Thu phí điện tử không dừng gấp rút cán đích

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 31/12/2020, trạm thu phí không triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) sẽ bị dừng thu phí. Đến hết tháng 11, 25/33 trạm giai đoạn II của dự án đã cơ bản đủ điều kiện hoàn thành, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cam kết cán đích đúng tiến độ.

12 trạm “nợ” tiến độ

Theo Chỉ thị số 39/CT-TTg (7/10/2020) của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, việc triển khai hệ thống thu phí theo hình thức này tại các trạm thu phí trong cả nước để thay thế cho phương thức thu phí thủ công một dừng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ bắt buộc, nhằm minh bạch thu phí, thuận tiện cho người tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT quyết liệt chỉ đạo triển khai dự án theo giai đoạn I và II đảm bảo tiến độ, kết nối liên thông, bảo mật theo đúng quy định của pháp luật.

Làn thu phí ETC tại trạm thu phí cao tốc Hà Nội-Bắc Giang.

Làn thu phí ETC tại trạm thu phí cao tốc Hà Nội-Bắc Giang.

Theo Bộ GTVT, dự án ETC giai đoạn I (BOO1) hiện đã triển khai và vận hành 40/44 trạm (26 trạm trên Quốc lộ (QL)1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc, QL khác. Bốn trạm còn lại chưa triển khai thuộc các dự án cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang quản lý và thực hiện. Do những vướng mắc về nguồn vốn triển khai và việc tái cơ cấu VEC chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, khiến việc vận hành hệ thống ETC bị chậm và không thể hoàn thành trong năm 2020. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã cho cơ chế riêng với các trạm do VEC quản lý, việc thực hiện sẽ do Bộ GTVT và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quyết định phù hợp với nguồn vốn của dự án.

Với BOO2, Bộ GTVT kiến nghị không thực hiện hoặc lùi thời gian thực hiện 8/33 trạm, gồm 2 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (cầu Mỹ Lợi, cầu Thái Hà); 3 trạm chưa được thu phí đang trình Chính phủ phương án bố trí vốn ngân sách hoàn trả cho nhà đầu tư (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, trạm Bờ Đậu-QL3, trạm T2-QL91); 3 trạm có thời gian thu phí còn lại dưới 3 năm (3 trạm trên QL51). Các trạm này nằm trên các tuyến đường có lưu lượng giao thông thấp, không ảnh hưởng đến hiệu Chủ phương tiện dán thẻ ETC hiện nay chủ yếu là tự nguyện, chưa bắt buộc, khiến việc dán thẻ chưa đạt kết quả cao.quả chung của hệ thống ETC cả nước.

“Các tồn tại của dự án BOO2 cơ bản đã được tháo gỡ về nhân sự, tài chính, hồ sơ thiết kế... Nhà cung cấp dịch vụ đã hoàn chỉnh hệ thống ngoài hiện trường. Tập đoàn Viettel (đơn vị tiếp nhận đầu tư) cam kết đủ điều kiện triển khai ETC BOO2 (25 trạm). Như vậy, đến ngày 31/12/2020, ngoại trừ 12 trạm được “treo” lại do các yếu tố đặc thù nêu trên, hệ thống ETC cơ bản hoàn thiện tại các trạm thu phí và được vận hành đáp áp ứng tiến độ”, đại diện Bộ GTVT cho biết.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, 33 trạm thu phí BOO2 đang hoạt động thuộc quản lý của 22 nhà đầu tư BOT. Trong số này, đã có 17 trạm, các nhà đầu tư BOT đã hoàn tất đàm phán ký hợp đồng dịch vụ lắp đặt và triển khai hệ thống ETC với Bộ GTVT; còn 8 trạm chưa ký hợp đồng gồm: Công ty Cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả-Khánh Hòa: Trạm Ninh Lộc trên QL1; Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả (DCIC) (3 trạm): Bàn Thạch, Hầm Đèo Cả, Hầm Cù Mông trên QL1; Công ty TNHH BOT Thái Nguyên-Chợ Mới: Trạm cao tốc Thái Nguyên-Chợ Mới (Trạm QL3 cũ tạm dừng); Công ty Cổ phần BOT cầu Thái Hà: Trạm cầu Thái Hà; Công ty Cổ phần BOT Quang Đức-Gia Lai: Trạm Km1747 (Km687+520, QL14) và Công ty Cổ phần Đầu tư cầu Mỹ Lợi: Trạm cầu Mỹ Lợi, QL50. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang đốc thúc đề nghị các nhà đầu tư sớm hoàn tất hợp đồng, đảm bảo tiến độ.

Điều kiện cần và đủ

Thực tế, việc lắp đặt và vận hành hệ thống ETC chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là các bộ, ngành, địa phương liên quan kiểm soát được số lượng xe dán thẻ ETC qua trạm và sử dụng tài khoản ETC. Bộ GTVT đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải, lái xe gương mẫu dán thẻ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số lượng phương tiện thực hiện vẫn hạn chế, mới có khoảng gần 1/3,8 triệu ô tô (chiếm khoảng 25% phương tiện) dán thẻ, trong số này mới chỉ khoảng 300.000 xe sử dụng tài khoản ETC thanh toán thường xuyên.

