Thu phí không dừng triển khai thế nào sau 'tối hậu thư' của Thủ tướng?

Giới chuyên gia cho rằng, dự án thu phí tự động không dừng không thành công đó chính là do cách tổ chức triển khai không tốt.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg quy định về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.

Theo đó, với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đã lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải vận hành ngay việc thu phí điện tử không dừng. Đối với các trạm thu phí dịch vụ hiện chưa lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng. Đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ thuộc các dự án đầu tư xây dựng mới, chỉ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi thực hiện thu phí điện tử không dừng theo quy định của quyết định này.

Căn cứ điều kiện cụ thể đối với từng trạm thu phí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc duy trì mỗi trạm thu phí có một làn thu phí hỗn hợp (làn thu phí áp dụng cả hình thức điện tử không dừng và hình thức một dừng) trên mỗi chiều lưu thông.

Pháp Vân - Ninh Bình là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước áp dụng thu phí tự động không dừng từ ngày 10/6. Ảnh: Nhật Tân

Pháp Vân - Ninh Bình là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước áp dụng thu phí tự động không dừng từ ngày 10/6. Ảnh: Nhật Tân

Chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên trước ngày 31/12/2021. Từ thời điểm này trở đi, chủ phương tiện phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí. Chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản thu phí (thông qua các hình thức nộp trực tiếp, liên thông tài khoản ngân hàng và các hình thức khác) để sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu hệ thống thu phí điện tử không dừng phải được thiết kế, lắp đặt, xây dựng đồng bộ trên toàn quốc, bảo đảm vận hành liên tục, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả và an toàn.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, chuyên gia giao thông La Văn Thái cho rằng: Để giải quyết sự chậm trễ trong triển khai thu thu phí tự động không dừng, người cầm trịch ở đây là Bộ GTVT. Chính phủ đã quyết và giao quyền cho Bộ GTVT, Bộ GTVT chỉ đạo cấp dưới thực hiện, nếu không thì phải có biện pháp bắt buộc phải thực hiện.

Lắp thẻ thu phí không dừng cho phương tiện lưu thông.

Để thực hiện việc thu phí không dừng được triển khai hiệu quả thì trước tiên các đơn vị như: Thi công, nhà thầu và ngân hàng cần phải chuẩn bị thật tốt từ cơ sở vật chất cho đến hình thức thực hiện để làm sao người dân tham gia một cách thuận tiện nhất. Đặc biệt là phương pháp kết nối giữa tài khoản ngân hàng và tài khoản thanh toán phí không dừng. Vì khi chưa có khung pháp lý bắt buộc người tham gia giao thông phải sử dụng phương pháp thu phí không dừng thì phải có hình thức thuận tiện nhất để thu hút người tham gia.

Đặc biệt theo ông Thái, nếu như tất cả các cơ sở hạ tầng đã đáp ứng cho việc thu phí không dừng mà người dân vẫn chưa nhiệt tình tham gia thì cần phải có giải pháp cụ thể như: Đóng dần các cửa thu phí hỗn hợp hoặc thông báo cụ thể trên các phương tiện truyền thông để đưa ra mốc thời gian có thể tạm dừng hẳn việc thu phí có dừng lại.

Theo quyết định của Thủ tướng, sẽ dừng hoạt động trạm BOT không lắp thu phí không dừng sau 31/12/2020.

"Dự án thu phí không dừng sẽ "hết dừng" và có cơ hội về đích theo chỉ đạo của Chính phủ nếu như cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan thực thi quyết liệt và đồng bộ", ông Thái chia sẻ thêm.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (đơn vị quản lý trạm thu phí Km 212+200) cho hay, đến nay, công ty đã đầu tư 44 làn ETC trên tuyến cao tốc, nhưng thời điểm này tại mỗi trạm thu phí mới chỉ mở 2 làn ETC (1 làn ra, 1 làn vào) do lượng phương tiện chưa sử dụng thẻ ETC vẫn chiếm số lượng lớn, nếu mở nhiều làn thu phí ETC dễ dẫn tới ùn tắc.

Cũng theo ông Oánh, trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lưu lượng xe hiện tại vào khoảng 60.000 xe/ngày đêm, nhưng tỷ lệ phương tiện sử dụng thẻ ETC chỉ chiếm khoảng 5%, một con số rất nhỏ.

Chia sẻ về các biện pháp để lái xe khi qua các trạm trên tuyến có thể dễ dàng nhận biết được làn thu phí không dừng, ông Vũ Ngọc Oách cho hay, để tạo điều kiện cho người tham gia giao thông nhận biết làn xe thu phí tự động ETC, ngoài biển chỉ dẫn đặt cách trạm 700 m, còn có vạch sơn khác biệt (sơn màu xanh trên nền đường) để chỉ dẫn đến làn xe ETC. Cùng với đó, trên giá long môn tại trạm thu phí đều có biển màu đỏ ghi rõ "Làn thu phí ETC". Đặc biệt, trước đó nhiều ngày công ty đã thực hiện phát loa liên tục 24/24h tại các trạm thu phí trên cao tốc về nội dung này.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thu-phi-khong-dung-trien-khai-the-nao-sau-toi-hau-thu-cua-thu-tuong-20200619204000965.htm