Thu nhập 'đáng mơ' của nông dân Thạch Thất

Thạch Thất (thành phố Hà Nội) vừa được công nhận đạt huyện nông thôn mới (NTM).

10 năm qua, kể từ khi bắt tay xây dựng NTM huyện đã huy động nguồn vốn là 4.994.630 triệu đồng. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng đời sống của người dân đều có những bước tiến đáng kể. Tính ra, năm 2020 thu nhập của nông dân Thạch Thất đã đạt 70 triệu đồng/người/năm, tăng 56,9 triệu đồng so với năm 2010, thuộc vào tốp cao của thành phố.

Năm 2010, khi bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 14,75% thì đến năm 2020 giảm xuống chỉ còn 0,27%. Huyện có 10 làng được thành phố công nhận làng nghề truyền thống, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp công nhận nhãn hiệu tập thể cho 5 sản phẩm gồm chè lam Thạch Xá, mộc Chàng Sơn, chè kho Đại Đồng, cơ kim khí Phùng Xá, mộc, xây dựng nhà kẻ truyền Hương Ngải.

Có được kết quả đó ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, thành phố, địa phương và nguồn vốn đóng góp của nhân dân thì các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn huyện cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM với tổng dư nợ đến hết năm 2020 trên 6.598.101 triệu đồng.

Với phương châm “đi tắt đón đầu”, huyện đã tổ chức nhiều buổi giao lưu, làm việc với các viện, trung tâm nghiên cứu nhằm xây dựng định hướng, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu trước mắt và lâu dài đối với từng vùng. Hiện vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 690ha tại các xã như Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải; Vùng sản xuất rau an toàn quy mô 285ha tại các xã như Tiến Xuân, Phú Kim, Hương Ngải, Đồng Trúc, Hạ Bằng… Ngoài ra, toàn huyện có 121 mô hình chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp đã được phê duyệt với diện tích 74,7ha và 314ha từ đất trồng lúa, trồng cây màu sang trồng cây ăn quả và rau hoa các loại. Trong đó, 1.074ha cây ăn quả cho thu nhập từ 350 - 500 triệu đồng/ha/năm.

Trong chăn nuôi, huyện tập trung theo hướng trang trại, gia trại và xa khu dân cư với quy mô vừa và nhỏ đảm bảo an toàn dịch bệnh. 139 trang trại chăn nuôi tập trung theo quy hoạch, đặc biệt là mô hình lợn rừng kết hợp với trồng rau hữu cơ dưới tán rừng ở xã Yên Bình cho thu nhập kinh tế cao. Tổng đàn gia súc, gia cầm duy trì ổn định với trâu bò 8.450 con, lợn 102.965 con, gia cầm 1.890.000 con. Tiếp tục quản lý, duy trì nuôi trồng thủy sản trên diện tích 520ha mặt nước hiện có.

Không chỉ mở rộng về số lượng, quy hoạch thành các vùng hiệu quả, huyện còn chú trọng nâng cao chất lượng rau an toàn bằng cách trích 1,6 tỷ đồng mua thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học cho vùng sản xuất rau và xử lý chất thải cho vùng chăn nuôi. Đến hết năm 2020 trên địa bàn đã có 5 mô hình ứng dụng công nghệ cao, điển hình như nuôi lợn rừng (quy mô trên 10.000 con), trồng rau hữu cơ, rau bản địa dưới tán rừng diện tích 12ha ở xã Yên Bình, 15ha ở xã Yên Trung; Trồng nấm đông trùng hạ thảo, linh chi, 12ha hoa ở xã Đại Đồng; Nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái ở xã Tiến Xuân...

Sản xuất theo chuỗi có 6 mô hình như: Sản xuất 10ha rau an toàn và trồng 15ha khoai tây vụ xuân làm giống của HTX nông nghiệp Hương Ngải; Nuôi lợn hương quy mô 50 con lợn nái, duy trì 300 con thương phẩm ở xã Bình Yên; Sản xuất rau, đu đủ tại xã Dị Nậu; Lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích 30ha của các xã Chàng Sơn, Lại Thượng, Bình Phú, Phú Kim, Kim Quan… Tất cả đều cho thu nhập từ 333 - 445 triệu đồng/ha/năm. Đời sống của người nông dân nhờ đó đã có những chuyển biến tích cực.

Có thể nói rằng, NTM đã thổi ngọn gió mát lành đến cho người nông dân Thạch Thất.

Ngọc Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thu-nhap-dang-mo-cua-nong-dan-thach-that-5640531.html