Thủ lĩnh Hapro với hành trình 'vượt bão' sau cổ phần hóa

Từng có giai đoạn rơi vào khủng hoảng khi mới bắt đầu cổ phần hóa doanh nghiệp, kinh doanh sụt giảm, nhân viên lo lắng…, nhưng với quyết tâm đổi mới, chiến lược kinh doanh bắt kịp xu hướng ngành bán lẻ, Tổng công ty (TCT) Thương mại Hà Nội-CTCP (Hapro) dưới sự chèo lái của Tổng giám đốc (TGĐ) Vũ Thanh Sơn đã dần ổn định và phát triển tăng tốc.

Theo TGĐ Vũ Thanh Sơn, trong suốt 16 năm xây dựng và phát triển, TCT Hapro đã luôn khẳng định được vị thế trên thương trường, tạo được lòng tin đối với khách hàng, đối tác và người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là giai đoạn chuyển đổi mô hình Công ty cổ phần... nhưng Hapro vẫn luôn đi theo đúng mục tiêu phát triển và chiến lược kinh doanh của mình, phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng cũng như cộng đồng xã hội.

Từ tháng 6-2018, TCT Hapro đã chính thức hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần và là Doanh nghiệp thành viên lớn của Tập đoàn BRG. Tập đoàn BRG đã trở thành cổ đông lớn và đại diện là bà Nguyễn Thị Nga giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Hapro, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nguồn tài chính, hệ thống phân phối để giúp Hapro đạt những bước tăng trưởng đột phá… Ông Nguyễn Thanh Sơn đảm nhận vị trí Tổng giám đốc.

Với thế mạnh sẵn có, cùng sự chỉ đạo định hướng của Tập đoàn BRG, Hapro tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh thương mại nội địa với các thương hiệu bán lẻ Hapromart, Haprofood, Seikamart và tăng cường thúc đẩy xuất khẩu, phấn đấu đưa thương hiệu BRG Hapro trở thành một trong những thương hiệu mạnh của Việt Nam và thương hiệu xuất khẩu quốc tế lớn mạnh tại khu vực.

Chuỗi siêu thị Hapromart thuộc Hapro hiện có mặt tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Ảnh: Haprogroup.vn.

Chuỗi siêu thị Hapromart thuộc Hapro hiện có mặt tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Ảnh: Haprogroup.vn.

Theo đó, chiến lược trọng tâm của Hapro là đẩy mạnh kinh doanh hàng nông sản thực phẩm, thương mại nội địa. Một số thương hiệu kinh doanh thuộc hệ thống của Hapro như: Thủy Tạ, Bốn Mùa, Thực phẩm Hà Nội, Vang Thăng Long, Gốm Chu Đậu, Thời trang Hafasco, điện máy Tràng Thi…; cùng với đó là hoạt động xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực sau khi cổ phần hóa từ năm 2018 đến nay, TCT Hapro đã đi đúng theo sứ mệnh đặt ra, đó là: Hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất và đầu tư, Hapro phấn đấu vì lợi ích và sự hài lòng của khách hàng Việt Nam và quốc tế.

Suốt 10 năm gắn bó, nếm trải những cay đắng, ngọt bùi trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của ngành bán lẻ cùng con thuyền Hapro trên chiếc “ghế nóng”, TGĐ Vũ Thanh Sơn vẫn luôn lạc quan và tin tưởng vào chiến lược kinh doanh đúng hướng của Hapro. Còn nhớ khi chia sẻ với báo chí ngay sau Đại hội cổ đông lần đầu tiên hồi tháng 6-2018, ông đã khẳng định: “Sau cổ phần hóa, chúng tôi tin tưởng rằng Hapro trong điều kiện nguồn lực như hiện nay cộng với việc áp dụng với các biện pháp quản trị chủ động của mô hình Công ty cổ phần sẽ tạo ra sức bật lớn hơn”. Ông cũng nhấn mạnh sức mạnh nội lực của doanh nghiệp, nguồn vốn từ các cổ đông sẽ mang lại cơ hội phát triển lớn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Năm 2018, sau khi cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Tổng công ty Hapro có mức vốn điều lệ là 2.200 tỉ đồng và không có vốn nhà nước. Ông Sơn chia sẻ, lúc mới bắt đầu cổ phần hóa, có một giai đoạn ngắn TCT rơi vào khủng hoảng, hoạt động kinh doanh sụt giảm, từ đội ngũ lãnh đạo đến cán bộ nhân viên đều có tâm lý lo lắng, hoang mang. Khi đó, Đảng ủy, ban lãnh đạo công ty đã tập trung làm công tác ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự và tuyên truyền, vận động, phổ biến để cán bộ nhân viên ổn định về tư tưởng… Những nỗ lực ấy đã đem lại hiệu quả, ổn định tình hình và ngay trong năm 2018, hoạt động sản xuất kinh doanh của Hapro được phát triển mở rộng, tất cả chỉ tiêu kinh doanh đều có sự tăng trưởng so với 2017, việc làm và thu nhập của người lao động được đảm bảo… Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt mức 106,9 triệu USD với 53.860 tấn hàng hóa. Tổng doanh thu tăng trưởng 10% đạt 3.507,2 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 21,73 tỉ đồng, vượt 6% so với kế hoạch đề ra và tăng 60% so với năm trước.

