Thu nhập cao từ chưng cất tinh dầu sả

Hiện nay, nhiều gia đình ở các huyện nghèo của tỉnh Đắk Lắk đã và đang tận dụng diện tích đất cằn cỗi, đồi núi để trồng sả. Cây sả bước đầu góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống bà con.

Những năm gần đây, sản phẩm tinh dầu nói chung và tinh dầu sả nói riêng được thị trường tiêu thụ ưa chuộng, trong khi ở Tây Nguyên, diện tích trồng cây sả ngày càng tăng cao. Trong đó, Đắk Lắk là địa phương có điều kiện đất đai thổ nhưỡng tốt, rất thuận lợi cho cây sả sinh trưởng, phát triển. Cây sả được trồng rộng khắp ở tất cả các huyện: M’Đrắk, Ea Kar, Buôn Đôn, Ea Súp… Nắm bắt được nguồn nguyên liệu lớn này, nhiều cá nhân, tổ chức từ các tỉnh khác như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… đã lên Đắk Lắk hành nghề chưng cất tinh dầu sả.

Hệ thống chưng cất tinh dầu sả của một cơ sở ở thôn Ea M'tha, xã Ea Nuool, huyện Buôn Đôn

Hệ thống chưng cất tinh dầu sả của một cơ sở ở thôn Ea M'tha, xã Ea Nuool, huyện Buôn Đôn

Theo tính toán của những người nấu tinh dầu sả, trung bình một tấn lá sả sẽ nấu được 1,8 đến 2 lít tinh dầu. Với giá bán 1 triệu đồng/lít tinh dầu, sau khi trừ hết các chi phí các cơ sở nấu tinh dầu thu về từ 10 đến 12 triệu đồng/ngày.

Là người được mướn làm công cho một cơ sở nấu tinh dầu sả tại thôn Ea Mtha, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện tại lá sả được các cơ sở chưng cất tinh dầu thu mua với giá 500 đồng/kg. Trung bình hàng ngày, mỗi cơ sở mua khoảng 5 đến 7 tấn lá sả. Lá sả được lựa chọn phải tươi, đủ tiêu chuẩn, không cắt lá sả quá già hoặc quá non để đảm bảo sả cho lượng tinh dầu thành phẩm nhiều nhất. Tiếp đến, lá sả được phơi héo đến độ ẩm còn 50% so với ban đầu. Khi đưa nguyên liệu đã phơi khô vào nồi cất sẽ có các khay chứa. Sau khoảng thời gian 2,5 - 3 giờ, lượng tinh dầu thành phẩm sẽ bay hơi cùng với nước qua ống dẫn hơi và đến bồn làm lạnh ngưng tụ, cần khống chế nhiệt độ nước làm lạnh. Hỗn hợp tinh dầu và nước sẽ được tách ra bằng thiết bị phân ly. Sau khi tách tinh dầu và nước bằng thiết bị phân ly, nước chưng còn lại sẽ được đưa vào bể xử lý để tách tinh dầu. Tinh dầu thu được sẽ đem sấy khô và bảo quản trong bình kín. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại sản phẩm tinh dầu sả của cơ sở này sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó.

Không chỉ vậy, bà con còn tập trung chưng cất loại sả java hàng ngày cũng kiếm được lợi nhuận kinh tế cao. Theo tính toán trung bình 1 héc-ta sả java nấu được khoảng 3 nồi và mỗi nồi bình quân được 13 - 15 lít tinh dầu sả java. Mỗi lít tinh dầu này bán được trên 300.000 đồng, sau khi trừ hết chi phí mỗi ngày các cơ sở nấu loại tinh dầu này thu về hàng chục triệu đồng.

Cây sả thích hợp với vùng đất gò đồi

Đây là một nghề mới, dễ thực hiện bởi trồng sả đầu tư không đáng kể, cây sả chịu được nắng hạn gay gắt ở vùng gò đồi, rất phù hợp với các tỉnh Tây Nguyên. Ở Đắk Lắk nhiều địa phương có diện tích đất cằn sỏi đá, không phù hợp với các cây trồng khác, đặc biệt trong hoàn cảnh giá các loại cây như tiêu, cà phê, cao su… giảm mạnh. Việc trồng sả cũng như sản xuất tinh dầu từ cây sả mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con nông dân có thêm thu nhập, từng bước ổn định đời sống.

Có thể thấy, mô hình trồng sả và sản xuất tinh dầu sả hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, không chỉ giúp bà con nông dân vươn lên thoát nghèo mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở nhiều địa phương ở Đắk Lắk, nhất là trong tình hình giá cả các loại cây công nghiệp xuống thấp như hiện nay.

Tinh dầu sả được biết đến với công dụng chữa một số bệnh như cảm lạnh, đau bụng do lạnh… và là một trong những công cụ xua đuổi muỗi hiệu quả, góp phần tích cực trong việc phòng chống sốt xuất huyết, đặc biệt là ở trẻ em.

Bá Thăng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-nhap-cao-tu-chung-cat-tinh-dau-sa-120663.html