Chủ phương tiện dán thẻ ETC hiện nay chủ yếu tự nguyện, nên kết quả dán thẻ chưa cao.

Nhà đầu tư dự án BOO1 là Công ty TNHH Thu phí điện tử VETC đã kết nối liên thông tài khoản giao thông với tài khoản cá nhân tại ngân hàng BIDV và vẫn đang mở rộng dịch vụ sang các ngân hàng khác. Với BOO2, Viettel đang tổ chức thực hiện liên thông tài khoản ngân hàng thông qua việc sử dụng ví điện tử Viettelpay, dự kiến đưa dịch vụ vào khai thác trước 31/12.

Theo các chuyên gia giao thông, việc chưa thanh toán trực tiếp từ tài khoản ngân hàng, người sử dụng vẫn phải nạp một khoản cố định vào tài khoản giao thông khiến nhiều lái xe e ngại sử dụng dịch vụ ETC. Khi việc sử dụng ví điện tử hoặc liên thông tài khoản các ngân hàng với tài khoản giao thông được mở rộng, sẽ gỡ được nút thắt về tâm lý và doanh nghiệp vận tải, lái xe không phải nạp tiền cố định vào tài khoản giao thông như hiện nay.

Mốc thời gian chỉ còn khoảng 1 tháng để cán đích, Bộ GTVT đang tập trung tuyên truyền lợi ích của hệ thống ETC để tạo sự đồng thuận của xã hội, tổ chức phân luồng giao thông tại các trạm thu phí đã lắp đặt hệ thống ETC để khuyến khích chủ phương tiện tham gia dịch vụ; đồng thời, phối hợp, hỗ trợ các địa phương yêu cầu các nhà đầu tư dự án ETC đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống 24/24 giờ. Bộ GTVT cũng đang phối hợp với Bộ Công an và các địa phương chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các đơn vị quản lý dự án BOT và nhà cung cấp dịch vụ ETC trích xuất dữ liệu tại các trạm thu phí ETC để xử phạt các phương tiện không dán thẻ thu phí điện tử cố tình đi vào làn ETC gây cản trở giao thông. Đối với các trạm mà Bộ GTVT dự kiến chưa thực hiện hệ thống ETC, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan làm rõ căn cứ pháp lý, thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng dịch vụ và tăng cường tính hiệu quả của hệ thống ETC, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đang tập trung rà soát, bổ sung hệ thống biển báo, chỉ dẫn, kết hợp phân luồng giao thông tại các trạm thu phí, đảm bảo các cửa thu phí ETC chỉ dành cho các phương tiện đã dán thẻ, nhằm hạn chế ùn tắc giao thông.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Giám sát chặt tiến độ từng hạng mục dự án

Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương và giám sát chặt tiến độ thực hiện từng hạng mục lắp đặt hệ thống; đôn đốc nhà đầu tư triển khai thu phí ETC; chủ động xử lý các vướng mắc phát sinh và đẩy nhanh đàm phán ký kết các phụ lục hợp đồng dịch vụ theo phương án tài chính điều chỉnh đã được phê duyệt trước ngày 31/12; đồng thời, công khai các thông tin liên quan đến dự án để lái xe, doanh nghiệp vận tải đồng thuận, sẵn sàng sử dụng dịch vụ.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh: Công khai, minh bạch nguồn thu phí

Việc phải có một tài khoản thu phí ETC riêng và lái xe muốn sử dụng ETC phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông, nhưng không được tính lãi, vừa gây bất tiện cho lái xe, vừa khiến doanh nghiệp vận tải bị chiếm dụng một khoản tiền không nhỏ khi chưa sử dụng đến, cộng với thói quen sử dụng tiền mặt của người dân... là những nguyên nhân dẫn đến số lượng phương tiện dán thẻ ETC thấp. Vì vậy, cần công khai, minh bạch nguồn thu phí và tuyên truyền lợi ích sử dụng thẻ ETC khi kết nối liên thông ngân hàng, hạn chế thất thoát doanh thu cho doanh nghiệp dự án.

Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT) Nguyễn Viết Huy: Phí ETC sẽ minh bạch nguồn thu phí của nhà đầu tư BOT

Việc nộp phí ETC là giải pháp góp phần minh bạch nguồn thu phí của nhà đầu tư BOT bên cạnh hệ thống giám sát thu phí trực tuyến. Bởi vì, tiền thu phí ETC sẽ được chuyển vào tài khoản trung gian, sau đó phân phối vào tài khoản ngân hàng cho từng dự án BOT căn cứ theo số lượng xe qua trạm thu phí dự án đó. Khi tài khoản thu phí của chủ xe được tài khoản ngân hàng chuyển tiền tự động theo hạn mức đăng ký thì không lo chuyện lái xe quên nộp tiền hay nộp quá nhiều vào tài khoản thu phí mà không sử dụng hết.

Bài, ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thu-phi-dien-tu-khong-dung-gap-rut-can-dich-20201204145944812.htm