Thu nhập người dân nông thôn tăng gấp 3,5 lần sau 10 năm

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về tam nông, thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng lên 3,5 lần.

Thu nhập người dân nông thôn tăng gấp 3,5 lần

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về tam nông, nền nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiến bộ cả về quy mô và trình độ sản xuất, tái cơ cấu ngành đúng hướng, đạt nhiều kết quả quan trọng, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu ngày càng tăng.

Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao, số hộ nghèo giảm nhanh. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng gần 3,5 lần, từ 9,1 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng năm 2017. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần năm 2008 xuống còn 1,8 lần năm 2017.

Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Đến hết năm 2017, cả nước có trên 34.000 trang trại, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2012. Tính đến hết tháng 7/2018, cả nước có 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng lên 3,5 lần trong 10 năm (2008-2017).

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng lên 3,5 lần trong 10 năm (2008-2017).

Giai đoạn 2008-2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm. Năng suất lao động trong nông nghiệp tăng nhanh hơn, năm 2017 đạt 6,48%/năm.

Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, huy động vốn FDI, đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai thực hiện các hiệp định tự do hóa

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành nông nghiệp còn một số hạn chế, yếu kém. Nền nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào nông hộ nhỏ thiếu liên kết, dễ tổn thương trước biến động của thị trường và thiên tai, dịch bệnh. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản chưa cao. Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm chậm được khắc phục.

Duy trì tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản khoảng 3%/năm

Trong phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn tới cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, phát triển theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững. Nghị quyết Trung ương mới về nông nghiệp nông dân và nông thôn giai đoạn 2020-2030 sẽ nghiên cứu các vấn đề tồn tại thực tiễn 10 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 7, qua đó vẫn xác định “nông dân là chủ thể” trong quá trình thực hiện xây dựng.

Mục tiêu trong 10 năm tới, duy trì tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản khoảng 3%/năm.

Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, có vị thế chính trị công bằng và có quyền hưởng lợi chính đáng những thành quả chung của đất nước.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, phát triển y tế giáo dục, văn hóa đảm bảo an ninh trật tự, phát huy dân chủ ở nông thôn.

“Mục tiêu đến năm 2030 sẽ duy trì tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản khoảng 3%/năm, tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn trên 10%/năm, số xã đạt nông thôn mới trên 90%, thu nhập bình quân của dân cư nông thôn tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020, tăng trên 9%/năm” - ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng Phó Ban Kinh tế Trung ương cho biết./.

Hoài Lam/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/thu-nhap-nguoi-dan-nong-thon-tang-gap-35-lan-sau-10-nam-844176.vov