Thủ lĩnh 'bóng ma' chết, IS lụi tàn?

Sau nhiều năm lẩn trốn, thủ lĩnh tối cao của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi đã phải tự kết liễu cuộc đời khi bị dồn đến đường cùng, 'kẻ hủy diệt' Abdullah Qardash nhanh chóng kế vị, còn IS đang tái tập hợp lực lượng...

Thủ lĩnh tối cao của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi đã phải tự kết liễu cuộc đời khi bị dồn đến đường cùng.

Sở dĩ al-Baghdadi được gọi là “bóng ma” vì y khó nắm bắt nhất trong số các thủ lĩnh IS. Al-Baghdadi giữ bí mật tối đa hình ảnh và hành tung. Mạng lưới truyền thông của IS chỉ phát tán các bản ghi âm lẻ tẻ hay đoạn băng hình trong đó thủ lĩnh tối cao đưa ra các chỉ thị và lời kêu gọi thánh chiến.

Dưới sự chỉ huy của al-Baghdadi, lá cờ đen của IS nhanh chóng chiếm lĩnh nhiều nơi ở Syria và Iraq, làm lu mờ hình ảnh của các tổ chức khủng bố lớn như al-Qaeda hay lực lượng phiến quân Taliban. Theo CNN, al-Baghdadi đã “truyền cảm hứng” cho hơn 140 vụ tấn công gây chấn động thế giới tại 29 quốc gia ngoài Iraq và Syria, cướp đi sinh mạng của ít nhất 2.043 người. Chưa dừng lại ở đó, với tư tưởng cực đoan tàn bạo, al-Baghdadi áp đặt luật sharia hà khắc ở vùng lãnh thổ kiểm soát, tàn sát những người trái đạo, phá hủy các di tích cổ…

Lần theo dấu vết

Nhiều năm truy lùng gắt gao cùng mức tiền thưởng lên tới 25 triệu USD cho người cung cấp thông tin xác định vị trí của al-Baghdadi, song Mỹ và các đồng minh với công nghệ hết sức tinh vi vẫn rất khó lần ra dấu vết y.

Trong cuộc họp báo hôm 27/10/2019, Tổng thống Donald Trump tiết lộ, khoảng một tháng trước, tình báo Mỹ nhận được tin trùm khủng bố sinh năm 1971 ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria. Thế nhưng, hai nguồn tin giấu tên nói với The New York Times rằng Mỹ đã biết về nơi ở của al-Baghdadi từ tháng 7, sau khi vợ và người truyền tin của y bị bắt.

The Guardian lại đưa tin Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là người Kurd - đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS - đã cài cắm tình báo trong vòng thân tín của al-Baghdadi. Người này lấy được một chiếc quần lót của al-Baghdadi, qua đó xác minh ADN của y. Nguồn tin cho biết al-Baghdadi liên tục thay đổi nơi cư trú và chuẩn bị chuyển đến chỗ mới tại thành phố Jerablus, miền Bắc Syria.

Ông Polat Can, quan chức cao cấp của SDF, khẳng định SDF đã hợp tác với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từ tháng 5/2019 để theo dõi al-Baghdadi và quyết định tiêu diệt trùm khủng bố được đưa ra hơn một tháng trước. Tuy nhiên, việc Mỹ rút quân khỏi Syria và cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ buộc SDF phải ngừng các hoạt động đặc biệt, bao gồm việc truy đuổi al-Baghdadi.

Trong khi đó có thông tin, tháng 2/2018, tình báo Iraq đã nắm được cách al-Baghdadi lẩn trốn nhiều năm qua nguồn tin quan trọng từ Ismael al-Ethawi - một trong những trợ lý hàng đầu của thủ lĩnh IS. Khi bị quân Thổ Nhĩ Kỳ bắt rồi bàn giao cho Iraq, al-Ethawi khai al-Baghdadi đôi khi gặp gỡ với các tay chân thân tín trên một chiếc xe buýt nhỏ được ngụy trang là xe chở rau.

