Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số chỉ bằng 40% so với người Kinh

Ngày 21.11, Ủy ban dân tộc (UBDT) và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã công bố kết quả khảo sát về tình hình kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số tại Việt Nam qua lăng kính giới.

Hội thảo công bố kết quả phân tích số liệu về phụ nữ và nam giới của các dân tộc Việt Nam dựa trên kết quả khảo sát quốc gia năm 2015 về tình hình kinh tế xã hội của 53 dân tộc tại Việt Nam thông qua lăng kính giới.

Kết quả từ cuộc khảo sát quốc gia năm 2015 về tình hình kinh tế - xã hội của 53 DTTS tại Việt Nam cho thấy khoảng cách giới trong các nhóm DTTS và giữa các nhóm DTTS với dân tộc Kinh còn lớn và tồn tại dai dẳng trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và phụ nữ DTTS cũng là nhóm bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương.

Theo đó, đặc điểm nổi bật của người dân tộc thiểu số là họ tham gia làm việc từ độ tuổi rất trẻ và hầu hết người DTTS trong độ tuổi lao động đều làm việc, điều này thể hiện ở tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2015 đạt tới 87,55%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của người Kinh là 74,92%.

Cơ cấu việc làm của người DTTS vẫn khá lạc hậu, phần lớn gắn với nông nghiệp và lâm nghiệp. Hầu hết người DTTS làm việc và họ chấp nhận công việc nặng nhọc, thu nhập thấp. Cũng vì vậy, tỷ lệ thất nghiệp của họ rất thấp so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước. Các nhóm dân tộc có tỷ trọng làm việc trong nông nghiệp càng cao thì tỷ lệ thất nghiệp càng thấp, thậm chí không có người thất nghiệp.

Về thu nhập, vẫn tồn tại khoảng cách thu nhập giữa hộ gia đình DTTS và người Kinh, giữa chủ hộ là nữ và nam, giữa hộ gia đình DTTS thành thị - nông thôn, các vùng kinh tế - xã hội.

Cụ thể, thu nhập bình quân 1 nhân khẩu/tháng của hộ gia đình DTTS năm 2015 là 1,16 triệu đồng, chỉ tương đương với 45% mức bình quân chung của cả nước là 2,6 triệu đồng/người/tháng và bằng 41% mức bình quân của người Kinh.

Từ những thực tế này, bà Elisa Fernandez, Trưởng văn phòng UN Women Việt Nam cho rằng, việc lồng ghép phát triển DTTS trong hoạch định chiến lược quốc gia không thể thực hiện nếu không có sự hiểu biết rõ ràng về các vấn đề giới ở các vùng DTTS ở Việt Nam. Đáp ứng được các nhu cầu giới phải được xem là một phần quan trọng của chính sách dân tộc.

Để làm được điều này, cần tăng cường các nguồn lực và thông qua mục tiêu cụ thể có trách nhiệm giới. Đồng thời, xây dựng một hệ thống số liệu phân tách giới tính theo nhóm tuổi và dân tộc nhằm xác định nhu cầu và tình trạng kinh tế - xã hội của phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số hiệu quả hơn.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ DTTS (UBDT) về vấn đề này UBDT đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới, hiện đã trình Chính phủ xem xét và dự kiến ban hành trong thời gian tới.

PV

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/thu-nhap-binh-quan-cua-nguoi-dan-toc-thieu-so-chi-bang-40-so-voi-nguoi-kinh-577340.ldo