Thủ phạm vụ cướp nam sinh lái xe Grab ngỡ ngàng khi bị bắt

Khi bị bắt cùng tang vật của vụ án, cả hai tên đều rất ngỡ ngàng, không hiểu vì sao công an có thể lần tìm ra chúng nhanh đến thế. Ngay sau đó, lực lượng phá án của Công an TP Hà Nội đã di lý hai tên này về Hà Nội để phục vụ công tác điều tra…

Khoảng 18h ngày 30-9, hai nghi can sát hại nam sinh viên lái xe Grab tối 26-9 tại phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã sa lưới pháp luật, sau những nỗ lực truy xét không mệt mỏi của lực lượng điều tra trọng án Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội và Công an quận Bắc Từ Liêm, cùng sự chi viện tuyệt vời của Công an huyện Văn Chấn, Công an Thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái).

Vụ án như lời cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn đối với cánh tài xế xe ôm, bởi chiếc xe máy luôn là tài sản có giá trị, hấp dẫn những kẻ cùng đường, thiếu tiền nhưng thừa “máu lạnh”.

Hai đối tượng Đinh Văn Giáp (24 tuổi) và Đinh Văn Trường (19 tuổi) bị lực lượng phá án bắt giữ tại xã Hạnh Sơn, Văn Chấn, Yên Bái.

Hai đối tượng Đinh Văn Giáp (24 tuổi) và Đinh Văn Trường (19 tuổi) bị lực lượng phá án bắt giữ tại xã Hạnh Sơn, Văn Chấn, Yên Bái.

Hai tên cướp ngỡ ngàng khi bị bắt

Lâu nay, mạng xã hội đã tỏ ra rất hiệu quả trong việc huy động sức mạnh cộng đồng truy lùng danh tính con người gây ra những sự việc nghiêm trọng. Đêm 29-9, trên Facebook lan truyền ảnh thủ phạm vụ giết, cướp xe ôm tại thông báo của Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) và Công an quận Bắc Từ Liêm.

Đến sáng 30-9, trên một số trang cá nhân của người dân huyện Văn Chấn (Yên Bái) thấp thoáng thông tin hung thủ giống như 2 thanh niên địa phương. Kiểm tra qua các mối quan hệ tại chỗ, thấy nguồn tin trên là có căn cứ, tôi liền gọi ngay cho Trung tá Lê Minh Hải (Đội trưởng Đội điều tra trọng án, Phòng CSHS - Công an TP Hà Nội), khi anh đang họp án ở quận Bắc Từ Liêm.

Với “dân trọng án”, những manh mối “khét mù” về thủ phạm luôn tạo ra niềm rạo rực khó tả. Và khi tôi gọi cho Thượng tá Đặng Việt Quảng (Phó Trưởng Phòng CSHS) thì anh cũng đã nắm được thông tin. Những tổ công tác liên quân Điều tra trọng án và Công an quận Bắc Từ Liêm lập tức lên đường, trực chỉ hướng Yên Bái với quyết tâm bắt bằng được nghi can gây ra vụ án thảm thương này.

Những người thạo tin đã có một ngày dài “hóng” tin từ Yên Bái. Gần 19h, qua điện thoại, Thượng tá Lương Đại Định - (Phó trưởng Công an huyện Văn Chấn - Yên Bái) cho tôi biết 2 kẻ thủ ác vừa sa lưới là Đinh Văn Giáp (24 tuổi) và Đinh Văn Trường (19 tuổi) trú tại các xã Phù Nham và Thanh Lương, huyện Văn Chấn, Yên Bái.

“Cả ngày hôm nay, Công an huyện Văn Chấn, Công an TX Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã huy động tối đa lực lượng để phối hợp với Công an TP Hà Nội tiến hành soát xét, sàng lọc các mối quan hệ của nghi can, triển khai mật phục, chặn bắt trên các tuyến đường ra vào huyện lỵ. Mọi ngả đường đều có lực lượng chốt chặn, kiểm tra, đề phòng đối tượng thoát sang địa bàn khác. Các địa điểm lưu trú cũng được triển khai kiểm tra, giám sát.

