiến đều nhất trí với dự thảo, ngoài ra, có thêm một số đóng góp.

Nộp hay không nộp?

Về quy định để tiền phí lại cho cơ quan nhà nước thu phí, tại dự thảo, Bộ Tài chính đề nghị sửa thành các cơ quan nhà nước thu phí phải nộp toàn bộ số phí thu được vào NSNN, trừ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được để lại một phần. Quan điểm này nhận được sự không đồng tình của một số Bộ như Công an, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Y tế cũng như một số tỉnh, thành phố như Bình Định, Khánh Hòa, Hà Nội, Đà Nẵng. Các ý kiến này đề nghị giữ như quy định hiện hành tức là cho phép giữ lại, để phù hợp với Điều 12 Luật Phí và lệ phí, tránh xáo trộn lớn, gây ảnh hưởng đến sự bền vững của nhiều đơn vị đang vận hành ổn định và cung cấp nhiều dịch vụ công.

Giải trình nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, trong một báo cáo Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây không lâu đã nêu vấn đề: Cơ quan quản lý nhà nước cung cấp dịch vụ sự nghiệp công có thu phí theo Luật Phí và lệ phí thì nộp toàn bộ số phí thu được và NSNN, được NSNN cân đối, bảo đảm kinh phí hoạt động. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước vừa cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ của bộ máy hành chính nhà nước cần rà soát để xác định rõ mô hình hoạt động của cơ quan với cơ chế tài chính phù hợp, bảo đảm nguyên tắc nếu có thu phí thì nộp toàn bộ phí thu được vào NSNN và được NSNN cân đối, đảm bảo kinh phí hoạt động.

Như vậy, đề xuất sửa của Bộ Tài chính phù hợp với nội dung mà Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó, do vậy, cơ quan soạn thảo bảo lưu đề xuất của mình và sẽ đưa nội dung này và phần các vấn đề còn ý kiến khác nhau để xin ý kiến thành viên Chính phủ.

Đối với việc đánh thuế phần phí để lại cho doanh nghiệp thu phí, Nghị định 120 có quy định: Tiền phí để lại cho tổ chức được cơ quan nhà nước giao thu phí (doanh nghiệp) là doanh thu của doanh nghiệp nhưng chưa quy định rõ doanh thu này chịu thuế. Do đó, Bộ Tài chính có đề nghị tính phần doanh thu này như doanh thu thông thường khác và doanh nghiệp phải khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Với nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị hoàn thiện quy định đối với loại hình đơn vị sự nghiệp được áp dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, bởi Bộ này băn khoăn, đơn vị sự nghiệp có hay không phải nộp thuế đối với khoản phí thu được.

Lý giải, Bộ Tài chính cho biết: Luật Phí và lệ phí có quy định dịch vụ công do Nhà nước (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền giao) cung cấp thì thực hiện thu phí (phí thuộc NSNN không chịu thuế). Cùng dịch vụ này nhưng do doanh nghiệp cung cấp thì thực hiện thu theo cơ chế giá (phí không thuộc NSNN) và doanh nghiệp khai nộp thuế.

Trường hợp đơn vị sự nghiệp chuyển thành doanh nghiệp mà dịch vụ quy định thu phí doanh nghiệp mới được phép cung cấp (không thuộc dịch vụ Nhà nước cung cấp) thì doanh nghiệp sẽ thu tiền cung cấp dịch vụ này theo cơ chế giá. Ví dụ như dịch vụ công chứng: Phòng công chứng thực hiện công chứng thì thu phí và không chịu thuế còn Văn phòng công chứng thực hiện công chứng thì thu giá dịch vụ và có chịu thuế.

Cũng liên quan vấn đề này, TP Hà Nội có ý kiến rằng: Một số văn bản hiện hành có quy định thù lao thu hộ, chi hộ các cơ quan nhà nước thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Nếu đưa ra nội dung khai nộp thuế GTGT với các khoản tiền để lại cho tổ chức thu phí, lệ phí thì cần rà soát, sửa đổi cả các quy định liên quan khác. Về điều này, Bộ Tài chính cho hay: Trường hợp doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thu phí thì khoản tiền phí để lại cho tổ chức áp dụng tương tự trường hợp đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công hiện đang được quy định tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ, không phải là thù lao thu hộ, chi hộ như Hà Nội nêu.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thu-phi-le-phi-bo-tai-chinh-doi-tra-toan-bo-vao-ngan-sach-nhieu-don-vi-muon-giu-119527-119527.html