Thủ phạm khiến nam giới sắp mất dần khả năng sinh sản

Tiến sĩ Shanna Swan (Mỹ) dự đoán đến năm 2045, hầu hết đàn ông sẽ không thể sản xuất tinh trùng và thủ phạm gây ra điều này đến từ chính hóa chất chúng ta ăn hàng ngày.

Chỉ trong vài thế hệ tới, số lượng tinh trùng của con người có thể giảm xuống mức thấp nhất, nhỏ hơn nhiều lần mức được xem là đủ cho khả năng sinh sản. Đây là tuyên bố mà nhà dịch tễ học, tiến sĩ Shanna Swan, Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai ở New York, Mỹ, đưa ra trong cuốn sách mới xuất bản Countdown (tạm dịch: Đếm ngược). Đây là tập hợp hàng loạt bằng chứng cho thấy số lượng tinh trùng của đàn ông phương Tây đã giảm hơn 50% trong vòng chưa đầy 4 thập kỷ.

BBC dẫn lời tác giả viết trong cuốn sách: "Chúng đe dọa số lượng tinh trùng, làm rối loạn sự phát triển sinh sản của nam và nữ, đặt loài người vào tình trạng nguy hiểm". Tiến sĩ Shanna Swan cũng cảnh báo hầu hết đàn ông sẽ không thể sản xuất tinh trùng vào năm 2045, kích thước và thể tích của dương vật cũng bị ảnh hưởng vì ô nhiễm môi trường.

Theo The Conversation, rất khó để nói xu hướng hiện tại có thể dẫn tới sự tuyệt chủng của loài người hay không khi nam giới sắp vô sinh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chứng minh các hóa chất trong nhiều vật dụng, mỹ phẩm hàng ngày là thủ phạm ảnh hưởng chất lượng tinh trùng và sức khỏe của nam giới.

 Nam giới đang đứng trước nguy cơ vô sinh vì những hóa chất có trong mọi sản phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày. Ảnh: Getty Images.

Nam giới đang đứng trước nguy cơ vô sinh vì những hóa chất có trong mọi sản phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày. Ảnh: Getty Images.

Số lượng tinh trùng giảm một cách đáng báo động

Các nghiên cứu cảnh báo số lượng tinh trùng ở nam giới đang giảm không phải mới. Vấn đề này lần đầu tiên được toàn cầu quan tâm là vào những năm 1990. Năm 2017, một nghiên cứu khác mà tiến sĩ Shanna Swan đề cập trong cuốn sách cho thấy lượng tinh trùng của đàn ông phương Tây đã giảm 50-60% từ năm 1973 đến 2011. Mức giảm trung bình là 1-2% mỗi năm.

Theo Guardian, số lượng tinh trùng của nam giới càng thấp, khả năng thụ thai khi quan hệ tình dục cũng tỷ lệ thuận. Nghiên cứu năm 2017 cảnh báo thế hệ con cháu của chúng ta có thể chỉ sản xuất được lượng tinh trùng tối thiểu để thụ thai thành công. Vì vậy, tiến sĩ Swan báo động đến năm 2045, hầu hết cặp vợ chồng buộc phải sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản để có con, thay vì đậu thai tự nhiên.

Nhà dịch tễ học, tiến sĩ Shanna Swan. Ảnh: Biodiversidadla.

Đáng báo động không kém là sự gia tăng tỷ lệ sẩy thai và các bất thường khi phát triển ở người như dương vật nhỏ, tinh hoàn không chứa tinh, đều liên quan hiện tượng sụt giảm số lượng tinh trùng.

Nhiều yếu tố có thể giải thích những xu hướng này. Từ năm 1973 đến nay, lối sống của con người đã thay đổi đáng kể trong chế độ ăn uống, luyện tập, mức độ béo phì, uống rượu. Tất cả yếu tố này đều góp phần ảnh hưởng chất lượng và số lượng tinh trùng.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã xác định trong giai đoạn phát triển bào thai, bất kỳ thay đổi nào về lối sống cũng là chìa khóa quyết định sức khỏe sinh sản của nam giới.

Theo The Jerusalem Post, tiến sĩ Swan tiết lộ nguyên nhân là cuộc khủng hoảng mà nhân loại đang phải đối mặt khi có sự hiện diện của phthalate, chất thường được tìm thấy trong các hạt vi nhựa. Đây cũng là thủ phạm được cho là gây tình trạng tỷ lệ sinh giảm.

