Thử nghiệm vắc-xin Covid-19: An toàn trên hết

Dù rất cần vắc-xin Covid-19 để khống chế đại dịch nhưng vấn đề an toàn luôn được đặt lên hàng đầu và dự kiến sản xuất đại trà sau tháng 5-2021

Học viện Quân y chính thức tuyển người tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc-xin NanoCovax ngừa Covid-19 trước khi tiêm mũi vắc-xin đầu tiên vào ngày 17-12.

Cần hàng ngàn người thử nghiệm

Tại lễ khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19 trên người Việt Nam diễn ra vào sáng 10-12, GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, cho biết trong giai đoạn 1, vắc-xin NanoCovax sẽ được thử nghiệm trên 60 người, tuổi từ 18-50, chia thành 3 nhóm với liều tiêm khác nhau. Dự kiến, mũi 1 sẽ được tiêm vào ngày 17-12 và sau 28 ngày sẽ tiêm tiếp mũi thứ hai. Tất cả người tình nguyện sẽ được kiểm tra y tế kỹ càng trước khi tiêm.

Nhiều người đã đăng ký tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Học viện Quân y sáng 10-12

Nhiều người đã đăng ký tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Học viện Quân y sáng 10-12

Là người đầu tiên đăng ký tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19, chị M.T (25 tuổi, quê ở Bắc Ninh) là học viên sau đại học tại Học viện Quân y chia sẻ: "Tôi tin tưởng vào công nghệ sản xuất vắc-xin của Việt Nam nên khi có thông tin, tôi đã đến đăng ký ngay. Tôi hy vọng mình sớm có miễn dịch với virus SARS-CoV-2 để thuận lợi hơn trong cuộc sống. Tôi cũng không lo ngại về các rủi ro khi thử nghiệm vì đã được tư vấn kỹ và nhóm nghiên cứu cũng đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chăm sóc sức khỏe cho người thử nghiệm". Trong khi đó, chị Đ.T.H (SN 1990, chủ một cửa tiệm tạp hóa tại TP Hà Nội) tới đăng ký tham gia thử nghiệm vắc-xin với niềm tin vào sự thành công của vắc-xin Covid-19 của Việt Nam và mong muốn đủ tiêu chuẩn để được tiêm vắc-xin thử nghiệm.

Cùng với tuyển chọn tình nguyện viên của giai đoạn 1, Học viện Quân y cũng tuyển chọn luôn tình nguyện viên cho giai đoạn 2. Theo GS Đỗ Quyết, khi thực hiện được 50% giai đoạn 1, sẽ tiếp tục thực hiện thử nghiệm gối đầu giai đoạn 2 với khoảng 400-600 người tuổi từ 12-75. Ngoài Học viện Quân y, sẽ có thêm Viện Pasteur TP HCM và Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương tham gia ở giai đoạn 2. Giai đoạn 3 (dự kiến từ tháng 8-2021 đến tháng 2-2022) thử nghiệm trên 1.500-3.000 người. Số người tham gia thử nghiệm có thể thay đổi vì nếu nghiên cứu đa trung tâm, đa quốc gia có thể cần đến 10.000 người. "Các thử nghiệm cho kết quả tốt thì các giai đoạn sẽ được đẩy nhanh hơn, dự tính đến cuối năm 2021 có thể đưa vắc-xin ngừa Covid-19 do Việt Nam sản xuất để tiêm đại trà" - GS Đỗ Quyết nhận định.

Đủ cung cấp cho người Việt

Lãnh đạo Học viện Quân y cũng cho biết sau khi tiêm mũi đầu tiên, các tình nguyện viên sẽ được theo dõi 24/24 giờ trong 3 ngày đầu. "Sự an toàn phải đặt lên hàng đầu. Chúng tôi cam kết nếu không an toàn sẽ đề nghị dừng lại. Mặc dù rất tin tưởng chất lượng vắc-xin NanoCovax nhưng tôi vẫn cần nhấn mạnh như vậy. Chúng ta không đổi tính an toàn của người dân với bất cứ thứ gì khác" - GS Đỗ Quyết nói.

