Thu phí 'BOT Yên Tử': Một sự 'vơ vào', tùy tiện

Đây là một sự 'vơ vào', tùy tiện, ép người dân phải nộp tiền khi đi vào địa bàn này để hành lễ

LTS:- TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp thẳng thắn cho rằng, việc bán vé thu tiền tại khu danh lam, thắng cảnh di tích Yên Tử (Quảng Ninh) cần phải dừng lại để làm rõ nhiều vấn đề bị lẫn lộn, không rõ ràng. Dưới đây là nguyên văn bài viết của ông về vấn đề này.

Cần dừng bán vé thu tiền tại khu danh thắng Yên Tử

Tại buổi họp báo của VPCP ngày 01/3 vừa qua, việc bán vé "thu phí tham quan danh lam, thắng cảnh khu di tích Yên Tử" đã được phóng viên, báo chí đặt ra và đã được đại diện của Bộ VH-TT-DL đưa ra câu trả lời. Tuy nhiên, câu trả lời có chính xác, có tính thuyết phục hay không lại là một vấn đề cần được trao đổi, thảo luận kỹ.

Việc thu phí này dựa trên căn cứ pháp lý, đó là Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua ngày 13/12/2017. Áp dụng từ ngày 01/01/2018. Mức thu từ 20.000-40.000 đồng. Chỉ trong hai tháng, tháng 1 và tháng 2, số tiền thu được là hơn 10,8 tỷ đồng.

Dư luận, báo chí cũng như tổ chức tôn giáo của tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm đặt dấu hỏi lớn về việc bán vé thu tiền vào Yên Tử ngay từ khi nó được áp dụng. Một hiện tượng rất đáng lưu ý là việc thu phí này đã được áp dụng cách đây 10 năm, bỏ đi, rồi nay áp dụng trở lại việc bán vé thu tiền.

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL khẳng định, việc bán vé vào Yên Tử là thực hiện đúng quy định của pháp luật, được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua và mục đích bán vé thu tiền là để đáp ứng yêu cầu chi của một loạt việc theo mô tả như: tăng cường quản lý nhà nước, bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị danh lam, thắng cảnh, di tích, rừng Quốc gia Yên Tử, nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ và bảo hiểm cho con người, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách.

20% số tiền thu được là để bảo đảm hoạt động chi thường xuyên của tổ chức, bộ máy BQL di tích rừng Quốc gia và các chi phí khác theo quy định. 80% nộp vào ngân sách Nhà nước TP Uông Bí để đầu tư và quản lý danh thắng (quản lý lễ hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, nước sạch, vệ sinh môi trường, tuyên truyền, tu bổ, bảo dưỡng, sửa chữa các di tích, công trình hạ tầng, nghiên cứu khoa học, đào tạo nâng cao trình độ và tổ chức bộ máy quản lý, chi đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo danh lam thắng cảnh Yên Tử và các nhiệm vụ chi khác).

Đọc và nghe về mục đích chi của việc bán vé thu tiền vào Yên Tử, tôi thấy đây là một sự vẽ vời, có chủ ý, mang tính ngụy biện, vơ vào và có khá nhiều nội dung trùng lặp với các khoản chi khác, từ các nguồn khác nhau, kể cả phía nhà nước cũng như phía xã hội.

Theo Bộ VH-TT-DL căn cứ pháp lý đã được nêu ra và được khẳng định là đúng pháp luật, giá vé và mục đích chi cho số tiền thu được nghe khá hợp lý và được điểm ra một loạt các nhu cầu. Tất cả nghe có vẻ hợp lý, hợp pháp. Nhưng tôi cho rằng, cần phải suy ngẫm và trao đổi kỹ ở vấn đề này chứ không đơn giản hay ngụy biện như vậy được.

Mọi người dân Việt Nam ai cũng biết, khu vực Yên Tử là một địa danh có không gian rộng lớn, có nhiều di tích, danh thắng và đặc biệt là có các cơ sở thờ tự tôn giáo (Phật giáo Yên Tử). Người dân khi về Yên Tử, về thực chất, đó là đi chùa hành lễ trong không gian tổng thể các chùa của Phật giáo.

Đan xem vào đó có cả di tích danh thắng và rừng quốc gia Yên Tử. Tại đây, từ trước đã có bán vé thu phí đi cáp treo, phí gửi xe, phí xe điện... và kéo theo nó đến bây giờ lại bán vé thu tiền vào Yên Tử liệu có hợp pháp không, kể cả khi đã có Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh?.

Nói về văn bản và quy định của tỉnh Quảng Ninh làm tôi nhớ đến việc cách đây một số năm, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra một loạt chủ trương mà theo công luận cũng như một số cơ quan có thẩm quyền KTVB của Chính phủ thì đó là những quy định trái nhiều luật khi đưa ra chủ trương quản lý tàu thuyền của người dân kinh doanh dịch vụ trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.

Việc đó, rất cần phải được xử lý một cách kiên quyết, thấu đáo, bảo đảm nguyên tắc Nhà nước pháp quyền. Bây giờ lại có việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết bán vé vào Yên Tử? Liệu có gì mang tính hệ thống trong nhận thức và quản lý tại tỉnh này hay không?.

Về tính hợp lý, tôi cho rằng trong một không gian địa lý rộng lớn, có chứa nhiều công trình di tích, danh thắng và đặc biệt là các cơ sở thờ tự tôn giáo thì việc đặt trạm bán vé, thu tiền để người dân được vào không gian địa lý đó là không hợp lý.

Đặc biệt, với những người dân, phật tử vào Yên Tử để tu tập, để đi chùa hành lễ. Vấn đề quan trọng nhất là phải hiểu rõ rằng, người dân về Yên Tử là vì cái gì? Là để vào thăm viếng, hành lễ tại các cơ sở thờ tự tôn giáo (Phật giáo) Yên Tử. Còn nếu không có các cơ sở này thì Yên Tử cũng chỉ như những địa danh - hành chính bình thường khác, không hơn không kém.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/thu-phi-bot-yen-tu-mot-su-vo-vao-tuy-tien-3353731/