Shanna Swan giải thích phthalate tác động đến bộ phận sinh dục của con người bằng cách thay đổi hệ thống nội tiết sản xuất hormone. Kết quả, nhiều bé trai được sinh ra với bộ phận sinh dục ngắn, nhỏ.

Tiến sĩ Swan đã nghiên cứu về hội chứng phthalate trên chuột. Bào thai tiếp xúc hóa chất làm tăng nguy cơ teo bộ phận sinh dục của chuột khi chào đời. Ở người, bà Swan phát hiện trẻ sơ sinh nam tiếp xúc hóa chất khi còn trong bụng mẹ nhiều khả năng có “cậu nhỏ” ngắn hơn.

Tiến sĩ Swan dự đoán đến năm 2045, hầu hết cặp vợ chồng buộc phải sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản để có con, thay vì đậu thai tự nhiên. Ảnh: Getty Images.

Con người đang ăn hạt vi nhựa mỗi ngày và tự giết mình mà không biết

Hạt vi nhựa (Microbead) được phát minh đầu tiên bởi John Ugelstad, kỹ sư hóa học người Nauy, bằng cách tạo các hạt nhựa polyethylene vi cầu kích thước cỡ micromet - một phần nghìn milimet trong những năm 1970. Nhưng phải đến năm 1990, hạt vi nhựa mới bắt đầu được sử dụng rộng rãi, thay thế các thành phần tự nhiên và xuất hiện trong nhiều sản phẩm sử dụng hàng ngày của con người như kem đánh răng, sữa rửa mặt, kem cạo râu, sữa tắm… Chúng cũng hình thành từ sự mài mòn của các mảnh nhựa lớn được thải ra môi trường.

Phthalates là một nhóm lớn các hóa chất thường được sử dụng để làm mềm nhựa. Nó có trong đồ chơi, lớp phủ tường, chất tẩy rửa, dầu bôi trơn, bao bì thực phẩm, dược phẩm, túi chứa máu, đường ống truyền.

Nó cũng là chất dùng trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân như sơn móng tay, keo xịt tóc, kem dưỡng da sau cạo râu, xà bông, dầu gội, nước hoa… Loại phthalate phổ biến nhất được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da là diethyl phthalate (DEP).

Sự can thiệp nội tiết tố của thai nhi đến từ các hóa chất trong sản phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày. Chúng được gọi là các hóa chất gây rối loạn nội tiết (EDC). Chúng ta tiếp xúc chúng qua ăn uống, hít thở, sản phẩm bôi lên da. Trong nhiều trường hợp, nó được gọi là “hóa chất có ở khắp mọi nơi”, bởi rất khó để tìm một sản phẩm trong thế giới hiện đại không chứa hóa chất phthalate.

Các hóa chất gây rối loạn nội tiết được truyền từ mẹ sang thai nhi khi bà mẹ tiếp xúc chúng trong thời kỳ mang thai. Nó không chỉ là một loại hóa chất cụ thể mà còn là hàng loạt chất khác nhau, được tìm thấy trong mọi thứ như chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu, chất phụ gia, chất dẻo. Tất cả đều có thể phá vỡ hoạt động bình thường của hormone con người.

Hạt vi nhựa (Microbead) có kích thước siêu nhỏ và có trong hầu hết sản phẩm chúng ta dùng hàng ngày. Ảnh: Freepik.

Cuối tháng 12/2020, một nghiên cứu công bố trên tạp chí Environment International lần đầu tiên ghi nhận sự tồn tại của các hạt vi nhựa trên mặt trong vào khoang ối và màng đệm của nhau thai. Kết quả này lấy từ mẫu xét nghiệm của 4 phụ nữ khỏe mạnh, sinh con bình thường.

Khoảng 12 mảnh vi nhựa đã được phát hiện từ bốn nhau thai nói trên. Tuy nhiên, vì mẫu xét nghiệm chỉ chiếm 4% diện tích nhau thai nên nhóm nghiên cứu cho rằng lượng vi nhựa thực tế còn cao hơn gấp nhiều lần. Các hạt vi nhựa này có kích thước vào khoảng 0,01 mm, đủ nhỏ để lẫn vào mạch máu người.

