Thu nhập người lao động được tăng lên: Kết quả từ tự chủ tài chính

Tự chủ tài chính không những dần kéo các đơn vị công lập làm ăn yếu kém ra khỏi 'bầu sữa' ngân sách Nhà nước để phải tự thân vươn lên, mà còn giúp các đơn vị có đủ khả năng 'rũ' chiếc phao cao cấp vươn lên phát triển mạnh mẽ. Và điều quan trọng hơn, thu thập của người lao động không ngừng được cải thiện.

Bệnh viện Bạch Mai (Bộ Y tế) là một trong những đơn vị đầu tiên được Bộ Y tế và các bộ, ngành chức năng cho phép tự chủ về tài chính theo tinh thần Nghị định 43/2006/NĐ-CP.

Nhờ tự chủ tài chính mà thu nhập của NLĐ tại BV Bạch Mai luôn được tăng lên. Ảnh: D.S

Trả lời phỏng vấn báo chí về nội dung này, ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Tự chủ của bệnh viện xuất phát từ chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính với đơn vị sự nghiệp công lập.

Từ chính sách tự chủ đó, đến nay ngân sách nhà nước giảm chi thường xuyên hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, nguồn thu của bệnh viện được chủ động hơn. Và cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 43 thể hiện hướng đi đúng, chính sách đã có nhiều thay đổi, như cho phép bệnh viện tự thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu, nhờ đó, giúp tăng nguồn thu, đảm bảo được nguồn kinh phí cho hoạt động thường xuyên của bệnh viện.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV vấn đề mà lãnh đạo các đơn vị đang và sẽ thực hiện theo cơ chế tự chủ theo Nghị định 43 chính là yếu tố con người, cụ thể là công tác cán bộ. Khi Nhà nước đã giao tự chủ cho đơn vị trên tinh thần hoạt động lấy thu bù chi.

Nhà nước sẽ không hỗ trợ về ngân sách hoặc có hỗ trợ một phần để thực hiện các mục tiêu chung thì bản thân người đứng đầu cơ quan không thể tự quyết định công tác cán bộ. Trình tự bổ nhiệm một cán bộ cấp trưởng, hoặc phó phòng vẫn tuân theo những quy định cũ. Đây chính là bất cập nhất cần phải có cơ chế tháo gỡ để mô hình tự chủ tài chính thực sự hiệu quả.

Về tài chính, ông Hiền nhấn mạnh: Từ khi tự chủ tài chính theo Nghị định 43, bệnh viện có thêm nguồn thu. Theo cơ chế tài chính, Nhà nước cho phép căn cứ vào kết quả tài chính hàng năm, nếu như có chênh lệch thu - chi, được trích các quỹ, như quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp tối thiểu 25%, còn lại là các quỹ thu nhập tăng thêm, dự phòng, hỗ trợ người bệnh... Nhờ đó thu nhập người lao động được tăng lên.

Nếu như không tự chủ tài chính, thì bệnh viện có chênh lệch thu - chi cũng không được chi thêm. Cụ thể, theo ông Hiền, khi chưa tự chủ tài chính, người lao động chỉ được hưởng 1 lần lương cơ bản, nhưng từ khi chuyển sang tự chủ tài chính, người lao động bệnh viện ngoài hưởng lương cơ bản, còn được hưởng gần 2 lần lương thu nhập tăng thêm.

Tuy nhiên, ông Hiền nhấn mạnh, bên cạnh những ưu điểm, thì Nghị định 43 cũng chưa tính hết được thực tiễn. Ví dụ, trong Nghị định 43 quy định cấp ổn định kinh phí trong vòng 3 năm và hàng năm có tăng thêm, nhưng trong quá trình tự chủ hàng năm không có tăng thêm, mà có giảm đi, do nguồn kinh phí chỉ có hạn…

Và để thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn với các bệnh viện, Bệnh viện Bạch Mai kiến nghị được áp dụng mô hình quản trị như doanh nghiệp. Ban giám đốc được quyết định về phần nhân sự, có thể được thành lập, sáp nhập, hủy bỏ. Cho bệnh viện tiến tới được tự thỏa thuận trả tiền lương cho người lao động trên vị trí việc làm, phù hợp với luật, quy định tối thiểu, tối đa mà bệnh viện được phép.

Tất cả các vị trí việc làm chuyển sang ký hợp đồng có thời hạn. Ngoài ra, bệnh viện cũng được quyền xây dựng giá dịch vụ y tế phù hợp với luật pháp, như bất cập ở Thông tư 15/2018/TT-BYT, tiền lương vẫn tính ở mức lương cơ sở 1.150.000 đồng, chưa tính theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng, hay tính ngày thứ 7, chủ nhật hưởng nguyên lương, nhưng không tính 10 ngày lễ quốc gia và 12 ngày phép trong năm. Như vậy, cần phải tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để chất lượng khám chữa bệnh y tế được tăng lên.

Rõ ràng với những thành công về công tác tự chủ tài chính tại Bệnh viện Bạch Mai theo tinh thần Nghị định 43 có thể khẳng định đây là một trong những khâu đột phá về cơ chế nhằm giúp các đơn vị tự đổi mới, tự cạch tranh để tồn tại và phát triển.

Nằm trong xu thế đó, trong việc triển khai các Nghị quyết 39 và 18 của Ban Chấp hành Trung ương, TP Hà Nội cũng đang tích cực đưa các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ tài chính để tiết kiệm tối đa ngân sách, đồng thời giải phóng năng lực cho các đơn vị.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV vấn đề mà lãnh đạo các đơn vị đang và sẽ thực hiện theo cơ chế tự chủ theo Nghị định 43 chính là yếu tố con người, cụ thể là công tác cán bộ. Khi Nhà nước đã giao tự chủ cho đơn vị trên tinh thần hoạt động lấy thu bù chi.

Nhà nước sẽ không hỗ trợ về ngân sách hoặc có hỗ trợ một phần để thực hiện các mục tiêu chung thì bản thân người đứng đầu cơ quan không thể tự quyết định công tác cán bộ. Trình tự bổ nhiệm một cán bộ cấp trưởng, hoặc phó phòng vẫn tuân theo những quy định cũ. Đây chính là bất cập nhất cần phải có cơ chế tháo gỡ để mô hình tự chủ tài chính thực sự hiệu quả.

H. Phạm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thu-nhap-nguoi-lao-dong-duoc-tang-len-ket-qua-tu-tu-chu-tai-chinh-76730.html