Thứ người Việt lợp mái, nuôi hàu - nguyên nhân hàng đầu gây ung thư

Thông tin trên cũng chính là cảnh báo được đưa ra tại 'Hội nghị thường niên năm 2018 của Mạng lưới dừng sử dụng Amiang Đông Nam Á' vừa được tổ chức sáng nay (13.9) tại Hà Nội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cung cấp một khối lượng thông tin 'khổng lồ' về amiang – chất liệu đang được sử dụng rất nhiều tại Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác.

Hội nghị thường niên của Mạng lưới dừng sử dụng amiang Đông Nam Á bàn cách loại bỏ và chấm dứt hoàn toàn amiang ở nhiều quốc gia. Ảnh: TTXVN

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã tuyên bố amiang là chất gây ung thư, nhất là ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, ung thư trung biểu mô và bệnh bụi phổi amiang trong suốt thập kỷ qua.

Năm 2004, WHO ước lượng có trên 100.000 người chết mỗi năm do tiếp xúc với amiang, gần đây, Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBDS) ước tính số lượng người chết do amiang là 220.000 mỗi năm. Nghiên cứu này cũng chỉ ra tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 2.000 người chết do amiang trắng.

Trên thế giới đã có 64 nước cấm sử dụng amiang trắng, còn ở Việt Nam, ngày 1.1.2018 Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Nghị quyết số 01/NQ-CP trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng “Xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiang trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiang từ năm 2023”.

Dù độc hại nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn viện đủ lý do để tiếp tục sản xuất các tấm lợp fibroximang có chứa amiang. Ảnh: IT

Tuy nhiên, ông Hoàng Xuân Lương – Chủ tịch Nhóm Hành động vì Công lý, Sức khỏe và Môi trường cho biết một số nhóm lợi ích đã tìm mọi cách để kéo dài thời gian thực hiện, khiến amiang vẫn được sử dụng nhiều trong các sản phẩm công nghiệp, nhất là sản phẩm tấm lợp fibroximang tại Việt Nam.

Amiang là loại khoáng chất silicat dạng sợi, có tính năng như độ bền cơ học, độ bền hóa chất, chịu nhiệt, chịu ma sát, cách điện, cách âm tốt… nên đã được sử dụng từ hàng trăm năm trước trong nhiều sản phẩm công nghiệp, nhiều nhất là tấm lợp fibroximang.

Một sự thật đau lòng là hơn 95% tấm lợp amiang đều được đẩy lên vùng dân tộc, miền núi, một vùng căn cứ địa chiến lược Quốc gia, nơi tập trung đồng bào các dân tộc thiểu số. Với bản chất thật thà, trung thành, đồng bào cứ thấy sản phẩm nào đã được Nhà nước cho lưu hành là tin tưởng sử dụng.

“Họ không hề biết sản phẩm tấm lợp có chứa amiang và hàng triệu tấm lợp mấy chục năm qua đang gãy nát, trôi nổi trên các khe suối, trên các con đường cheo leo chính là nguyên nhân hủy hoại môi trường sống mà người dân và con em họ đang sống hàng ngày” – ông Lương nhấn mạnh.

Vì những lý do trên mà mục đích lớn lao nhất của Hội nghị lần này là nhằm tìm kiếm các giải pháp để quyết tâm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc ngừng sử dụng amiang trắng từ năm 2023; đồng thời thiết lập mạng lưới toàn cầu về các hoạt động tiến tới dừng sử dụng amiang trắng; góp phần hướng tới bổ sung các nội dung của công ước Rotterdam, làm cho việc dừng sử dụng amiang trắng trở thành hành động của toàn nhân loại.

Hầu hết các công trình ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều sử dụng tấm lợp chưa amiang để làm mái. Ảnh: TTXVN

Ông Sugio Furuya – Điều phối viên Mạng lưới dừng amiang châu Á nhấn mạnh: “Nhật Bản đã hoàn thành việc cấm toàn diện amiang từ năm 2012. Và một trong những kinh nghiệm rất hữu ích để Nhật Bản đạt được điều này chính là đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đến người dân tác hại vô cùng khôn lường của amiang cũng như tuyên truyền về các vật liệu thay thế phù hợp, ổn định”.

Đồng thời, ông cũng chia sẻ sự khó khăn khi thực hiện dừng hoàn toàn việc sử dụng amiang ở Nhật Bản, ông nói: “Tại Nhật Bản, một dự luật để loại bỏ amiang đã được đề xuất từ năm 1992 nhưng bị từ chối mà không có sự cân nhắc. Tuy nhiên, việc hỗ trợ rộng rãi cho lệnh cấm này đã tăng lên, phần lớn là do hoạt động của các tổ chức công đoàn và xã hội dân sự trong việc liên minh, nâng cao nhận thức, tổ chức nạn nhân amiang và gia đình họ, và tuyên truyền thông tin về phát triển quốc tế”.

Những mái nhà lợp fibroximang đã trở nên quen thuộc ở nhiều vùng núi. Ảnh: IT

Ông Shane McCardle – Giám đốc Cơ quan An toàn và Loại trừ amiang Australia thông tin: “Mỗi năm Australia có 4.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến amiang, cao hơn nhiều so với các ca tử vong vì tai nạn giao thông. Trung bình có 700 ca tử vong mỗi năm do ung thư trung biểu mô (do phơi nhiễm amiang) – hơn 700 ca được chuẩn đoán bị ung thư trung biểu mô”.

Hiểu rõ tác hại từ amiang, Chính phủ Australia đã cấm nhập khẩu amiang từ năm 2003, đồng thời có những động thái quyết liệt nhằm loại bỏ và chấm dứt việc sử dụng amiang trong cộng đồng. Đó là: Chính phủ mua và phá hủy hơn 1.000 ngôi nhà do ô nhiễm từ tấm lợp mái có phần cách nhiệt có chứa amiang, kiểm tra miễn phí các ngôi nhà sử dụng tấm lợp này, đồng thời lên chương trình cụ thể loại bỏ toàn bộ tấm lợp amiang khỏi cuộc sống của người dân…

Lắng nghe những kinh nghiệm, chia sẻ của các đại biểu, ông Phan Văn Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh: “Đây là những bài học rất ý nghĩa, giúp Việt Nam cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác hoàn thiện chính sách nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng hợp chất độc hại amiang”.

Nguyễn Tố

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/moi-truong-xanh/thu-nguoi-viet-lop-mai-nuoi-hau-nguyen-nhan-hang-dau-gay-ung-thu-912479.html