Thu nhập hơn chồng vẫn bị coi là ăn bám

'Không đi làm cơ quan thì ăn bám chồng, không đóng bảo hiểm xã hội thì về già ăn bám con', người bên nhà chồng thường nói về chị như thế.

“Không đi làm cơ quan thì ăn bám chồng, không đóng bảo hiểm xã hội thì về già ăn bám con...” Đó là lời chị thường nghe bên nhà chồng nói về mình, nói sau lưng có, trước mặt có và... ngang hông cũng có. Và chị thành tấm gương mờ cho những đứa trẻ lười học, biếng làm và… ham ăn

Mỗi lần có đám có tiệc cần về quê, chị không ngại phải mua quà cho đúng ý mọi người, về đến nhà là chui vào bếp suốt mấy tiếng đồng hồ nấu nướng phục vụ phái đoàn hai họ cộng hàng xóm láng giềng, sau bữa ăn phải rửa một núi bát… mà chị ngán ngại ánh mắt và cách nói chuyện của bố mẹ chồng, hai cô em chồng ban đầu còn ngại, giờ cũng hùa vào cho rằng chị là thứ nằm dài, ăn tàn phá hại.

Chỉ cần có ai hỏi chị làm nghề gì, thì không để chị kịp trả lời, sẽ có ai đó nhanh nhảu nói hộ: "Có làm gì đâu!". Và người hỏi sẽ cười cười: “Sướng ha, được ở nhà chồng nuôi”. Rồi câu chuyện sẽ nối dài kiểu “chả biết làm gì” “làm gì cũng vụng”… Nhiều lúc chị tự hỏi, bảy tám năm trời có chừng đó câu mà nói mãi họ không chán sao?

Mẹ chị có một gian hàng ngoài chợ bán đồ khô, từ nhỏ chị đã phụ bà buôn bán. Dân chợ nhưng bà cũng cho chị học hành nào kém ai, chị ra trường đúng khi bà bệnh nặng trong khi sạp hàng đang có lượng khách ổn định và là thu nhập chính trong nhà nên chị tiếp quản luôn.

Thời gian sau bà khỏe thì chị đã quen tay quen chân, thấy buôn bán còn khá hơn đi làm nên chị vay mượn thêm mua luôn sạp bên cạnh, mở rộng mặt hàng.

Thấy buôn bán còn khá hơn đi làm nên chị vay mượn thêm mua luôn sạp bên cạnh mẹ, mở rộng mặt hàng. Ảnh minh họa

Thấy buôn bán còn khá hơn đi làm nên chị vay mượn thêm mua luôn sạp bên cạnh mẹ, mở rộng mặt hàng. Ảnh minh họa

Sau này internet phát triển, thêm mạng xã hội, chị đi học mấy lớp nữ công rồi tập tành làm mấy món thật ngon. Như món dưa muối, cà ghém, mắm cá mắm tép… chị làm không kịp bán. Cứ tưởng qua rồi thời xếp hàng tem phiếu khi xưa, nhưng với mấy món chị làm thì quả thật phải xếp hàng đợi đến lượt thật. Nhiều người phải chờ hai tuần mới mua được niêu cá chị kho, dù loại cá tươi ấy bán ê hề ngoài chợ.

Ý định đi làm công ty không biết bị ném đi từ lúc nào. Làm đâu cũng phải dùng sức mình, làm đâu cũng kiếm tiền và kiếm sự thoải mái, chị không còn ý định lôi bằng đại học ra đi tìm việc.

Chị quen rồi lấy anh cũng vì “món tủ” của sạp chị. Chị cũng vài lần ướm hỏi anh có muốn em đi làm công ty không, anh đã trả lời: "Làm đâu chả phải làm. Làm tự do như em có nhiều thời gian chăm lo gia đình con cái hơn".

Anh đã nói thế, nhưng thời gian trôi khiến anh quên, hay vì bị bên nội lời ra tiếng vào khiến anh dao động. Lần về quê này cũng vậy, thay vì nói hộ chị vài lời, thì anh chỉ cười cười như công nhận người ta đang nói đúng về chị, rằng chị đang ăn bám.

Với đồng lương viên chức lại đi làm xa, liệu anh có đủ nuôi thân? Chị bầu bì sinh con, anh đưa được mấy đồng? Đến cả căn chung cư vừa mua, có bao nhiêu tiền của anh? Nhưng anh lại im lặng, vì khi ấy anh được thỏa mãn khi tự ái đàn ông được ve vuốt, được bà con bên nội coi như người hùng, khi một mình đi làm nuôi vợ con rồi còn mua được căn hộ tiện nghi.

Lần này hẳn chị cũng cho qua như bao lần nếu không nghe được lời anh nói với các bà cô bà thím, chị cứ nghĩ bố mẹ chồng cả đời bám ruộng bám vườn, hai cô em mới quanh quẩn trong làng trong xã chưa đi đâu xa nên cạn nghĩ. Nhưng không ngờ chính anh cũng nghĩ vậy. Hóa ra bao lâu nay công sức của chị chẳng đáng giá một xu, chỉ vì chị không phải là người nhà nước?

Mà đâu phải người ta mát mẻ cạnh khóe chị, đến con gái chị cũng không được yên khi người ta khuyên anh có con gái thì phải dạy dỗ nghiêm khắc bởi con gái thường giống mẹ, mai kia lớn cũng chỉ ăn rồi chờ nuôi, vì mẹ nào con nấy.

Lúc ngồi uống nước, chị mở cái bóp cầm tay và… cố tình làm rơi mảnh giấy lương của anh dưới chân bà chị họ và ngượng ngùng: “Ảnh đưa, em quên chưa cất”. Chị họ nhìn mảnh giấy, vẻ không tin: “Lương tháng cậu Tư chỉ ngần này?”

Và thay vì ở chơi hết ngày, chị lấy lý do có việc nên đưa hai con đi từ sớm. Chị tin rằng, khi bà chị họ biết thì cả nhà cũng sẽ biết nhanh chóng thôi, chị rất muốn biết khi ấy anh nói gì với cả nhà, bố mẹ chồng chị cảm giác thế nào.

Ảnh minh họa

Chị vốn nghĩ mình làm mình biết, chồng hiểu cho mình là được chứ lời thiên hạ ăn nhằm gì. Nhưng nay thì chị buộc phải “làm gì đó” chứ không thể ngồi im khi chồng mình coi thường mình.

Chị không muốn hơn thua với người lạ, chị vẫn nghĩ “của chồng công vợ”, nhưng anh đã không hề nghĩ cho chị. Ngồi trên xe trở về, chị nghĩ mình sẽ tha thứ chỉ cần anh thay đổi, nhưng cũng phải một lần nghiêm túc cho ra ngô ra khoai. Càng nhịn cho yên chuyện thì chị càng bị coi thường, nhất là ở chỗ đông người khi đang cỗ bàn giỗ chạp. Chị kiểm tra điện thoại, còn rất nhiều pin, chị đang chờ cuộc gọi của anh…

Theo phunuonline

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gia-dinh/chuyen-nha/thu-nhap-hon-chong-van-bi-coi-la-an-bam-259070.html