Thu ngân sách thấp nhất 10 năm

Đây là số liệu thu ngân sách Nhà nước đến cuối tháng 10, được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Quốc hội chiều 5/11.

Trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều 5/11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng được giao báo cáo Quốc hội để làm rõ 4 nhóm vấn đề gồm dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020; đánh giá tài chính ngân sách 5 năm 2016-2020; dự toán NSNN năm 2021 và kế hoạch tài chính ngân sách 2020-2025.

Theo tư lệnh ngành tài chính, dự toán thu NSNN năm 2020 được xây dựng trên tinh thần quyết tâm cao, hoàn thành hoặc vượt mức các chỉ tiêu kinh tế xã hội. Dự toán được xây dựng trên cơ sở dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,8%, lạm phát dưới 4%, kim ngạch xuất khẩu tăng 7%, kim ngạch nhập khẩu tăng 9%.

Tuy nhiên, bước vào năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư thương mại và tài chính toàn cầu. Trong điều kiện Việt Nam hội nhập sâu rộng, đại dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến tất cả ngành, lĩnh vực, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

 Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại Quốc hội chiều 5/11. Ảnh: Quochoi.vn.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại Quốc hội chiều 5/11. Ảnh: Quochoi.vn.

Bên cạnh đó, thiên tai từ đầu năm như mưa đá, lũ quét, lũ ống và mưa lũ ở miền Trung thời gian qua đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Để thực hiện được mục tiêu kép, Chính phủ đã trình Quốc hội và ban hành hàng loạt chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

“Các chính sách này góp phần giảm, giãn khoảng 100.000 tỷ đồng nghĩa vụ nộp NSNN, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về dòng tiền, tăng tỷ lệ vốn cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Tài chính đánh giá.

Tuy vậy, cũng từ các chính sách kể trên mà số thu ngân sách 10 tháng đầu năm nay phản ánh rõ khó khăn của doanh nghiệp và tác động của các chính sách miễn, giảm thuế, phí. “Thu ngân sách 10 tháng đầu năm đạt 75,2% dự toán, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Trong đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết một số địa phương có số thu lớn điều tiết về ngân sách Trung ương nhưng tỷ lệ 10 tháng đầu năm rất thấp như Hà Nội (70,1%), TP.HCM (64,8%), Vĩnh Phúc (60,8%), Đà Nẵng (56,4%)... Ngoài các giải pháp miễn, giảm, hoãn thuế cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu và chống chuyển giá.

Theo số liệu được Bộ Tài chính công bố, tính đến ngày 26/10, số thu ngân sách 10 tháng từ đầu năm đạt trên 1,137 triệu tỷ đồng, bằng 75,2% dự toán và giảm 10,3% so với cùng kỳ. Nếu tính cả số thuế và tiền thuê đất còn đang trong thời gian được gia hạn theo quy định của Nghị định 41/2020/NĐ-CP khoảng 43.600 tỷ, số thu NSNN 10 tháng ước đạt 78,1% dự toán và vẫn giảm 6,8% so cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, số thu nội địa ước đạt 959.200 tỷ đồng, bằng 75,9% dự toán và giảm 6,8%. Thu về từ dầu thô ước đạt 29.650 tỷ, bằng 84,2% dự toán, giảm 37,2%. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 147.600 tỷ, bằng 71% dự toán, giảm 21,2%.

Nguyên nhân chính khiến số thu hoạt động xuất nhập khẩu giảm là do kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có số thu lớn giảm như xăng dầu các loại (giảm 45,4%); ôtô nguyên chiếc (giảm 34%); sắt thép các loại (giảm 17%)...

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-ngan-sach-thap-nhat-10-nam-post1149907.html