Sau những nỗ lực hiệp đồng tác chiến, khoảng 18 giờ ngày 30-9, mũi trinh sát thuộc Công an quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện, chặn bắt được 2 đối tượng khi chúng đang di chuyển trên đường liên thôn thuộc xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn bằng chiếc xe máy Yamaha Exciter, BKS 36B5-443.41 cướp được của nạn nhân.

Tang vật vụ án.

Khi bị bắt cùng tang vật của vụ án, cả hai tên đều rất ngỡ ngàng, không hiểu vì sao công an có thể lần tìm ra chúng nhanh đến thế. Ngay sau đó, lực lượng phá án của Công an TP Hà Nội đã di lý hai tên này về Hà Nội để phục vụ công tác điều tra” - Thượng tá Định kể.

Ngay khi tin bắt được thủ phạm được phát đi từ Công an quận Bắc Từ Liêm, không gian mạng ngập tràn những lời chúc mừng lực lượng phá án, khen ngợi những nỗ lực không mệt mỏi đưa kẻ thủ ác về quy án của những người lính hình sự Thủ đô.

Nhận diện những mối nguy hiểm

Án giết cướp xe ôm là một trong những “thể loại” án rất khó điều tra, vì xảy ra trên tuyến giao thông, thủ phạm và nạn nhân thường không có mối quan hệ với nhau. Khi gây án, kẻ cướp thường sát hại nạn nhân để “diệt khẩu” rồi giấu xác, lấy hết giấy tờ, tư trang cá nhân để gây khó khăn cho hoạt động điều tra.

Việc xác định đối tượng đón xe ở đâu và rút chạy theo hướng nào để truy xét là điều thực sự khó khăn, vì nơi đón xe có thể có nhiều người nhưng không ai biết ai, còn hiện trường thường là những nơi hoang vắng. Thời điểm gây án thường vào buổi tối, ban đêm nên hầu như không có nhân chứng.

Dù rất mệt sau một ngày dài truy xét thủ phạm nhưng Trung tá Hải vẫn chia sẻ với ANTG những đặc điểm của loại tội phạm này. Anh nói: “Tội phạm cướp xe ôm thường đi liền với hành vi giết người tàn bạo... Động cơ là nhằm xóa dấu vết tội phạm. Điều này xuất phát từ tâm lý lo sợ bị phát hiện, bị bắt.

Thủ đoạn phổ biến là đón xe ôm, bảo chở đến những cung đường, địa điểm hẻo lánh để thuận tiện cho việc gây án. Địa điểm đón xe thường trên đường giao thông và những nơi tập trung đông người (như bến xe, nhà ga, chợ, trung tâm thương mại...). Địa điểm gây án nằm trên đường giao thông ở khu vực ngoại thành, vắng người qua lại...

Trước khi gây án, chúng tính toán kỹ về mặt thời điểm thuê xe và thời điểm cướp xe. Khoảng thời gian thích hợp để thuê xe thường vào cuối giờ chiều, buổi tối hoặc ban đêm. Để thực hiện tội phạm, chúng luôn mang trong người hung khí như dao, súng, bình xịt cay... hoặc thuốc độc, thuốc mê (trong những vụ cướp bằng đầu độc). Trên đường đi, chúng thường điều người lái xe đi theo hành trình rất lắt léo, như bảo chở vào các đường nhánh, đường liên xã, liên thôn, qua các nghĩa địa, công trường xây dựng vắng người, đồng ruộng, đồi núi...

