Thủ phạm khiến ngày càng nhiều người Việt Nam tử vong vì ung thư

Tính riêng năm 2020, Việt Nam có hơn 183.000 ca mắc mới và gần 123.000 người tử vong vì ung thư.

Theo thống kê từ Globocan, Việt Nam có số ca mắc ung thư mới và tỷ lệ tử vong trong năm 2020 tăng nhanh. Tại châu Á, Việt Nam đứng thứ 8 với ước tính 182.563 ca mắc mới. Số ca tử vong vì ung thư tại Việt Nam trong năm 2020 là 122.690 trường hợp, đứng thứ 7 của châu Á.

Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Cứ 100.000 người Việt Nam có 159,7 người được chẩn đoán mắc ung thư và 106 trường hợp tử vong.

Trung Quốc là quốc gia đứng đầu châu lục về số ca mắc và tử vong vì căn bệnh này. Các quốc gia như Anh, Pháp, Nhật Bản, Italy, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan cũng chứng kiến xu hướng bệnh nhân ung thư tăng cao trong năm qua. Tuy nhiên, tại những quốc gia này, tỷ lệ tử vong giảm.

Ung thư gan đứng đầu trong số những "tử thần" tại Việt Nam với 25.272 người tử vong trong năm qua. Tiếp sau đó là ung thư phổi với 23.797 bệnh nhân. Ung thư âm đạo chiếm số lượng ca mắc ít nhất với 55 bệnh nhân mới và 29 ca tử vong trong năm 2020.

Nam giới Việt Nam chủ yếu mắc ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng và tuyến tiền liệt (khoảng 65,8%). Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến là ở vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59,4%).

 Việt Nam ghi nhận 182.563 ca mắc mới và 122.690 trường hợp tử vong vì ung thư trong năm 2020. Ảnh: BVCC.

Việt Nam ghi nhận 182.563 ca mắc mới và 122.690 trường hợp tử vong vì ung thư trong năm 2020. Ảnh: BVCC.

Nguyên nhân

Theo các bác sĩ của Bệnh viện K (Hà Nội), ung thư là bệnh lý gây nên bởi nhiều yếu tố, tuy nhiên, chủ yếu là 2 nhóm có thể thay đổi (hành vi lối sống, môi trường…) và không thể thay đổi (tuổi tác, gene…). Số ca mắc mới và tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam tăng nhanh xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:

Dân số già hóa và tăng lên: Hiện nay, Việt Nam có gần 97,8 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới. Số ca mắc mới và tỷ lệ tử vong do ung thư của người Việt tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng này. Thêm vào đó, chúng ta đang phải đối mặt sự già hóa dân số. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên mức 73,6. Tuy nhiên, tuổi càng cao, thời gian tiếp xúc các yếu tố nguy cơ càng dài khiến tỷ lệ mắc ung thư càng cao.

Rượu bia, thuốc lá: Đây là nguyên nhân gây 30% các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phổi. Người hút thuốc có nguy cơ mắc tới 20 loại ung thư khác nhau. Lạm dụng rượu bia là thủ phạm khiến chúng ta mắc các bệnh ung thư miệng, họng, gan, vú, đại trực tràng.

Chế độ ăn ăn uống không hợp lý: Không ít người có thói quen ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, sử dụng thực phẩm nấm, mốc (lạc, gạo) hay chế biến sẵn (thịt hun khói, cá muối). Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh đóng góp 35% nguyên nhân gây ung thư như vú, thực quản, đại trực tràng…

Ít vận động, môi trường sống độc hại: Thói quen ít vận động, không khí bị ô nhiễm và môi trường độc hại cũng là yếu tố gây nên một số bệnh ung thư tại vú, đại trực tràng.

Chủ động tầm soát ung thư: Nhận thức của người dân về ung thư tại Việt Nam ngày càng tốt hơn. Chính vì thế, nhiều người chủ động phòng bệnh và phát hiện ung thư sớm nhờ sàng lọc.

Tiến bộ về khoa học kỹ thuật: Hệ thống ghi nhận ung thư tại Việt Nam trong thời gian gần đây có sự cải tiến. Song song đó, cơ sở vật chất và khoa học kỹ thuật về chẩn đoán ung thư ngày càng cao. Những yếu tố này giúp phát hiện sớm người mắc ung thư và ghi nhận chính xác hơn tình hình của bệnh.

Phát hiện ung thư càng sớm, cơ hội chữa khỏi và sống sót càng cao. Ảnh: BVCC.

Làm gì để phát hiện sớm và ngăn ngừa ung thư?

Sàng lọc phát hiện sớm ung thư đóng vai trò quan trọng. Bởi phát hiện càng sớm, bệnh nhân càng có cơ hội điều trị khỏi và sống sót cao, tiết kiệm chi phí.

Do vậy, mỗi người dân cần duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ. Khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư, chúng ta cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện sớm hoặc loại trừ bệnh.

Ngoài ra, bạn nên tuân thủ lối sống lành mạnh, không hút thuốc, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích; duy trì chế độ ăn uống phù hợp với nhiều rau xanh, hạn chế chất béo, thịt đỏ, thức ăn nhiều muối; không sử dụng thức ăn ôi thiu, mốc, nhiều hóa chất, thuốc trừ sâu, tăng trọng; xây dựng chế độ tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý; sinh hoạt tình dục lành mạnh; tiêm chủng viêm gan B, HPV…, đầy đủ.

Hiện nay, bệnh nhân ung thư tại Việt Nam sẽ được chỉ định điều trị với nhiều phương pháp như phẫu thuật, hóa - xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng, dinh dưỡng và tâm lý xã hội. Công tác này tại Việt Nam trong những năm gần đây có sự tiến bộ vượt bậc.

Trước đây, phải sau nhiều năm, các thuốc điều trị mới được sử dụng trên bệnh nhân ung thư tại Việt Nam. Hiện nay, khoảng cách này được rút ngắn. Đặc biệt, kỹ thuật xạ trị hiện đại, phẫu thuật nội soi bằng robot cũng được triển khai ở nhiều trung tâm ung bướu trên cả nước. Điều này giúp không ít bệnh nhân mắc ung thư có thể khỏi bệnh, kéo dài sự sống và quay lại sinh hoạt bình thường.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-pham-khien-ngay-cang-nhieu-nguoi-viet-nam-tu-vong-vi-ung-thu-post1175123.html