Ngoài ra, tình báo Iraq còn thu thập được nhiều vật dụng liên quan tới al-Baghdadi như vũ khí, túi y tế, sách tôn giáo, một túi xách nhỏ chứa bản đồ... trong đường hầm ở biên giới giữa Syria và Iraq, nhờ thông tin khai thác được từ một người thân của y.

Sau khi hoàn thành được các mảnh ghép về sự di chuyển của al-Baghdadi và những nơi y thường lẩn trốn, tình báo Iraq phối hợp với CIA để triển khai lực lượng nằm vùng bên trong. Giữa năm nay, họ nhận định tỉnh Idlib là nơi al-Baghdadi thường xuyên di chuyển từ làng này sang làng khác cùng gia đình và các phụ tá trung thành. CIA đã dùng vệ tinh và thiết bị bay không người lái để giám sát địa điểm này suốt năm tháng qua.

Hiện trường sau chiến dịch tiêu diệt al-Baghdadi. (Nguồn: AP)

Chiến dịch Kayla Mueller

Đêm 26/10 (giờ Syria), những chiếc trực thăng bay “cực thấp và siêu nhanh” chở lực lượng Delta tinh nhuệ, thiện chiến của Mỹ qua nhiều không phận được kiểm soát bởi các lực lượng quân sự Nga, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện Chiến dịch Kayla Mueller nhằm tiêu diệt hoặc bắt sống al-Baghdadi. (Kayla Mueller là tên một công dân Mỹ bị IS bắt làm con tin và sát hại năm 2015).

Từ Phòng Tình huống ở cánh Tây Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump cùng các quan chức cấp cao trong nội các theo dõi cuộc đột kích kịch tính “như phim”, kéo dài khoảng hai giờ qua video được truyền trực tiếp.

Ngay khi đáp xuống khu nhà mục tiêu ở ngôi làng hẻo lánh Barisha thuộc tỉnh Idlib, đặc nhiệm Mỹ đã cho nổ các bức tường kiên cố để xâm nhập. Họ nhanh chóng dồn ép trùm khủng bố tháo chạy trong hoảng loạn.

Tường tận cấu trúc ngôi nhà, biết rằng al-Baghdadi đang chạy vào ngõ cụt, các đặc nhiệm Mỹ di chuyển chậm và điều chó nghiệp vụ đuổi theo. Tuyệt vọng khi không còn đường lui, al-Baghdadi kích hoạt áo đánh bom tự sát, kết liễu đời mình và ba đứa con.

Để chắc chắn kẻ nhiều lần “đội mồ sống lại” al-Baghdadi thực sự đã chết, việc xét nghiệm ADN được tiến hành ngay lập tức và chỉ 15 phút sau cho kết quả: chính xác là y - mục tiêu đắt giá nhất cuộc chiến chống IS gần 5 năm qua.

“Kẻ hủy diệt” lên ngôi

Abdullah Qardash, còn gọi là Hajji Abdullah al-Afari, đến từ Tal Afar, một thành phố ở Tây Bắc Iraq, được IS chọn làm tân thủ lĩnh. Y từng là sĩ quan quân đội Iraq, phục vụ dưới thời Tổng thống Saddam Hussein.

Qardash và al-Baghdadi quen biết nhau trong trại giam Bucca – nơi được mệnh danh là “trường đại học của chủ nghĩa thánh chiến” ở Basra, miền Nam Iraq. Tại đây, Qardash đã cùng al-Baghdadi lôi kéo hàng trăm tù nhân trở thành chiến binh IS.

Trước khi được thăng làm thủ lĩnh, Qardash là một trong những thân tín của trùm IS, chịu trách nhiệm hoạch định chính sách tàn nhẫn, đồng thời loại bỏ các phần tử chống lại phong cách lãnh đạo của al-Baghdadi. Có biệt danh “giáo sư” hay “kẻ hủy diệt”, Qardash được mô tả là rất độc đoán và khiến nhiều thành viên IS phải “nể sợ”.