Khi đến địa điểm thích hợp để gây án, tên cướp bảo lái xe đi chậm lại hoặc dừng lại hẳn để đi vệ sinh, để hỏi thăm đường, tìm nhà, để đợi bạn, trả tiền xe, hoặc giả vờ đánh rơi dép, mũ... rồi bất ngờ dùng hung khí tấn công quyết liệt, như đâm dao từ phía sau, bắn súng, chích điện vào cổ, dùng vật cứng đập vào gáy, đầu mặt... tới tấp, nhằm đè bẹp sự kháng cự của nạn nhân trong thời gian ngắn nhất.

Sau khi giết người, đối tượng thường lục soát quần áo, tư trang hành lý của nạn nhân để lấy tài sản (gồm điện thoại, ví tiền, giấy tờ tùy thân), rồi phi tang xác nạn nhân (vứt xuống những nơi kín đáo, khuất lấp tầm nhìn). Sau đó, đối tượng nhanh chóng sử dụng xe máy của bị hại tẩu thoát khỏi hiện trường vụ án”.

Hình ảnh các nghi can trước khi gây án do nạn nhân chụp.

Cảnh giác để thoát hiểm

Chia sẻ kinh nghiệm sau nhiều năm lái xe ôm, ông Trần Mạnh Quân (ở Giang Biên, Long Biên, Hà Nội) nói: “Theo tôi, người lái xe ôm không nên chở quá số người quy định, vào thời gian quá khuya hoặc điểm đến là những nơi vắng người. Trước khi chở khách, nếu không yên tâm thì nên gọi bạn xe ôm đến chứng kiến việc thỏa thuận, nói rõ cung đường, điểm đến, đề nghị cho kiểm tra hoặc trả tiền trước, cho xem giấy tờ tùy thân, dùng điện thoại di động chụp người khách, hoặc rủ người bạn lái xe đi cùng mình.

Nếu không có bạn gần đó, thì vẫn chụp ảnh, gọi điện cho người thân, nói rõ lộ trình đi, gửi ảnh khách cho họ qua điện thoại. Trên đường đi, cần cảnh giác đề phòng, đi nhanh qua những cung đường, địa điểm vắng vẻ như đồng ruộng, nghĩa địa, đồi núi..., không chấp nhận yêu cầu dừng lại hoặc đi chậm lại của khách. Tranh thủ những lúc dừng lại, người lái xe nên gọi điện cho người thân, bạn bè, thông báo vị trí của mình và mô tả người khách đang chở.

Dọc đường, người lái xe nên chú ý quan sát người khách qua gương chiếu hậu. Nếu khách yêu cầu chở theo lộ trình vòng vèo hoặc chỉ dẫn đi vào những đoạn đường quá xấu và linh cảm có nguy hiểm, hay liên tục yêu cầu chở đến các địa điểm mới không theo thỏa thuận ban đầu thì cần chủ động dừng lại ngay ở địa điểm cảm thấy an toàn hoặc quay lại chỗ có đông người, hoặc rẽ vào trụ sở các cơ quan Công an, ủy ban, nếu không có thì rẽ vào hàng quán bên đường... cần cho nhiều người biết việc đang chở người khách đó.

Khi khách liên tục yêu cầu chở đến các địa điểm mới không theo thỏa thuận ban đầu, nếu trời đã tối thì kiên quyết không chở nữa, cho dù khách có hứa sẽ trả tiền cao đến mấy”.

Vẫn theo ông Quân, trên đường đi, lái xe không chấp nhận đón thêm người lên ngang đường cùng với khách, cho dù đó là nữ giới. Không ăn uống bất cứ vật gì khách mời, không tham gia bất cứ hoạt động nào của khách (như đánh bạc, xóc đĩa). Cần cảnh giác cao độ khi dừng xe theo yêu cầu của khách. Chỉ đi chậm và dừng lại ở nơi cảm thấy an toàn, có nhiều người qua lại. Khi nhận tiền hay móc tiền trả lại, luôn đứng ngoài tầm tay đối tượng hoặc đứng cách qua chiếc xe. Không quay lưng lại phía khách khi đã xuống xe; khi móc tiền trả lại, mắt phải luôn để ý đến những biểu hiện của khách.