Kết quả phân tích cho thấy số vi nhựa nói trên có nguồn gốc từ các sản phẩm nhựa như bao bì, sơn, mỹ phẩm, dầu gội hoặc xà phòng. Nhiều chuyên gia dự đoán số vi nhựa này có thể mang theo một số hóa chất gây tổn thương lâu dài hoặc làm rối loạn hệ thống miễn dịch đang phát triển của thai nhi.

Phthalate và các hạt vi nhựa còn có trong đồ chơi trẻ em, thực phẩm. Khi xâm nhập cơ thể, nó bắt chước hormone estrogen và phá vỡ quá trình sản xuất hormone tự nhiên ở người. Một số hóa chất trong thuốc tránh thai, kích thích tăng trưởng khi chăn nuôi được điều chế để tác động tới hormone thì nay cũng đã xuất hiện trong môi trường tự nhiên. Như vậy, phthalate dần ảnh hưởng đến sự phát triển giới tính ở trẻ cũng như hành vi của người lớn.

Theo Guardian, tháng 8/2020, các nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona, Mỹ, đã tìm thấy hạt vi nhựa ở toàn bộ 47 mẫu từ phổi, gan, lá lách và thận mà họ xét nghiệm. Họ cũng phát hiện hóa chất bisphenol A (BPA) trong tất cả 47 mẫu. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) nhận xét BPA là chất "gây độc cho hệ sinh sản, phát triển và các hệ khác trong nghiên cứu trên động vật".

Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), phthalates có trong sản phẩm chăm sóc da không gây nguy hiểm đáng kể cho sức khỏe. Tuy nhiên, nó có thể gây rối loạn nội tiết.

Tổng trọng lượng của hạt vi nhựa dưới đáy đại dương hiện nay nặng gấp 34 đến 57 lần so với lượng rác thải nhựa trên mặt biển. Ảnh: Alamy Stock.

Không chỉ con người, các hóa chất nói trên cũng ảnh hưởng số lượng tinh trùng của động vật. Các nghiên cứu về chồn nuôi ở Canada, Thụy Điển đã cho thấy mối liên hệ giữa hóa chất công nghiệp, nông nghiệp với số lượng tinh trùng thấp ở sinh vật và phát triển bất thường tại tinh hoàn, dương vật.

Trong môi trường lớn hơn, tình trạng này đã được thấy trên cá sấu ở Florida, ở động vật giáp xác giống tôm ở Anh, và cá sống ở hạ lưu của các nhà máy xử lý nước thải trên khắp thế giới. Ngay cả những loài được cho là cư trú lang thang, xa các nguồn lây nhiễm như cá voi sát thủ cũng bị nhiễm hóa chất. Đây là kết quả được ghi nhận trong một con cá voi sát thủ dạt vào bờ biển Scotland năm 2017 với mức ô nhiễm nặng nhất từng được tìm thấy và nó không thể sinh sản.

Đứng trước tình cảnh này, nhiều quốc gia tìm cách điều hóa hóa chất, giảm tối thiểu mức ảnh hưởng của nó tới con người và thế hệ tương lai. Tại Anh, Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn xây dựng chiến lược hóa chất nhằm giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, Mỹ, Australia và một số nước ở châu Âu đã cấm sử dụng hạt vi nhựa trong sản phẩm chăm sóc, mỹ phẩm; thay đổi các quy định về hóa chất, ngăn việc thay thế chất cấm bằng loại độc hại khác.

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có những quy định trên. Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Uyên, tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, cộng tác viên ban Khoa học, Ruy Băng Tím, chúng ta có thể xác định sản phẩm đang dùng có chứa hạt vi nhựa không bằng 2 cách:

- Xem thành phần trong sản phẩm sử dụng có chứa Polyethylene, Polypropylene, Polyethylene terephthalate, Poly(methyl methacrylate), Polystyrene, Axit polylactic (PLA).

- Sử dụng phần mềm quét mã vạch sản phẩm sẽ biết được chúng đó có hạt vi nhựa hay không, mang tên “ Beat the microbeads” (được phát triển bởi UNEP).

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-pham-khien-nam-gioi-sap-mat-dan-kha-nang-sinh-san-post1205337.html