Thủ lĩnh đối lập Venezuela tị nạn ở Sứ quán Chile

Vì lo sợ bị đặc vụ Venezuela bắt bỏ tù, thủ lĩnh đối lập Freddy Guevara xin tị nạn trong nhà của Đại sứ Chile tại Sứ quán nước này ở thủ đô Caracas (Venezuela).

Theo Reuters ngày 5.1 (giờ địa phương), Chính phủ Chile ra tuyên bố cho biết nghị sĩ Guevara, 31 tuổi, đã trốn vào nhà Đại sứ Chile hôm 4.11 xin được bảo vệ.

Phe đối lập và giới truyền thông địa phương nói đặc vụ Cục Tình báo SEBIN đã vây nhà ông Guevara hồi cuối tuần qua. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro đang chuẩn bị xóa quyền miễn trừ truy tố đối với nghị sĩ Guevara, để có thể xét xử ông về tội kích động bạo lực.

Ngày 5.11, chính quyền Venezuela lên tiếng chê bai chuyện cựu thủ lĩnh sinh viên Guevara đi trốn trong Sứ quán Chile. Ngoại trưởng Jorge Arreaza viết trên Twitter: “Vài người rất can đảm khi kêu gọi và kích động bạo lực, phá hoại và gây chết chóc. Nhưng khi công lý ra tay, chúng bỏ chạy một cách hèn nhát đến đáng thương”.

Đầu năm nay, ông Guevara thường đi đầu trong những cuộc biểu tình phản đối chính phủ, đòi chính phủ tổ chức bầu cử sớm, tiếp nhận viện trợ nhân đạo để xóa đói, trả tự do cho người chống đối bị tù, và tôn trọng Quốc hội Venezuela do phe đối lập dẫn đầu.

Chính phủ Venezuela tuyên bố các cuộc biểu tình này thực chất là “nổi dậy vũ trang”, có Mỹ chống lưng, để lật đổ Tổng thống Maduro.

Chính quyền nói các chính khách đối lập phải chịu trách nhiệm trước khoảng 125 cái chết trong 4 tháng nổi dậy, và những người này phải bị đưa ra tòa xét xử.

Ông Guevara là Phó chủ tịch Quốc hội Venezuela, thủ lĩnh đảng Ý chí dân tộc, vốn là một tổ chức chủ trương cứng rắn.

Trong cuộc họp báo hôm 5.11, Chủ tịch Quốc hội Julio Borges nói: “Đấy là một quyết định chính trị thiên vị, tìm cách làm suy yếu một Quốc hội được nhân dân công nhận hoàn toàn. Venezuela đang đói vì thiếu thức ăn, cũng đói tự do, công lý và phẩm cách. Freddy Guevara đã có một quyết định cá nhân. Về phần tôi, tôi vẫn làm điều phải làm”.

Ông Borges không cho biết chi tiết việc ông Guevara đến nhà Đại sứ Chile xin được bảo vệ.

Diễn biến này khiến phe đối lập với vài thủ lĩnh yếu thế trước chính phủ Tổng thống Maduro, vốn là cựu tài xế xe buýt 54 tuổi bị phe đối lập quy trách nhiệm cho sự suy thoái kinh tế của Venezuela.

Hiện nhiều chính khách chống ông Maduro bị cấm hoạt động như ông Henrique Capriles (từng hai lần ứng cử tổng thống) bị bắt và bị quản thúc tại gia, như thủ lĩnh đối lập Leopoldo Lopez bị dọa xét xử tội phản quốc, như Chủ tịch Quốc hội Julio Borges, người vận động hành lang với các tổ chức tài chính quốc tế để chống lại chính quyền Venezuela.

Liên minh đối lập lên án sự dọa nạt chống lại ông Guevara, nói đó là một tín hiệu ông Maduro chuyển Venezuela thành một chế độ độc tài.

Trong diễn biến này, Sứ quán Chile ở Caracas giữ một vai trò đáng kể: cơ sở này đã tiếp nhận 5 thẩm phán (được Quốc hội do phe đối lập nắm quyền chỉ định) bị chính quyền dọa bỏ tù, cùng một chính khách đối lập của đảng COPEI.

Hồi tháng 10, nhóm thẩm phán được đưa qua biên giới đến Colombia, trước khi bay đến thủ đô Santiago (Chile) và được bà Tổng thống Michelle Bachelet tiếp nhận, trong khi nhiều nước Mỹ La tinh đồng loạt lên tiếng phản đối ông Maduro.

Vào cuối những năm 1970, hàng ngàn người Chile, có cả nhà văn nữ Isabel Allende, đã tháo chạy khỏi chính quyền độc tài quân sự Augusto Pinochet, và chọn cuộc sống lưu vong ở Venezuela lúc đó đang bùng nổ kinh tế.

Bảo Vĩnh (theo Reuters)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/thu-linh-doi-lap-venezuela-ti-nan-o-su-quan-chile-75305.html