Nhà phân tích Remy Mahzam thuộc Trung tâm nghiên cứu khủng bố và bạo lực chính trị (ICPVTR) ở Singapore nhận định, việc đưa Qardash lên làm người kế nhiệm là nỗ lực của IS nhằm khôi phục niềm tin cho các thành viên, giúp tổ chức này tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công mới và từng bước hồi sinh.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tiếp quản IS, Qardash phải đối mặt với thách thức chia rẽ trong nội bộ làm ảnh hưởng đến mục tiêu đưa IS lớn mạnh trở lại. Một số thành viên có thể không đồng tình với tầm nhìn và chiến lược của thủ lĩnh mới dù y lọt vào “mắt xanh” của al-Baghdadi từ lâu.

Nỗi kinh hoàng còn đó

Tiêu diệt được al-Baghdadi là thành công lớn nhất của quân đội Mỹ kể từ sau chiến dịch tấn công, hạ sát trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden năm 2011, đồng thời là giải thưởng lớn cho Tổng thống Trump, tạo lợi thế cho ông trong cuộc đua vào Nhà trắng nhiệm kỳ hai.

Mặt khác, cái chết của al-Baghdadi dù là đòn mạnh giáng vào tàn quân của IS nhưng sẽ không chấm dứt sự tồn tại của tổ chức này. Thế giới không thể ngừng lo lắng về sự trả thù của IS và vì vậy, cuộc chiến chống khủng bố vẫn còn tiếp diễn. Nhiều tài liệu tuyên truyền của IS nhắc nhở các thủ lĩnh “có thể đến và đi nhưng phong trào vẫn tồn tại”.

Ông John Foley, cha của James Foley - nhà báo người Mỹ bị IS chặt đầu năm 2014, cũng lo sợ cái chết của al-Baghdadi sẽ không giúp chấm dứt nỗi kinh hoàng mang tên IS. “IS giống như cỏ. Bạn đã cắt bỏ nhưng chúng vẫn tiếp tục phát triển. Tôi không nghĩ loại bỏ được al-Baghdadi là đã có thể nhổ cỏ tận gốc”.

Với cuộc chiến tại Syria chưa kết thúc, cùng bất ổn tại Yemen, Nigieria hay Afghanistan đang là cơ hội tốt cho IS hồi sinh. Trong khi đó, việc chính quyền của Tổng thống Trump quyết định rút binh sĩ Mỹ khỏi miền bắc Syria tạo ra khoảng trống an ninh mà IS sẽ cố khai thác.

Đến nay, ngoài địa bàn quen thuộc là Syria và Iraq, các phiến quân và tín đồ IS vẫn duy trì sự hiện diện tại Afghanistan, Libya, Tây Phi, Đông Phi, Đông Nam Á... Theo ước tính của Mỹ, IS đang có hàng chục nghìn thiết bị chiến đấu, cùng 14.000-18.000 phiến quân tại các chi nhánh ở Iraq và Syria. Đây là những con số mà Ayman al-Zawahiri - thủ lĩnh al-Qaeda hiện nay - mơ ước.

- Năm 2010, al-Baghdadi nắm quyền kiểm soát nhóm phiến quân có liên hệ với al-Qaeda ở Iraq.

- Tháng 4/2013, al-Baghdadi tuyên bố sáp nhập nhánh khủng bố al-Qaeda tại Iraq với nhánh khủng bố al-Qaeda ở Syria, thành lập Vương quốc Hồi giáo (caliphate).

- Tháng 6/2014, nhóm này đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo (IS). Baghdadi tuyên bố là “caliph”, lãnh đạo của người Hồi giáo trên toàn thế giới.

- Tháng 7/2014, al-Baghdadi lần đầu xuất hiện công khai tại một thánh đường ở Mosul, Iraq.

- Tháng 6/2017, Nga tuyên bố đã tiêu diệt al-Baghdadi trong vụ không kích vào một cơ sở chỉ huy của IS ở ngoại ô Raqqa, Syria.

- Tháng 8/2017, IS xác nhận al-Baghdadi đã chết.

- Tháng 8/2018, al-Baghdadi tái xuất hiện trong một đoạn băng hình, kêu gọi các phần tử IS tiếp tục ủng hộ tổ chức và sẵn sàng hồi sinh “đế chế”.

Minh Khôi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-linh-bong-ma-chet-is-lui-tan-103643.html