Thủ lĩnh IS bị tiêu diệt như thế nào?

Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “thủ lĩnh khủng bố số một thế giới” Abu Bakr al-Baghdadi “tự nổ tung mình” khi bị lực lượng Mỹ dồn vào thế bí trong một cuộc đột kích ban đêm kéo dài 2 tiếng đồng hồ nhằm vào khu nhà của y ở miền bắc Syria. Vậy thực hư câu chuyện là như thế nào? Liệu thủ lĩnh khủng bố số một thế giới có thật sự “tự nổ tung mình như tuyên bố của ông Trump hay không?

Tổng thống Trump và các quan chức Mỹ theo dõi vụ đột kích tại Phòng Tình huống. Ảnh: CNN

Tổng thống Trump và các quan chức Mỹ theo dõi vụ đột kích tại Phòng Tình huống. Ảnh: CNN

Cuộc đột kích chính xác

Theo ông Trump, nhiệm vụ bí mật bắt đầu khoảng 17 giờ ngày 26-10 khi 8 máy bay trực thăng chở các đội quân tinh nhuệ của Mỹ, bao gồm cả lực lượng Delta Force, bay chính xác trong 70 phút trên “vùng lãnh thổ rất, rất nguy hiểm” về phía khu nhà của al-Baghdadi. Vô số máy bay và tàu của Mỹ cũng tham gia vào nhiệm vụ này. Theo một quan chức nước này, một số lực lượng Mỹ tham gia nhiệm vụ lần này đến từ nhiều địa điểm khác nhau bên trong Iraq.

“Chúng tôi đã bay rất, rất thấp và rất, rất nhanh. Đó là một phần rất nguy hiểm của nhiệm vụ. Tiến vào và rút lui phải nhanh như nhau, ông Trump nói, cung cấp chi tiết về nhiệm vụ bí mật. Trong khi bay, các trực thăng của Mỹ đã bị các lực lượng địa phương bắn. Máy bay Mỹ đã bắn trả và loại bỏ mối đe dọa. Sau khi đến khu nhà, quân đội Mỹ đã phá vỡ một bức tường để lối vào không bị kẹt và đó là khi “tất cả địa ngục vỡ ra”, Tổng thống kể.

Trong khi dọn dẹp khu vực, các lực lượng Mỹ đã tiêu diệt một lượng lớn tay súng chiến đấu IS trong một cuộc đấu súng. Ít nhất 2 tay súng IS và 11 trẻ em bị bắt. Hai người vợ của al-Baghdadi đã bị giết trong vụ đột kích khi áo vest tự sát của họ vẫn chưa kịp phát nổ. Baghdadi, cũng mặc áo vest tự sát, trốn trong đường hầm “ngõ cụt” cùng với 3 đứa trẻ. “Hắn ta đã chạy đến cuối đường hầm khi những con chó của chúng tôi đuổi theo. Y đã cho phát nổ áo vest, tự sát cùng 3 đứa trẻ. Thi thể của y bị nát vụn sau vụ nổ. Ngoài ra, đường hầm cũng bị nổ tung”, ông Trump kể. Các xét nghiệm ADN xác nhận danh tính của al-Baghdadi bắt đầu “khoảng 15 phút sau khi y bị giết”, các nguồn tin nói với CNN.

Tổng thống cũng cho biết, các lực lượng Mỹ đã thu được “tài liệu và thông tin rất nhạy cảm từ cuộc đột kích, liên quan nhiều đến IS – bao gồm nguồn gốc, kế hoạch tương lai - những điều mà chúng tôi rất cần”. “Cuộc đột kích đã thành công. Chúng tôi rút quân. 2 binh sĩ của chúng tôi bị thương nhẹ nhưng cuộc đột kích rất thành công, hoàn hảo”, ông Esper nói.

Al-Baghdadi được tìm thấy như thế nào?

Ông Trump cho biết, trước hoạt động quân sự diễn ra trong suốt 2 giờ tối 26-10, al-Baghdadi đã bị giám sát trong vài tuần trước đó. 2 đến 3 nhiệm vụ theo kế hoạch đã bị hủy bỏ trước khi kế hoạch thành công được triển khai.

Mazloum Abdi, chỉ huy trưởng của lực lượng người Kurd ở Syria, cho biết, các hoạt động tình báo dẫn đến cuộc đột kích của quân đội Mỹ ở Syria tiêu diệt al-Baghdadi đã bắt đầu 5 tháng trước. CIA cuối cùng đã định vị được al-Baghdadi và chia sẻ thông tin tình báo với Bộ Quốc phòng. Ông Trump và Phó Tổng thống Mike Pence đã được thông báo về vị trí của al-Baghdadi “vào đầu tuần” và được tuyên bố khả năng y ở trong khu vực này là rất cao. Tổng thống ngay lập tức ra lệnh cho các chỉ huy quân sự bắt đầu trình bày các phương án cụ thể. “Chúng tôi biết một chút về nơi hắn ta sẽ đến, nơi hắn đang đi. Chúng tôi có thông tin rất chắc chắn rằng hắn ta sẽ đến một địa điểm khác. Nhưng hắn đã không đi. Hai hoặc ba kế hoạch đã bị hủy vì hắn thay đổi ý định, liên tục thay đổi. Và cuối cùng chúng tôi thấy rằng hắn đã ở đây, bị giữ ở đây”, ông Trump nói. “Đây là một trong số những nơi chúng tôi biết hắn ta ở đó và bạn không bao giờ có thể chắc chắn 100% vì bạn dựa trên công nghệ nhiều hơn bất cứ điều gì khác. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng hắn ta ở đó và chúng tôi đã đúng”, ông nói thêm.

