Thư pháp của các hoàng đế nhà Nguyễn

Hơn 100 bút tích châu phê trên Châu bản triều Nguyễn của 10 vị hoàng đế, từ Gia Long đến Bảo Đại, đang được giới thiệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, thông qua triển lãm 'Thư pháp của các hoàng đế nhà Nguyễn'. Triển lãm kéo dài đến hết năm 2020, nhằm giới thiệu đến công chúng, người đam mê thư pháp những nét độc đáo, tinh hoa từ bút tích của các hoàng đế nhà Nguyễn.

Mở cửa từ ngày 3-1, song do ảnh hưởng của dịch bệnh do Covid-19, những ngày qua, lượng khách tham quan triển lãm “Thư pháp của các hoàng đế nhà Nguyễn” không nhiều, chủ yếu là những người yêu thích nghệ thuật thư pháp, các nhà nghiên cứu lịch sử và sinh viên học chuyên ngành văn hóa. Trong không gian rộng lớn, áp dụng thủ pháp trưng bày đa phương tiện hiện đại, với hình ảnh, âm thanh, ánh sáng gắn kết hài hòa, từng nhóm khách chăm chú ngắm nhìn, thả suy tư vào những dòng bút tích lưu trên mực son, giấy dó, đã ra đời từ hàng trăm năm trước.

Ông Nguyễn Ngọc Thịnh (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết: “Triển lãm tổ chức rất công phu, sống động và đẹp mắt, nên cuốn hút ngay cả những người “ngoài giới nghiên cứu” văn hóa, lịch sử. Từ đây, không chỉ vẻ đẹp độc đáo và tinh tế của nghệ thuật thư pháp truyền thống được tôn vinh, mà nhiều thông điệp quý giá từ lịch sử cũng được truyền tải, giúp người xem có cảm nhận sâu sắc về một giai đoạn thăng trầm của đất nước”.

Khách tham quan có thể thấy rõ những ấn tượng trên “hành trình” kể chuyện của triển lãm. Toàn bộ bút tích của các vị vua nhà Nguyễn trong triển lãm lần này đều được thể hiện trên Châu bản triều Nguyễn, tài liệu duy nhất của Việt Nam cũng như số ít nước trên thế giới còn lưu trữ được bút tích trực tiếp của các vị vua, thể hiện ý chí, quyền lực của người đứng đầu đối với mọi vấn đề của quốc gia.

Ngoài giá trị nội dung với những quan điểm về cách trị quốc, an dân, các văn bản này còn mang giá trị nghệ thuật đặc sắc, là những bức thư pháp sống động, thể hiện kỹ thuật vận bút điêu luyện và trình độ thẩm mỹ rất cao của người thực hành. Chính vì vậy, Châu bản triều Nguyễn đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc ghi danh là di sản tư liệu thế giới vào năm 2017.

Theo nhà nghiên cứu Vũ Đức Liêm, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, những văn bản hành chính của nhà Nguyễn là một “kho” tư liệu nghiên cứu phong phú, không chỉ giúp tìm hiểu về các chính sách thuế khóa, kinh tế, văn hóa, chính trị, đê điều..., mà còn cung cấp thông tin về lịch sử, văn hóa, xã hội của một giai đoạn lịch sử. “Triển lãm là bước đột phá về “xã hội hóa” tri thức lịch sử, góp phần đưa công chúng đến gần hơn với một lĩnh vực vốn bị coi là khô khan, kén người xem", nhà nghiên cứu Vũ Đức Liêm nhận xét.

Với mục đích phổ biến rộng rãi tới công chúng và du khách vẻ đẹp văn hóa, lịch sử tiêu biểu của một giai đoạn đất nước, triển lãm “Thư pháp của các hoàng đế nhà Nguyễn” sẽ được duy trì đến hết năm 2020. Thạc sĩ Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết, Châu bản triều Nguyễn là một nguồn sử liệu vô cùng phong phú để nghiên cứu. Những bút tích, phong cách viết đặc trưng của mỗi vị vua đã thể hiện những quan điểm khác nhau về cách an dân, trị quốc cũng như sức ảnh hưởng của từng người đối với lịch sử đất nước.

Thanh Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/958538/thu-phap-cua-cac-hoang-de-nha-nguyen