Thu nhập cao từ chưng cất tinh dầu sả

Những năm gần đây, sản phẩm tinh dầu nói chung và tinh dầu sả nói riêng ngày càng được thị trường tiêu thụ ưa chuộng, trong khi ở Tây Nguyên, diện tích trồng cây sả ngày càng tăng cao. Đây chính là nguyên nhân khiến nghề trưng cất tinh dầu sả tại đây đang trở thành nghề 'ăn nên làm ra', mang lại thu nhập kinh tế cao.

Hệ thống chưng cất tinh dầu sả của một cơ sở ở thôn Ea M’tha, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn. Ảnh: Bá Thăng

Hệ thống chưng cất tinh dầu sả của một cơ sở ở thôn Ea M’tha, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn. Ảnh: Bá Thăng

Đắk Lắk là địa phương có điều kiện đất đai thổ nhưỡng tốt, rất thuận lợi cho cây sả sinh trưởng, phát triển. Cây sả được trồng rộng khắp ở tất cả các huyện như M,Đrắk, Ea Kar, Buôn Đôn, Ea Súp... Nắm bắt được nguồn nguyên liệu lớn này, nhiều cá nhân, tổ chức từ các tỉnh khác như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... đã “khăn gói” lên Đắk Lắk hành nghề chưng cất tinh dầu sả.

Theo tính toán của những người nấu tinh dầu sả, trung bình một tấn lá sả sẽ nấu được 1,8 đến 2 lít tinh dầu. Với giá bán từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/lít tinh dầu, sau khi trừ hết các chi phí, các cơ sở nấu tinh dầu thu về từ 10 đến 12 triệu đồng/ngày. Là người được mướn làm công cho một cơ sở nấu tinh dầu sả tại thôn Ea Mtha, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: Nhiên liệu nấu tinh dầu sả chủ yếu là lá sả, trước khi đưa vào nấu cần loại bỏ hết các tạp chất, cỏ rác rồi mang phơi cho héo, sau đó cho vào nồi nấu theo tỷ lệ 200kg/m3. Trung bình một nồi nấu khoảng 1 tấn lá sả, chưng cất trong khoảng 3 giờ, kết quả thu về khoảng 2 lít tinh dầu sả. Trung bình giá mỗi lít tinh dầu sả từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng. Mỗi ngày, cơ sở nấu khoảng 8 đến 10 lít tinh dầu.

Ông Hùng cho biết thêm, hiện tại, lá sả được các cơ sở chưng cất tinh dầu thu mua với giá 500 đồng/kg, trung bình hằng ngày, mỗi cơ sở mua khoảng 5 đến 7 tấn lá sả. Lá sả được lựa chọn phải tươi, đủ tiêu chuẩn, không quá già hoặc quá non để đảm bảo cho lượng tinh dầu thành phẩm nhiều nhất. Tiếp đến, lá sả được phơi héo đến độ ẩm còn 50% so với ban đầu. Khi đưa nguyên liệu đã phơi héo vào nồi cất sẽ có các khay chứa.

Sau khoảng 2,5 - 3 giờ, lượng tinh dầu thành phẩm sẽ bay hơi cùng với nước qua ống dẫn hơi và đến bồn làm lạnh ngưng tụ, cần khống chế nhiệt độ nước làm lạnh. Hỗn hợp tinh dầu và nước sẽ được tách ra bằng thiết bị phân ly. Sau nước chưng còn lại sẽ được đưa vào bể xử lý để tách tinh dầu. Tinh dầu thu được sẽ đem sấy khô và bảo quản trong bình kín. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại, sản phẩm tinh dầu sả của cơ sở này sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó.

Không chỉ vậy, người ta còn tập trung chưng cất loại sả java hằng ngày cũng kiếm được lợi nhuận cao. Theo tính toán, trung bình 1ha sả java nấu được khoảng 3 nồi và mỗi nồi bình quân được 13 - 15 lít tinh dầu. Mỗi lít tinh dầu này bán được trên 300 nghìn đồng, sau khi trừ hết chi phí, mỗi ngày các cơ sở nấu tinh dầu sả java thu về hàng chục triệu đồng.

Đây là một nghề mới, dễ thực hiện bởi trồng sả đầu tư không đáng kể, cây sả chịu được nắng hạn gay gắt ở vùng gò đồi, rất phù hợp ở Tây Nguyên. Ở Đắk Lắk, nhiều địa phương có diện tích đất cằn sỏi đá, không phù hợp với các cây trồng khác, đặc biệt trong hoàn cảnh các loại cây như tiêu, cà phê, cao su... lại rớt giá mạnh. Việc trồng sả cũng như sản xuất tinh dầu từ cây sả mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con nông dân có thêm thu nhập, từng bước ổn định đời sống.

Bà Lê Thị Hoãn, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn cho biết: “Đầu tư trồng sả kinh phí ít, thời gian thu hoạch lại nhanh và kéo dài, khả năng chống chịu tốt nên hiệu quả từ trồng sả cao gấp nhiều lần so với các loại cây ngắn ngày khác. Nhà tôi có 5 sào đất đầu tư trồng sả chanh, hàng năm lợi nhuận thu được từ lá và củ dao động từ 50-60 triệu đồng”.

Không chỉ gia đình bà Hoãn, mà hiện nay, nhiều gia đình ở các huyện nghèo của tỉnh Đắk Lắk cũng đã và đang tận dụng diện tích cằn cỗi, đồi núi để trồng sả. Có thể thấy, mô hình trồng sả và sản xuất tinh dầu sả hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ giúp nông dân vươn lên thoát nghèo, mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Đắk Lắk, nhất là trong tình hình giá cả các loại cây công nghiệp xuống thấp như hiện nay.

Bá Thăng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thu-nhap-cao-tu-chung-cat-tinh-dau-sa/