Thu nhập khá từ nuôi ong lấy mật

Những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật đã và đang phát triển nhanh chóng, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân trên địa bàn thị xã Sơn Tây.

 Nhờ nuôi ong lấy mật, nhiều hộ dân ở xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây có thu nhập khá.

Nhờ nuôi ong lấy mật, nhiều hộ dân ở xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây có thu nhập khá.

Nghề nuôi ong lấy mật xuất hiện đầu tiên ở xã Kim Sơn từ khoảng năm 1986 nhưng chỉ tự phát ở một vài hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ. Năm 2007, các hộ nuôi ong ở Kim Sơn đã thành lập câu lạc bộ nuôi ong lấy mật với 11 thành viên. Cũng từ đó, nghề nuôi ong ở Kim Sơn phát triển mạnh, câu lạc bộ có thêm hàng chục hộ thành viên, nâng số lượng tổng đàn lên hơn 4.000 đàn ong, chủ yếu là giống ong nội, sản lượng mật đạt khoảng 32.000 - 35.000 lít/năm.
Hộ anh Nguyễn Văn Nam, thôn Nghĩa Sơn là hộ nuôi ong lớn nhất xã Kim Sơn với quy mô 600 đàn, mỗi năm trừ chi phí, thu lãi trên dưới 800 triệu đồng. Anh Nam chia sẻ: “Ong mật có đặc tính tổ chức bầy đàn rất cao và nhạy cảm với thời tiết, ánh sáng, nhiệt độ. Vì vậy, người nuôi phải nắm bắt được các đặc tính cơ bản này để có các biện pháp thích hợp trong việc chống rét, chống nóng, vệ sinh thùng bảo đảm khô ráo, sạch sẽ. Có như vậy, đàn ong mới khỏe mạnh, cho năng suất và chất lượng mật cao”.
Nhằm liên kết chặt chẽ để cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, tháng 3/2018, Tổ liên kết hợp tác nuôi ong lấy mật xã Kim Sơn được thành lập với 30 hộ thành viên, trung bình mỗi hộ nuôi từ 80 - 200 đàn. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kim Sơn kiêm Tổ trưởng Tổ liên kết hợp tác nuôi ong lấy mật xã Kim Sơn Nguyễn Xuân Quyền cho biết, sản lượng mật ong 8 tháng năm 2018 của tổ đạt 30.000 lít, tăng 10.000 lít so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài doanh thu từ khai thác mật, các hộ còn có khoản thu nhập thêm từ việc nhân đàn, tách đàn bán giống, thu hoạch phấn hoa và các sản phẩm khác.
Không chỉ xã Kim Sơn, một số xã, phường khác như Sơn Đông, Cổ Đông, Trung Sơn Trầm, Xuân Sơn, Thanh Mỹ cũng đang học tập và mở rộng mô hình nuôi ong lấy mật với số lượng từ 5 - 12 hộ thành viên. Riêng phường Xuân Khanh đã thành lập Tổ hợp tác nuôi ong với 22 hộ thành viên, trung bình mỗi hộ nuôi khoảng 50 - 70 đàn, hộ nuôi nhiều nhất là 200 đàn. Nhận thấy hiệu quả, tiềm năng phát triển nghề nuôi ong lấy mật, tháng 9/2017, thị xã Sơn Tây đã triển khai chương trình hỗ trợ phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Theo đó, các hộ tham gia chương trình được thị xã hỗ trợ 300 đàn ong, 1.000 vỏ thùng ong và tập huấn kỹ thuật. Hiện nay, cùng với việc tập trung mở rộng mô hình nuôi ong lấy mật ở Kim Sơn, thị xã Sơn Tây đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu tập thể “Mật ong Sơn Tây” nhằm nâng cao giá trị cũng như lợi thế cạnh tranh của sản phẩm.

Ngọc Ánh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thu-nhap-kha-tu-nuoi-ong-lay-mat-326931.html