Thu nhập bình quân đầu người tỉnh Quảng Nam đạt hơn 61 triệu

Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) đạt 68.100 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người hơn 61 triệu/năm; 100% huyện, thị xã, thành phố, Sở, ngành thuộc UBND tỉnh đã triển khai thủ tục hành chính theo cơ chế 'một cửa'.

Đây là các kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 được nêu ra tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Quảng Nam (khóa IX) tổ chức ngày 04/12/2018.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực nông - lâm - thủy sản còn 12%, khu vực công nghiệp và xây dựng, thương mại - dịch vụ 88%. GRDP bình quân hơn 61 triệu đồng/người. Hoạt động du lịch tăng trưởng khá, tổng lượt khách tham quan, lưu trú trên 6,5 triệu lượt, tăng 21,5%.

Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hơn 21.745 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 17.274 tỷ đồng, tăng 11,6% so với dự toán. Thu xuất nhập khẩu hơn 4.470 tỷ đồng, tăng 6,4% dự toán. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương hơn 18.917 tỷ đồng (tăng 7% so với dự toán), trong đó chi thường xuyên 11.740 tỷ đồng (tăng 2% dự toán), chi đầu tư phát triển 4.420 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động năm 2018 gần 48.970 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm.

Tiếp tục triển khai thực hiện ba nhiệm vụ đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư giai đoạn 2016-2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2018 hơn 26.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước và chiếm 29% GRDP.

Khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đó là thu ngân sách mặc dù vượt dự toán, tuy nhiên ngành sản xuất, lắp ráp ô tô đóng góp nguồn thu lớn cho tỉnh phải chịu cạnh tranh khốc liệt với thị trường trong và ngoài nước, chính sách thuế thay đổi nên biến động và thiếu ổn định.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quang - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng hơn 10% và chiếm 29% GRDP, đạt kế hoạch đề ra. Trong năm qua, bên cạnh nhiều công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sạch, vệ sinh môi trường, giáo dục, y tế … được đầu tư; một số dự án trọng điểm được khánh thành đưa vào sử dụng như: cầu Đế Võng và đường dẫn phía Bắc cầu Cửa Đại nối mạch thông suốt tuyến đường ven biển 129 từ Tam Kỳ đi Đà Nẵng; đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; khu vui chơi nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Nam Hội An; dự án nút giao thông vòng xuyến 2 tầng giữa Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam với đường trục chính từ cảng Chu Lai đến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi rất có ý nghĩa, tạo diện mạo hạ tầng giao thông hiện đại cho khu vực phía Nam của tỉnh.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo, chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững. Đến ngày 30/11/2018, có 6.397 hộ thoát nghèo, tỷ lệ 1,65%.

Đến nay, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) là 13,51 tiêu chí/xã, tăng 0,4 tiêu chí/xã so với năm 2017, trong đó các xã miền núi bình quân đạt 10,02 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 5 tiêu chí, đến cuối năm 2018, có thêm 14 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 86, đạt tỷ lệ 42,15%.

Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường, đặc biệt là ở các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, khu du lịch, Quảng Nam cũng hoàn thành 02 nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp Đông Quế Sơn và khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải; nâng số khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải lên 06/07.

Tỉnh cũng tập trung giải quyết hồ sơ chế độ chính sách tồn đọng, công tác phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công. Thống kế cho thấy đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hoàn thành 25.971 ngôi nhà, đang xây dựng 1.220 nhà theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đạt tỷ lệ hơn 92,4% so với kế hoạch.

Kỳ họp thứ 9, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa IX diễn ra trong các ngày 04-07/12/2018.

(Ảnh: Thanh Lan)

Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, 100% các huyện, thị xã, thành phố, Sở, ngành thuộc UBND tỉnh đã triển khai thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”. Ba trung tâm hành chính công cấp huyện (thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An và thị xã Điện Bàn) hoạt động đạt kết quả tích cực; nỗ lực hoàn chỉnh phương án thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo Nghị định 61/2018/NĐ-CP; tiếp tục thực hiện 3 giảm (thủ tục, thời gian và chi phí); cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, tiến hành tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Doanh thu bình quân hàng năm mỗi HTX khoảng 2,5 tỷ đồng; lãi bình quân khoảng 123 triệu đồng/năm.

Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 03 năm gần đây đều nằm trong top 10 địa phương chỉ số tốt. Thành lập mới hơn 1.200 doanh nghiệp, nâng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên gần 6.700.

Từ đầu năm đến nay đã cấp mới 26 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 300,8 triệu USD, tăng 09 dự án so với năm 2017; nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn lên 169 dự án, với tổng vốn đăng ký 5,8 tỷ USD. Cấp phép 64 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 6.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, các dự án du lịch ven biển và các cụm, khu công nghiệp tại các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, và Điện Bàn.

Báo cáo cũng chỉ rõ, năm 2018, có 12/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; tăng trưởng kinh tế ở một số ngành, lĩnh vực tiếp tục chuyển biến tích cực; công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được chú trọng; trật tự an toàn xã hội đảm bảo; tạo tiền đề thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 theo Nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi, có thể kể ra như thu hút đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục về đất đai, cơ chế chính sách, tiếp cận vốn...

Dù quyết liệt trong chỉ đạo và điều hành, song tình hình vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, khoáng sản vẫn còn xảy ra. Một số vụ khai thác cát trái phép trên biển, sông, bến bãi tuy đã được ngăn chặn, xử lý kịp thời nhưng còn tiềm ẩn tái phát. Một số khu vực vẫn còn ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Việc xử lý đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường chưa kịp thời.

Nguồn lực đầu tư cho giáo dục được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, vẫn còn nhiều trường lớp xuống cấp, thiếu dụng cụ học tập, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng khó khăn.

Công tác phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số thời điểm và một số địa bàn. Xuất hiện một số ổ, nhóm tội phạm trộm cắp tài sản, cho vay nặng lãi, tổ chức đánh bạc hoạt động có tính chất chuyên nghiệp như đánh bạc trên mạng Internet, diễn ra thời gian dài trên địa bàn liên huyện, liên tỉnh.

Một số địa phương chưa làm tốt công tác đối thoại, giải quyết đơn thư của tổ chức và công dân ở cơ sở; công tác tham mưu giải quyết khiếu nại vẫn còn một số vụ việc kéo dài thời gian, nhất là đơn thư khiếu nại về lĩnh vực đất đai, liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng./.

Anh Tuấn

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/-thu-nhap-binh-quan-dau-nguoi-tinh-quang-nam-dat-hon-61-trieu-507051.html