Thử nghiệm NDT kỹ thuật số: Tiền không ra khỏi Trung Quốc?

'Nếu người Việt nhận tiền kỹ thuật số rồi mua hàng bằng tiền đó thì chi phí thanh toán chỉ phía Trung Quốc hưởng, Việt Nam không được gì.'

Lưu ý Trung Quốc hưởng lợi

Sau gần 2 năm công bố chính thức về nghiên cứu đồng NDT kỹ thuật số, Trung Quốc đã chính thức bắt đầu thử nghiệm thanh toán điện tử dùng tiền kỹ thuật số (gọi tắt là DCEP) từ đầu tháng 5/2020.

Đây được coi là giai đoạn 1- giai đoạn thử nghiệm trong lộ trình 3 giai đoạn triển khai DCEP. Theo đó, Ngân hàng Trung Ương (NHTW) Trung Quốc (PBoC) sẽ hợp tác với 7 tổ chức ngân hàng - công nghệ để thực hiện thử nghiệm trong quy mô nhỏ, thí điểm tại 4 thành phố: Thâm Quyến, Thành Đô, Tô Châu, Bảo Định từ ngày 4/5/2020; và chưa rõ thời gian thí điểm sẽ bao lâu.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), đồng nhân dân tệ kỹ thuật số mà NHTW Trung Quốc đưa ra thực chất là một đồng tiền điện tử. Lợi ích nổi bật của đồng tiền điện tử này là nó rất thuận tiện, an toàn, có chi phí thấp, độ tin cậy cao, nó cũng hạn chế được những rủi ro của việc dùng tiền mặt. Nhờ đó, hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ của NHTW Trung Quốc và sự ổn định tài chính của Trung Quốc sẽ tốt hơn.

"Đồng tiền này cũng giống như các loại tiền số khác, chỉ có điều khác biệt là đồng tiền này được NHTW Trung Quốc phát hành và bảo vệ như đối với đồng nhân dân tệ giấy và hiện tại nó chỉ giao dịch trong nước.

Nếu Trung Quốc muốn sử dụng rộng rãi ra quốc tế thì phải được sự chấp thuận của các quốc gia khác, coi đồng tiền này là đồng tiền trao đổi", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Đối với Việt Nam cũng vậy. Khi ấy, cần thiết phải có cơ chế chuyển đổi từ đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sang đồng nhân dân tệ giấy để từ đó có sự trao đổi.

Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số được coi là phiên bản nâng cấp của nhân dân tệ tiền mặt với nhiều chức năng hơn đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế số, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của NHTW trong nền kinh tế số.

Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số được coi là phiên bản nâng cấp của nhân dân tệ tiền mặt với nhiều chức năng hơn đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế số, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của NHTW trong nền kinh tế số.

"Hiện nay, trong hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc tại biên giới, cửa khẩu, việc trao đổi bằng đồng nhân dân tệ thông qua con đường chính thức đã được chấp nhận và về nguyên tắc, Trung Quốc cũng phải chấp nhận đồng VND của Việt Nam.

Với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, bởi quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn nên sớm muộn gì nó cũng tác động đến doanh nghiệp Việt. Chưa kể, với đồng tiền kỹ thuật số, người dân có thể dễ dàng giao dịch trực tiếp với Trung Quốc với chi phí rẻ.

Nếu như có việc chấp nhận đồng nhân dân tệ kỹ thuật số thì phải có một cơ chế chuyển đổi được quy định rõ giữa NHNN Việt Nam với NHTW Trung Quốc: chuyển đổi đồng tiền kỹ thuật số sang tiền mặt thế nào, mua bán ra sao, sử dụng thế nào...

Nếu đảm bảo được tính bảo mật cũng như các vấn đề khác có liên quan thì việc phát hành đồng tiền kỹ thuật số cũng tốt, giúp giảm lượng tiền mặt trong thanh toán, trên cơ sở nghiên cứu có thể sử dụng thí điểm, từ đó ứng dụng công nghệ cao trong nền kinh tế số. Cho nên, Việt Nam cần nghiên cứu đồng tiền này của Trung Quốc, cách thức vận động của nó một cách cẩn trọng", ông Thịnh nêu rõ.

Vị chuyên gia cũng cho biết, nếu hoạt động giao thương, buôn bán ở biên giới Việt Nam-Trung Quốc được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số và đồng tiền này chỉ được phía NHTW Trung Quốc chấp nhận thì các hoạt động thanh toán chỉ thông qua ngân hàng Trung Quốc mà thôi.