Theo TGĐ Vũ Thanh Sơn, kết quả này có được là nhờ vào việc sau cổ phần hóa, Hapro luôn xác định trọng tâm là mảng kinh doanh xuất khẩu với 5 mặt hàng chủ lực: Hạt tiêu, hạt điều, gạo, cà phê, thực phẩm chế biến. Hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng tại nước ngoài được Hapro đầu tư và quan tâm; nhiều hợp đồng xuất khẩu của Hapro được thực hiện có hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho TCT... Tại thị trường trong nước, Hapro tích cực triển khai các chương trình xúc tiến bán hàng các sản phẩm nội địa, việc kinh doanh chuỗi Hapromart, Haprofood được triển khai bài bản... qua đó nâng cao vị thế, tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

Nhờ những biện pháp và hướng đi đúng này, năm 2019, Hapro đạt mục tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.675 tỉ đồng, tăng 5% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu đạt 115,2 triệu USD, tăng 8% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế phấn đấu đạt 59,34 tỉ đồng, tăng 173%. Thu nhập bình quân tăng 6% so với năm 2018, đạt 11.200.000 đồng/người/tháng. Kết quả là doanh thu bán hàng và dịch vụ đạt hơn 2.236 tỉ đồng, doanh thu tài chính đạt 187 tỉ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 153,8 tỉ đồng, và lãi sau thuế đạt gần 124 tỉ đồng.

Trong năm 2019, Hapro cũng đã hoàn tất toàn bộ quá trình cổ phần hóa cần tập trung toàn lực vào việc phát triển sản xuất kinh doanh, tăng tốc đẩy mạnh phát triển để hiện thực hóa những mục tiêu kế hoạch đặt ra trong phương án cổ phần hóa. Trong hai năm qua, nhằm thực hiện chủ trương về việc chuẩn hóa chuỗi bán lẻ của Tập đoàn BRG, Hapro đã tiến hành nâng cấp, chuẩn hóa toàn bộ chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích mang thương hiệu Hapromart của Hapro áp dụng theo mô hình Home & Food, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân thủ đô.

Về định hướng điều hành thời gian tới, TGĐ Vũ Thanh Sơn cho biết, Hapro sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh và tận dụng các cơ hội mới là đơn vị thành viên Tập đoàn BRG để trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu và thương mại nội địa, có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, phát huy vai trò là một doanh nghiệp kinh tế, thương mại lớn, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội nói chung và Tập đoàn BRG nói riêng.

Qua 16 năm xây dựng và phát triển, thương hiệu Hapro của Tổng công ty Thương mại Hà Nội-CTCP cũng đã gặt hái được nhiều danh hiệu giải thưởng lớn: 5 lần liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia, 14 năm liên tiếp đạt giải thưởng Thương hiệu mạnh, 14 năm liền đạt danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”; nhiều năm liền nằm trong Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và đạt nhiều giải thưởng uy tín khác như: Sao Vàng đất Việt, Doanh nghiệp bán lẻ uy tín 2018, Doanh nghiệp thương mại-dịch vụ tiêu biểu…

ANH MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thu-linh-hapro-voi-hanh-trinh-vuot-bao-sau-co-phan-hoa-609543