Thử nghiệm xử lý nước thải bằng thực vật

Muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp sản xuất không chỉ chú ý tới lợi nhuận mà phải luôn coi trọng yếu tố môi trường, quan tâm tới đời sống cộng đồng dân cư nơi ảnh hưởng bởi dự án... Thời gian qua, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo) - Masan Tài nguyên là một trong những doanh nghiệp làm tốt các vấn đề này, được các cấp, bộ, ngành cũng như người dân ghi nhận.

Công nhân Công ty Núi Pháo trồng thử nghiệm cây Thủy trúc trên bè nổi.

Công nhân Công ty Núi Pháo trồng thử nghiệm cây Thủy trúc trên bè nổi.

Công ty không chỉ áp dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến trong xử lý nguồn nước, tiếng ồn, khói bụi... mà còn tích cực nghiên cứu, thử nghiệm các phương pháp giảm thiểu tác động, thân thiện với con người và môi trường. Một trong những phương pháp đó là xử lý nước thải bằng thực vật.

Là một trong những đơn vị có hoạt động xả nước thải với lưu lượng lớn (trung bình khoảng 18.000m3/ngày đêm), thời gian qua Công ty Núi Pháo luôn quan tâm tới việc xử lý nước thải đạt quy chuẩn chất lượng trước khi thải ra môi trường. Một trong những giải pháp được Công ty Núi Pháo lựa chọn là làm sạch, loại bỏ kim loại nặng trong nước thải bằng cây Thủy trúc. Đây là phương pháp đã được ứng dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Iran, Bồ Đào Nha...

Cây Thủy trúc (tên khoa học Cyperus alternifolius) là một loại thực vật thuộc họ cói. Cây có thân tròn cứng cáp, lá dài mỏng, bề mặt nhẵn bóng. Cây mọc theo bụi dày từ thân đến lá bao phủ một màu xanh lục. Cây sinh trưởng với tốc độ rất nhanh, đặc biệt là trong môi trường nước. Loại cây này được biết đến với tác dụng giảm độ đục, giảm mùi hôi cũng như hấp thụ kim loại nặng trong nước thải. Do đó, Công ty Núi Pháo đã sử dụng cây Thủy trúc để làm sạch nước thải cũng như cải thiện cảnh quan khu vực xả thải. Nước thải trong sản xuất được thu gom, xử lý tại Trạm xử lý nước thải tập trung với 3 giai đoạn (sinh học - hóa lý - làm sạch) trước khi xả thải ra môi trường qua cửa xả DP2. Cụ thể, nước thải của Công ty Núi Pháo được xử lý bằng sự kết hợp công nghệ sinh học và công nghệ hóa lý để xử lý. Nước thải trước tiên được xử lý bằng công nghệ sinh học (xử lý bằng vi sinh) để xử lý các hợp chất hữu cơ sau đó được xử lý bằng công nghệ hóa lý để loại bỏ Sắt, Mangan… Các bè Thủy trúc được trồng tại khu Wetland (là khu làm sạch nước cuối cùng) trước khi xả qua cửa xả DP2 ra ngoài môi trường. Chất lượng nước thải sau khi xử lý đạt quy chuẩn xả thải của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp đơn giản, chi phí xây dựng, vận hành thấp nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường luôn được Công ty Núi Pháo quan tâm và xác định đây là một trong những hướng đi hợp lý. Từ năm 2015, Công ty Núi Pháo đã bắt đầu xây dựng công trình bãi lọc bằng thực vật để cải thiện chất lượng nước thải trước khi xả ra ngoài môi trường. Giải pháp này của Công ty Núi Pháo là một mô hình xử lý nước thải thân thiện với môi trường nhờ khả năng hấp thụ và chuyển hóa nhu cầu oxy sinh học (BOD), nhu cầu oxy hóa học (COD) và các kim loại nặng khác trong nước thải của một số loại thực vật, nhằm giảm nồng độ của chúng trước khi thải ra ngoài môi trường. Ban đầu, cỏ Vetiver được lựa chọn và trồng trực tiếp xuống đất, sau đó được cải tiến bằng cách trồng trên các bè nổi cùng với cây Thủy trúc. So sánh thực tế giữa cỏ Vetiver và cây Thủy trúc khi trồng trong môi trường nước thải cho thấy, cây Thủy trúc có khả năng sinh trưởng và phát triển vượt trội so với cỏ Vetiver. Các bè Thủy trúc sinh trưởng tốt, cho sinh khối thực vật cao, hệ rễ phát triển mạnh, vừa có tác dụng lọc nước vừa tạo môi trường sống cho các loài động vật thủy sinh. Năm 2018, Công ty Núi Pháo đã dần dần thay thế toàn bộ cỏ Vetiver bằng cây Thủy trúc (được nhân giống từ thân và lá).

Mặc dù có những tác dụng không thể phủ nhận trong việc xử lý nước thải, nhưng khả năng hấp thụ kim loại nặng của cây Thủy trúc trong xử lý nước thải tại Công ty Núi Pháo chưa được nghiên cứu chuyên sâu và cụ thể. Nhằm có những kết luận chính xác, định lượng về khả năng hấp thụ kim loại nặng của cây Thủy trúc, đầu năm 2020, Công ty Núi Pháo đã hợp tác với Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội triển khai mô hình nghiên cứu thực nghiệm để đánh giá khả năng hấp thụ các kim loại nặng có trong nước thải của cây Thủy trúc tại Công ty Núi Pháo. Thí nghiệm được thực hiện trong môi trường nước thải và môi trường nước mặt nằm ngoài khu vực Nhà máy để làm kết quả đối chứng, thời gian nghiên cứu dự kiến kéo dài trong khoảng một năm. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm sẽ giúp Công ty Núi Pháo đánh giá được khả năng hấp thụ kim loại nặng của cây Thủy trúc cũng như có biện pháp quản lý phù hợp khi thu hoạch sinh khối cây. Đồng thời, có thể nhân rộng mô hình nếu khả năng hấp thụ kim loại của cây Thủy trúc luôn được duy trì và đạt hiệu quả cao. “Hiện nay, diện tích hệ thống ao, hồ trong Công ty rất lớn. Việc hợp tác với các chuyên gia, giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, xử lý nước thải của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, chúng tôi tin rằng chương trình nghiên cứu sẽ thành công và mang lại kết quả nhất định để có thể phủ kín cây Thủy trúc tại các ao hồ, làm sạch nguồn nước.”- Ông Trần Văn Tuân, Trưởng Phòng Môi trường Công ty Núi Pháo chia sẻ.

Trước những nỗ lực, cố gắng của Công ty Núi Pháo trong việc nghiên cứu, áp dụng các phương pháp tối ưu trong giảm thiểu tác động tới nguồn nước, môi trường cho thấy sự tiếp thu, cầu thị và trách nhiệm cao của Công ty trước những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh và sự phát triển bền vững của Công ty cũng như cộng đồng.

Phạm Thu

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/khoa-hoc-cn/thu-nghiem-xu-ly-nuoc-thai-bang-thuc-vat-270570-99.html