Thu nhập tốt từ nuôi bò lai nhốt chuồng

Những năm gần đây, nhiều nông dân trẻ trên địa bàn huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk mạnh dạn đầu tư chăn nuôi giống bò lai nhốt chuồng cho hiệu quả kinh tế thiết thực.

 Các đoàn viên, thanh niên xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar tham quan mô hình nuôi bò lai nhốt chuồng của anh Hồ Văn Thông. Ảnh: Trung Dũng.

Các đoàn viên, thanh niên xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar tham quan mô hình nuôi bò lai nhốt chuồng của anh Hồ Văn Thông. Ảnh: Trung Dũng.

Mô hình nuôi bò lai nhốt chuồng đã và đang mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều gia đình, đồng thời mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng cho người dân ở địa phương, trong đó anh Hồ Văn Thông ở thôn Tiến Phát, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar là một điển hình.

Sau thời gian tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng và Internet, cùng việc trực tiếp đến tham quan và học hỏi cách chăm sóc bò từ những người đi trước, năm 2014 anh Thông đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò lai theo hình thức nhốt chuồng, quy mô gần 200m2, với 26 con bò lớn nhỏ giống Sind và Brahman. Anh cũng là một trong những hộ dân đi đầu trong phong trào phát triển giống bò lai ở địa phương.

Để đảm bảo nguồn thức ăn xanh và giàu dinh dưỡng cho bò gia đình, anh Thông đã dành hơn 4.000 m2 đất để trồng cỏ voi. Ngoài ra, anh còn cho bò ăn thêm thức ăn tinh bột từ cám ngô, thức ăn công nghiệp để cung cấp chất dinh dưỡng, giúp bò tăng trưởng nhanh…

Nhờ sự cần cù của bản thân, cũng như chuẩn bị kỹ càng, thực hiện bài bản đúng các yêu cầu kỹ thuật nên đàn bỏ lai của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt, chất lượng đàn bò luôn đảm bảo. Bình quân, mỗi năm bò cái sẽ cho ra một bê con, mỗi bê con sau khi nuôi được 1,5 năm sẽ có trọng lượng đạt khoảng 400 - 500kg, cao hơn rất nhiều so với giống bò cỏ ở địa phương, với giá bán như hiện nay mỗi con bò cũng mang lại gia đình anh nguồn thu nhập đạt trên chục triệu đồng...

Dẫn chúng tôi tham quan đàn bò lai của gia đình, anh Thông chia sẻ: “Đầu ra với bò lai Sind và Brahman rất dễ, các thương lái rất ưa chuộng. Hiện nay, gia đình có thu nhập ổn định gần 200 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí đầu tư, chăm sóc. Ngoài ra, mỗi năm còn thu được khoảng hơn 100 khối phân bò, bình quân mỗi khối phân trị giá 1 triệu đồng. Số tiền từ lợi nhuận bán bò, gia đình tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi".

Chị Nguyễn Thị Minh Thư, Bí Thư Đoàn xã Quảng Tiến đánh giá, anh Hồ Văn Thông là một trong những điểm sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp ở địa phương. Mô hình nuôi bò lai nhốt chuồng của gia đình anh cho năng suất, sản lượng thịt và hiệu quả đạt khá cao, thu nhập vượt trội so với giống bò cỏ ở địa phương.

Thời gian qua, mô hình của anh Thông đã trở thành điểm đến thăm quan, học tập kinh nghiệm khởi nghiệp của nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Anh Thông luôn cởi mở và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cách nuôi bò để đạt hiệu quả cho các thanh niên muốn khởi nghiệp bằng nuôi bò lai nhốt chuồng.

Anh Thông cho biết, ưu điểm của các giống bò lai Sind và Brahman có tầm vóc cao to hơn rất nhiều so với giống bò cỏ ở địa phương, dễ nuôi, dễ chăm sóc, lớn nhanh, phàm ăn, có sức đề kháng tốt, ít bệnh và có tốc độ tăng trọng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon và có giá trị kinh tế cao…

Để đàn bò phát triển và cho hiệu quả kinh tế cao, ngoài việc chọn lựa được con giống tốt có nguồn gốc rõ ràng từ những cơ sở uy tín, bò cũng không được quá già, có bộ khung to để đạt được tốc độ tăng trọng nhanh.

Người chăn nuôi cũng cần phải chú trọng tiêm vacxin phòng bệnh định kỳ cho đàn bò, đặc biệt là vacxin viêm da nổi cục, lở mồm long móng. Thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi đảm bảo luôn sạch sẽ, thoáng đãng vào mùa hè, đủ ấm vào mùa đông để bò phát triển tốt và có chế độ dinh dưỡng đảm bảo, phải kết hợp cho bò ăn thức ăn thô, xanh với thức ăn tinh theo tỷ lệ trọng lượng cơ thể và giai đoạn sinh trưởng của từng con bò.

Trung Dũng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thu-nhap-tot-tu-nuoi-bo-lai-nhot-chuong-d291066.html