Trong cuộc phỏng vấn với ABC hôm 27-10, ông Esper cũng đưa ra các chi tiết bổ sung liên quan đến việc quyết định hành động. “Trong vài tuần, các lực lượng hoạt động, vốn là một trong những lựa chọn có sẵn của tổng thống, bắt đầu diễn tập và thực hành và làm những gì họ sẽ phải làm đối với mục tiêu”, ông nói. “Và mãi đến hôm 24 và 25-10, tổng thống mới chọn phương án và bật đèn xanh cho chúng tôi hành động như những gì đã làm ngày hôm qua”, ông Esper nói thêm. Nhưng theo ông Pence, quyết định tiến lên phía trước đã không được đưa ra cho đến sáng 26-10 khi Nhà Trắng nhận được thông tin tình báo có thể hành động. Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien cho biết, hoạt động quân sự lần này được đặt tên là Kayla Mueller, theo tên của người Mỹ đã bị IS bắt làm con tin và bị giết vào năm 2015.

Ông Trump bật đèn xanh

Vài giờ trước khi diễn ra vụ đột kích tiêu diệt al-Baghdadi, ông Trump, ông Pence, ông Esper, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley và nhiều quan chức quân sự cấp cao tập trung tại Phòng Tình huống khoảng 17 giờ chiều.

Ông Trump cho biết đã trực tiếp xem cuộc đột kích diễn ra, khoảnh khắc được ghi lại trong một hình ảnh do Nhà Trắng công bố hôm 27-10 cho thấy ông Trump và các quan chức quân sự hàng đầu ngồi quanh một chiếc bàn, dường như đang chỉ đạo trực tiếp toàn bộ tiến trình của cuộc tấn công. Giám đốc CIA Gina Haspel và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (ODNI) Joe Maguire cũng tham gia trong suốt quá trình và nắm rõ về các sự kiện khi chúng diễn ra mặc dù không có mặt trong Phòng Tình huống tại thời điểm đó.

Ông Trump cho biết một số quốc gia nước ngoài, bao gồm Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đã được thông báo trước rằng Washington sẽ tiến hành một nhiệm vụ nhưng không được cho biết chi tiết về nhiệm vụ hoặc mục tiêu là ai. “Nga đối xử với chúng tôi tuyệt vời. Họ đã mở cửa. Chúng tôi đã bay qua một số khu vực do Nga kiểm soát. Iraq thật tuyệt vời. Chúng tôi thực sự có sự hợp tác hoàn hảo”. “Thổ Nhĩ Kỳ cũng phối hợp rất tốt. Họ biết rằng chúng tôi sẽ đến, sẽ bay qua một số lãnh thổ và chúng tôi đã bay qua đó an toàn, không xảy ra vấn đề gì”, ông nói thêm.

AN BÌNH

IS có thủ lĩnh mới, vẫn là mối đe dọa lớn

Việc thủ lĩnh al-Baghdadi bị tiêu diệt tiếp tục là cú giáng nặng nề vào tổ chức khủng bố vốn là nỗi ám ảnh của người dân toàn thế giới. Việc mất đi người cầm đầu sẽ tiếp tục là thất bại tiếp theo của IS sau khi mất nhiều vùng lãnh thổ tại Iraq và Syria. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định đây chưa phải là dấu chấm hết cho số phận của tổ chức khủng bố khét tiếng này. Các lực lượng còn sót lại của IS vẫn đang chờ cơ hội hồi sinh và hệ tư tưởng của tổ chức này vẫn là mối đe dọa đối với an ninh thế giới.

Với cuộc chiến tại Syria chưa kết thúc, cùng bất ổn tại Yemen, Nigieria hay Afghanistan đang là cơ hội tốt cho IS hồi sinh. Không chỉ vậy, IS đang mở rộng địa bàn hoạt động, vươn sang các nước Đông Nam Á. Điều đáng lo ngại hơn cả đó là ý thức hệ tư tưởng cực đoan của nhóm vẫn đang được truyền bá và có ảnh hưởng lớn. Những tay súng nước ngoài trà trộn vào dòng người tị nạn và trở về các quốc gia Châu Âu, trở thành những “con sói đơn độc” với âm mưu đe dọa tấn công khủng bố các nước này. Điều đó cho thấy bóng ma của IS vẫn hiện hữu và cuộc chiến chống khủng bố sẽ phức tạp hơn nhiều. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: “Cái chết của al-Baghdadi là đòn nặng nề đối với IS, nhưng đây chỉ là một phần trên con đường chống khủng bố và quốc tế cần tiếp tục phối hợp để đánh bại đến cùng tổ chức khủng bố này.

Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper cũng cảnh báo Mỹ không thể “ngừng lo lắng về IS” sau khi thủ lĩnh al-Baghdadi bị tiêu diệt. Theo ông Calpper, cái chết của al-Baghdadi có ý nghĩa biểu tượng rất lớn, nhưng sẽ không giúp chấm dứt sự tồn tại của IS, bởi nhóm khủng bố này đã chuẩn bị việc lựa chọn người khác để đảm nhận vai trò mà al-Baghdadi để lại. Ông Calpper cũng cho rằng Mỹ cần duy trì quân đội tại khu vực nhằm đảm bảo, IS sẽ không bị kích động để hành động sau cái chết của al-Baghdadi. Thật vậy, ngay sau cái chết của al-Baghdadi, IS đã chỉ định Abdullah Qardash (còn gọi là Hajji Abdullah al-Afari) kế nhiệm làm thủ lĩnh.

B.N

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_215064_thu-linh-is-bi-tieu-diet-nhu-the-nao-.aspx