Thu nhập từ lãi ngoài có thực sự 'cứu' được ngân hàng trong 'bão dịch'?

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm khá thấp, nhiều ngân hàng đã tập trung đẩy mạnh nguồn thu từ các loại phí chủ chốt như thẻ, bảo hiểm, phát hành trái phiếu… nhằm đảm bảo doanh thu, lợi nhuận.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho hay, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đã gặp nhiều khó khăn khi tính đến cuối tháng 6/2020, toàn hệ thống đạt 3,26%. Mức tăng này chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng thấp nhất 7 năm qua tính theo giai đoạn nửa năm.

Nguyên nhân được giải thích là do nhiều doanh nghiệp rơi vào trạng thái "ngủ đông", sức chống chịu yếu ớt khi đại dịch Covid-19 xảy ra khiến hệ thống ngân hàng có tiền nhưng vẫn không thể cho vay.

Mặc dù dịch bệnh được kiểm soát vào đầu tháng 5 đến trung tuần tháng 7 nhưng nhìn chung tình hình doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng khả quan. Đến nay, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, hầu hết doanh nghiệp vẫn chưa kịp trở mình lại bắt đầu một đợt khó khăn mới.

Sự khó khăn của doanh nghiệp kéo theo những đánh giá không mấy sáng sủa cho tăng trưởng tín dụng cũng như lợi nhuận của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, nhìn vào những con số qua báo cáo tài chính quý II của nhiều ngân hàng, lại thấy những điểm sáng khả quan về lợi nhuận.

Báo cáo của FiinGroup gần đây cho thấy, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nhưng nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao trong quý II như VIB (41%), VPBank (38%), HDBank (40%), Vietinbank (39%), TPBank (30%).

Nguyên nhân của sự tăng trưởng này được giải thích là do dù tín dụng vẫn là nguồn thu chính của các ngân hàng nhưng trong bối cảnh thị trường nhiều biến động hiện nay, nhiều ngân hàng đã chủ động đẩy mạnh các thu nhập phi tín dụng như bancasurrance, bảo lãnh phát hành chứng khoán, đầu tư chứng khoán và trái phiếu,…

Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2020 được VPBank công bố cho biết, kết thúc 6 tháng đầu năm, ngân hàng thu về 6.600 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, tương đương 64% kế hoạch năm.

Điểm nhấn mang lại kết quả tốt về doanh thu và hoạt động cho vay nói trên, được VPBank chia sẻ chính là phản ứng linh hoạt và nhanh nhạy của ngân hàng trước những thách thức bất ngờ mới của thị trường.

Ngay khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát trong tháng 2/2020, VPBank đã đưa ra những kịch bản kinh doanh mới nhằm tiếp tục đa dạng hóa nguồn thu.

Nhờ đó, nguồn thu lãi thuần từ phí dịch vụ (NFI) của ngân hàng mẹ đã tăng trưởng gần 42% so với nửa đầu năm 2019, đạt hơn 1.400 tỷ đồng.

Tỷ trọng đóng góp của NFI trên tổng doanh thu của ngân hàng mẹ đã tăng từ 13% trong 6 tháng đầu năm trước lên 15% cùng kỳ năm nay, góp phần giảm sự phụ thuộc của ngân hàng vào nguồn thu từ lãi.

Một trong các nhà băng có tốc độ tăng lãi thuần dịch vụ mạnh nhất trong quý II phải kể đến là VIB. Lãi thuần từ dịch vụ của VIB tăng gần 50% (bằng 1/3 thu nhập lãi thuần trong khi các ngân hàng khác chỉ trên dưới 10%) nhờ thu nhập từ dịch vụ hoa hồng bảo hiểm tăng 20%, thu dịch vụ thanh toán 70%.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng tăng cường đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp để tìm kiếm mức sinh lời tốt hơn, điển hình nhất là TPBank. Tuy nhiên, lãnh đạo TPBank cho biết không đầu tư nhiều vào trái phiếu bất động sản mà tập trung cho các doanh nghiệp ngành thiết yếu, thị trường tiêu dùng nhanh hay các công ty có đủ tài sản đảm bảo, dự án hoàn trả được cả gốc lẫn lãi.

Ngoài ra, một trong những giải pháp quan trọng mà gần như toàn hệ thống ngân hàng áp dụng để cứu lợi nhuận là giảm mạnh chi phí hoạt động thông qua giảm chi cho nhân viên.

Phần lớn ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II đều mạnh tay giảm chi phí hoạt động với mức giảm hai chữ số, Vietcombank (-23%), VPBank (-16%), Sacombank (-14%), ACB (-8%)...

Tùy mức độ và tùy từng vị trí, nhiều nhà băng như BIDV, SHB, HDBank cũng giảm lương thưởng người lao động từ 10-30%, thậm chí nhiều hơn với lãnh đạo.

Theo đánh giá của chuyên gia tài chính ngân hàng, hầu hết các ngân hàng có báo cáo lợi nhuận khả quan đều có mảng kinh doanh tín dụng bán lẻ hoặc tín dụng tiêu dùng khá lớn trong cơ cấu dư nợ tín dụng, đặc biệt một số ngân hàng đã thành công trong phát hành và kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp.

Kết quả kinh doanh này cũng được lý giải một phần do nhiều ngân hàng chưa phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ được cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Khi các khoản nợ cơ cấu lại được hạch toán theo đúng bản chất, lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi nợ xấu cao dẫn đến tăng trích lập dự phòng.

Bình luận về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực cho rằng, không nên nhìn kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của hệ thống ngân hàng mà vui mừng. Nguyên nhân do hầu hết ngân hàng đều chưa trích lập đủ dự phòng cho cả năm.

Ngoài ra, tác động của dịch Covid-19 đến hệ thống ngân hàng có độ trễ hơn so với doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp, khách hàng, người dân sẽ chịu khó khăn ngay khi dịch bệnh bùng phát, hệ thống ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng sau đó.

Đức Minh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thu-nhap-tu-lai-ngoai-co-thuc-su-cuu-duoc-ngan-hang-trong-bao-dich-576476.html