Để phòng ngừa cướp có hiệu quả, lái xe ôm nên hoạt động theo tổ chức, trên xe máy nên lắp bộ phận định vị và tính cước. Thường xuyên cập nhật thông tin tội phạm để nâng cao ý thức cảnh giác; tham gia các buổi hướng dẫn cách nhận biết và phòng chống cướp xe ôm do Cơ quan công an tổ chức; thường xuyên thảo luận với đồng nghiệp về các kỹ năng xử lý tình huống bị cướp xe để chuẩn bị trước về mặt tâm lý và phương án đối phó tối ưu nhất.

Tư vấn về cách ứng xử trong trường hợp việc cướp xe đã và đang xảy ra, võ sư Nguyễn Mạnh Thắng (Hà Nội) nói: “Kĩ năng xử lý tình huống hết sức quan trọng để giữ mạng sống và tài sản cho người lái xe. Lúc này, chỉ có sự bình tĩnh mới giúp nạn nhân có thể thoát khỏi cái chết cận kề. Sự hoảng loạn và manh động chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

Nếu đã bị đối tượng chĩa súng vào người nhưng chưa tấn công, trong tình thế hoàn toàn bị động thì lái xe cần tỏ ra hợp tác, sẵn sàng giao tài sản và liên tục xin đối tượng tha chết vì còn gia đình, vợ con... Không nên manh động phản ứng làm đối tượng bị kích động sẽ ra tay giết hại. Nếu người lái bị đâm bất ngờ, cần nhanh chóng thoát ly khỏi xe, rút vũ khí trong người ra tự vệ và hô “cướp, cướp” thật to.

Trong mọi trường hợp dừng đỗ xe tại nơi cảm thấy nguy hiểm nên tắt máy, khóa cổ xe và rút chìa khóa cầm trên tay. Nếu đối tượng chỉ có dao và bộc lộ ý định cướp thì bỏ chạy, hô cướp. Không nên đứng lại chống trả đối tượng khi vẫn còn đường chạy. Cần xác định mạng sống mới là điều quý giá nhất.

Trường hợp đối tượng tấn công quyết liệt và bản thân có thương tích nặng, cần xác định phải chống trả đến cùng vì tên cướp đã hạ quyết tâm giết chết mình, lúc này, cần tận dụng tối đa địa hình, địa vật xung quanh, vơ gạch đá, cành cây thủ thế. Khi tấn công, hãy nhằm đánh vào mặt, mắt, hạ bộ đối tượng. Nếu có trên tay đoạn gậy, hãy tìm cách vụt thật mạnh vào tay cầm dao, hoặc ống đồng (cẳng chân) đối tượng.

Tuyệt đối không nên lao vào ôm bẻ tay để tước dao vì lúc đó đã bị thương và hoảng loạn, sức lực và khả năng tự vệ đã giảm đi rất nhiều. Nếu đánh ngã được đối tượng, cần tấn công dứt điểm vào cẳng chân, mắt, hạ bộ... để loại trừ khả năng phản kháng của tên cướp, sau đó lấy xe bỏ chạy ra khu dân cư, trình báo công an”.

Sau khi bị cướp xe, theo võ sư Thắng, nạn nhân nên báo tin ngay cho người dân và trình báo với đơn vị công an gần nhất về đặc điểm và hướng trốn của đối tượng, giúp Cơ quan công an tổ chức truy xét nóng để bắt thủ phạm. Nếu bắt được tên cướp, cần bình tĩnh, can ngăn mọi người không đánh đập đối tượng, khám nhanh thu giữ hung khí, phương tiện, lấy lại tài sản rồi cùng người đi đường khóa trói đối tượng giải đến cơ quan Công an.

Đào Trung Hiếu

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/thu-pham-vu-cuop-nam-sinh-lai-xe-grab-om-ngo-ngang-khi-bi-bat-564254/