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học - công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình quốc gia nghiên cứu phát triển vắc-xin, cũng cho rằng vấn đề an toàn phải được ưu tiên hàng đầu trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Sự thành công của một loại vắc-xin không chỉ phụ thuộc nhà sản xuất, nhà nghiên cứu, nhà quản lý mà còn phụ thuộc cộng đồng xã hội. Việt Nam hiện có 4 nhà sản xuất tham gia nghiên cứu và phát triển vắc-xin Covid-19, trong đó ngoài Công ty Nanogen, dự kiến tháng 2-2021 sẽ thử nghiệm vắc-xin Covid-19 do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất.

Ông Hồ Nhân, Tổng Giám đốc Công ty Nanogen, cho biết với 4 loại liều lượng 25 mcg, 50 mcg, 75 mcg và 100 mcg, công ty đã chuẩn bị các điều kiện để sản xuất mỗi năm khoảng 30 - 50 triệu liều vắc-xin Covid-19, đủ để cung cấp cho nhu cầu của người Việt. Do vắc-xin này được trợ giá nên giá một mũi vắc-xin khoảng 120.000 đồng/liều. Tuy nhiên, ông Nhân cũng cảnh báo virus SARS-CoV-2 là một dạng cúm mùa, nên vắc-xin sẽ chỉ có hiệu lực trong vòng 1 năm và người dân sẽ phải tiêm nhắc lại hằng năm. Ngoài vắc-xin dạng tiêm, Công ty Nanogen cũng đang nghiên cứu để sản xuất vắc-xin dưới dạng nhỏ mắt, nhỏ mũi để thuận tiện hơn cho trẻ nhỏ, người già, người mẫn cảm, dễ bị phản ứng khi tiêm.

Để chuẩn bị cho đợt thử nghiệm này, Công ty Nanogen đã làm hợp đồng với đơn vị bảo hiểm để chi trả cho những tình huống rủi ro. Đơn vị đã dự trù khoản kinh phí khoảng 20 tỉ đồng cho những rủi ro của tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19. Ông Hồ Nhân kỳ vọng nếu thử nghiệm lâm sàng diễn ra thuận lợi, có thể ngay đầu tháng 5-2021 sẽ hoàn tất thử nghiệm lâm sàng, sau đó đi vào sản xuất hàng loạt với công suất khoảng 30 triệu liều/năm.

Hiệu quả bảo vệ có thể trên 90%

TS Đỗ Minh Sĩ, Giám đốc nghiên cứu phát triển của Công ty Nanogen, thông tin thế giới đang sử dụng 4 công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19 gồm: virus bất hoạt, ARN, virus sống và công nghệ tái tổ hợp. Công ty Nanogen chọn công nghệ tái tổ hợp, bằng cách tạo ra gai giả giống hệt gai của virus SARS-CoV-2. Mỗi liều vắc-xin sẽ gồm nhiều gai giả, đây là công việc đòi hỏi tính khoa học, tỉ mỉ rất cao. Trong nghiên cứu tiền lâm sàng, Công ty Nanogen đã thử nghiệm tính sinh miễn dịch trên chuột Balb/c, chuột hamster và khỉ; đối với tính an toàn được thử nghiệm trên chuột, thỏ và khỉ. Tất cả đều minh chứng vắc-xin có độ an toàn cao và tính sinh miễn dịch tốt. Công ty Nanogen đặt mục tiêu vắc-xin Covid-19 sẽ có hiệu quả bảo vệ tương đương các sản phẩm khác trên thế giới là trên 90% người được tiêm có khả năng sinh đáp ứng miễn dịch.

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/thu-nghiem-vac-xin-covid-19-an-toan-tren-het-20201210221841665.htm