Thu nhập bình quân của người nông dân tăng gần 3 lần

Thông tin trên được ông Vũ Duy Tuấn, Phó GĐ Sở Kế hoạch-đầu tư Hà Nội công bố tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 24-7.

Thông tin về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính, ông Vũ Duy Tuấn cho biết: Sau 10 năm không gian sản xuất kinh doanh được mở rộng, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, đạt trung bình 7,41%/năm (cách tính cũ là 9,51%), nhiều chỉ tiêu tăng gấp từ 2-3 lần: GRDP/người tăng 2,3 lần; thu ngân sách trên địa bàn tăng 2,93 lần; thu nhập bình quân/người/năm của nông dân tăng 2,92 lần. Nếu như đến tháng 12-2008 bình quân thu nhập của nông dân là 13 triệu đồng/người/năm thì đến tháng 12-2017 tỷ lệ này đạt 39 triệu đồng/người/năm.

Cùng với việc tăng thu nhập thì tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội cũng giảm rõ rệt (giảm 6,74 điểm%-chuẩn đa chiều). Hết năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo tại Hà Nội là 8,43%; đến hết năm 2017 tỷ lệ này giảm còn 1,69%; Hà Nội không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Với những kết quả đó, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí đầu tàu, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế cả nước.

Người trồng hoa ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh đã có thu nhập cao gấp 2-2,5 lần so với thời điểm trước năm 2008. Ảnh: V.H

Bên cạnh đó, giá trị văn hóa truyền thống và những phong tục tập quán tốt đẹp của văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài ngày càng được duy trì và phát huy, lan tỏa. Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội được tổ chức thành công, tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của Thăng Long-Hà Nội, tạo ấn tượng tốt trong nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

TP hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 8.589 ngôi nhà cho người có công với cách mạng; tiếp tục hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 4.046 hộ nghèo năm 2018. Ban hành và thực hiện các kế hoạch riêng về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Ngay sau hợp nhất, TP đã quan tâm thực hiện cấp điện cho các địa bàn chưa được dùng điện lưới; sửa chữa, cải tạo 5.523 phòng học nhờ, học tạm, phòng học xuống cấp. Cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư chuẩn hóa, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đến nay đạt 62%.

Đồng thời, nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các BV Trung ương và khu vực được đưa vào sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, quản lý đô thị, dịch vụ hành chính công được đẩy mạnh.

Không gian đô thị phát triển theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tạo nên diện mạo mới sau 10 năm phát triển. Ngay khi hợp nhất, TP đã tổ chức rà soát 642 đồ án, dự án trên địa bàn mở rộng, kiến nghị cho phép tiếp tục triển khai 329 đồ án, dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch Hà Nội mở rộng, đề xuất dừng, giãn và hoãn, chuyển đổi mục đích đầu tư các dự án không phù hợp quy hoạch.

Đến nay đã phê duyệt 57/68 đồ án quy hoạch chung và phân khu; 136 đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị, hai bên tuyến đường, các dự án hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị. Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô sau 10 năm phát triển.

Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ khép kín. Trong 10 năm qua đã hoàn thành 223 km đường xây mới; nhiều công trình ghi dấu ấn 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đã hoàn thành 9 cầu vượt nhẹ trực thông tại các nút giao thông phức tạp, thường xuyên xảy ra ùn, tắc…

Cùng đó, xây dựng và quản lý đô thị, vệ sinh môi trường được thực hiện với cách làm mới sáng tạo, hiệu quả như: Chương trình trồng 1 triệu cây xanh, cấp nước sạch nông thôn chiếu sáng đô thị-nông thôn, cải tạo hồ nước,... Hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến nay đạt 76,2%-dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ mặt đô thị, nông thôn đã có nhiều thay đổi, tạo diện mạo mới cho Thủ đô.

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, có nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển mạnh các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, sinh thái, sạch, công nghệ cao. Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường xuất khẩu hàng hóa và xuất khẩu dịch vụ tại chỗ.

Phát triển văn hóa xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến. Xây dựng các điểm vui chơi, giải trí gắn với thu hút khách du lịch. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các trường chất lượng cao ở tất cả các bậc học, cấp học. Hình thành và phát triển các đô thị ĐH theo quy hoạch (Hòa Lạc), các trường ĐH trọng điểm, các cụm trường ĐH, CĐ, dạy nghề tại các đô thị vệ tinh.

Khoảng 2.500 đại biểu tham dự lễ kỷ niệm

Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó GĐ Sở Văn hóa-thể thao Hà Nội cho biết: Ngày 28-7, TP Hà Nội sẽ tổ chức lễ mít-tinh trọng thể kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội. Lễ kỷ niệm là hoạt động trọng tâm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH 12, góp phần tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô về tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn, lâu dài của chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính đối với việc nâng cao thế và lực, xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng đẹp, văn minh và hiện đại.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/thu-nhap-binh-quan-cua-nguoi-nong-dan-tang-gan-3-lan-119286.html