"Nếu doanh nghiệp Việt nhận đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, sau đó mua hàng hóa của Trung Quốc cũng bằng đồng tiền ấy thì Việt Nam sẽ không được hưởng các giá trị lợi ích từ các giao dịch này, tiền chỉ quay vào Trung Quốc vì chỉ có NHTW Trung Quốc mới chấp nhận đồng tiền ấy và chi phí thanh toán đó chỉ phía Trung Quốc được hưởng.

Ngược lại, nếu doanh nghiệp Việt Nam thay vì mua hàng hóa Trung Quốc, lại muốn lấy tiền về để mua USD hoặc nhập hàng hóa của quốc gia khác thì đương nhiên phải có cơ chế chuyển hóa và thông qua NHNN Việt Nam", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Xây dựng kế hoạch ứng phó

Liên quan đến đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đang được Trung Quốc thử nghiệm, trong nghiên cứu của mình, chuyên gia tài chính-ngân hàng - TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã chỉ ra những rủi ro, thách thức khi Trung Quốc dùng đồng tiền này.

Một trong những rủi ro đó là nó sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giao thương, đặc biệt là các giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới giữa Trung Quốc với các quốc gia trong điều kiện NHTW các nước còn thiếu các quy định về thanh toán xuyên biên giới và hoạt động này còn chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật của các quốc gia đối tác.

Bên cạnh đó, vẫn có thể xảy ra rủi ro kỹ thuật trong quá trình thực hiện giao dịch, rủi ro hackers xâm nhập hệ thống, khiến niềm tin lung lay; đe dọa ảnh hưởng đến quyền riêng tư thông tin tài chính của người sử dụng, ảnh hưởng đến mức độ và khả năng chấp nhận của người dân.

Với lợi ích và xu thế phát triển tiền kỹ thuật số của NHTW và Trung Quốc đã thúc đẩy tiến trình này, theo TS Cấn Văn Lực, đã đến lúc NHTW các nước cần nghiêm túc coi đây là một việc mang tầm chiến lược.

Đối với Việt Nam, ông khuyến nghị cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc và các nước về việc xây dựng lộ trình phát hành đồng tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành (nếu có) phù hợp với Việt Nam.

"Thực tế, Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát hành đồng nhân dân tệ kỹ thuật số từ năm 2014 và thực hiện nhất quán việc triển khai bất chấp các quan điểm khác nhau, trái ngược của các quốc gia, tổ chức quốc tế.

Kế hoạch nên được xây dựng với lộ trình, nội dung cụ thể, chi tiết về đơn vị đầu mối chính, cơ chế vận hành, thời gian thử nghiệm, chính thức. Một điểm cốt yếu cần lưu ý là cần có cách tiếp cận mở song vẫn kiểm soát được rủi ro", vị chuyên gia lưu ý.

Cũng theo TS Cấn Văn Lực, cần đánh giá tác động của việc Trung Quốc triển khai đồng DCEP và các nước phát hành đồng tiền kỹ thuật số khác sau này để có thể xác định phương án tham gia và thái độ chấp nhận phù hợp (nếu được mời); đánh giá tổng thể, bài bản, thường xuyên về sự phụ thuộc vào vốn đầu tư của Trung Quốc để có kế hoạch, kịch bản ứng phó khi đồng nhân dân tệ kỹ thuật số được Trung Quốc sử dụng rộng rãi, trong cả thanh toán và đầu tư quốc tế.

Đặc biệt, cần xây dựng kế hoạch ứng phó với sự phát triển của đồng DCEP trong thanh toán biên mậu và du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Cùng với đó, Việt Nam cần thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới xã hội không tiền mặt, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bắt kịp xu thế thế giới; nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán quốc gia đảm bảo hiệu quả và hạn chế rủi ro cho các giao dịch thanh toán gắn với tiền kỹ thuật số.

Cuối cùng, tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc và tiền kỹ thuật số nói chung. NHNN cần chủ động phối hợp với NHTW các quốc gia và các tổ chức quốc tế nghiên cứu, chuẩn hóa các vấn đề liên quan đến tiền kỹ thuật số nói chung và tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành nói riêng.

NHNN và các tổ chức phát hành tiền kỹ thuật số cần phối hợp tuân thủ quy định về phòng, chống rửa tiền, chống trốn thuế; nghiên cứu cơ chế lưu giữ, chia sẻ và bảo mật thông tin liên quan đến giao dịch tiền kỹ thuật số phù hợp với qui định của Việt Nam và pháp luật quốc tế;

Tăng cường ứng dụng CNTT, nâng cao hiệu quả giám sát các hoạt động thanh toán xuyên biên giới liên quan đến tiền kỹ thuật số, đảm bảo cam kết hội nhập, an toàn, an ninh mạng và an toàn tài chính quốc gia.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/thu-nghiem-ndt-ky-thuat-so-tien-khong-ra-khoi-trung-quoc-3411209/