Thủ khoa toàn quốc 29,1 điểm và bí quyết ôn thi trong giai đoạn nước rút

Thời điểm hiện tại không phải là giai đoạn mở rộng kiến thức mà là lúc củng cố, nắm thật chắc những bài đã học.

Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020, Võ Lập Phúc (quê An Giang) trở thành thủ khoa toàn quốc khối D14 với tổng số điểm là 29.1, trong đó môn Lịch sử và môn Ngữ văn đều đạt 9.75 điểm, môn tiếng Anh là 9.6 điểm.

Hiện tại, Phúc đang là sinh viên năm nhất ngành Quốc tế học Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Chàng trai tài năng này còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn trường.

Võ Lập Phúc đến thăm Lăng Bác trong lần dự Đại hội tài năng trẻ vào cuối năm 2020. (Ảnh: NVCC)

Võ Lập Phúc đến thăm Lăng Bác trong lần dự Đại hội tài năng trẻ vào cuối năm 2020. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về kinh nghiệm ôn thi trong năm 2020, Võ Lập Phúc cho biết, đây là giai đoạn chuẩn bị thi, các sĩ tử không nên mở rộng thêm quá nhiều kiến thức nữa mà thay vào đó nên chú tâm ôn củng cố nắm chắc những bài đã học.

Đối với các môn xã hội, không nên tìm hiểu quá nhiều thông tin ngoài lề mà nên đi đúng trục nội dung kiến thức đã học, nắm chắc những nội dung cơ bản rồi mới tới phần nâng cao.

Lập Phúc với niềm đam mê môn Lịch sử khẳng định, bí quyết ôn thi trong giai đoạn nước rút là đọc thông tin trên các trang web chính thống.

"Trước kỳ thi, em đọc nhiều bài viết về lịch sử trên trang Đảng cộng sản Việt Nam, em thấy những nội dung, những mốc thời gian quen thuộc mình đã học, như vậy là mình đã có thể củng cố lại kiến thức cho bản thân.

Nội dung trên trang chính thống của Đảng nên rất đúng với lịch sử và phù hợp với việc ôn thi, nguồn thông tin này còn giúp em phát hiện ra nhiều vấn đề nâng cao để áp dụng khi làm bài", Phúc chia sẻ.

Quá trình làm bài thi đối với môn Lịch sử theo Lập Phúc là phải đòi hỏi khả năng lập luận logic sự kiện. Cách đây nhiều năm thi theo hình thức tự luận, đa số thí sinh đều học thuộc lòng và chép. Tuy nhiên, đối với bài thi trắc nghiệm, thí sinh phải biết lập luận, phân tích.

"Rất cần khả năng suy luận logic sự kiện, chuỗi các sự kiện ở thời điểm trong đề bài sẽ là hệ quả của những chuỗi sự kiện lịch sử trước đó và là tiền đề cho những chuỗi sự kiện sau.

Cần phải phân tích, chia nhỏ câu hỏi để đảm bảo hiểu đúng ý cần trả lời. Ví dụ về mặt thời gian, cần xác định mốc thời gian trong câu hỏi, sau đó mới tiến tới tìm hiểu vấn đề , phân tích những câu từ còn phân vân, không phải phân tích cái mình nhớ mà là phân tích sự kiện trong câu hỏi với những sự kiện liên quan trước và sau đó, để thấy họ đang hỏi vấn đề nào.

Từ câu 30 đến câu 40 là những câu hỏi dễ bị sai nên thí sinh cần phải chú ý hơn", Phúc chia sẻ.

Kinh nghiệm ôn thi môn Ngữ văn của Võ Lập Phúc khá độc đáo. Chàng trai thủ khoa cho biết, bản thân mình đã rèn luyện khả năng viết văn trên nền nhạc Rock. Mục đích của việc làm này là để luyện tập khả năng tập trung cho bản thân trước những vấn đề về tiếng ồn không mong muốn.

Cụ thể, khi làm bài thi, những tiếng ồn như xe cộ ngoài đường, tiếng ồn từ âm thanh của động vật có thể làm thí sinh phân tâm. Việc tập luyện giúp tránh tình trạng sao nhãng trong quá trình làm bài.

Giai đoạn này, mỗi thí sinh đều đã nắm chắc kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm và những vấn đề như phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận. Do đó, có thể ôn luyện bằng cách đọc tác phẩm bình luận của những nhà nghiên cứu phù hợp với văn phong của mình. Đây là một cách để duy trì cảm hứng cho việc viết bài văn.

Lập Phúc cùng bố mẹ trong dịp lễ tri ân trưởng thành tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, tỉnh An Giang (Ảnh: NVCC)

"Có một mẹo nhỏ dành cho các sĩ tử là nên duy trì viết những đoạn văn ngẫu hứng hằng ngày giúp bản thân cảm nhận, nuôi dưỡng và làm chủ được cảm xúc của chính mình. Khi làm bài thi, bạn sẽ bắt nhịp rất nhanh được cảm xúc và làm bài tốt hơn", Phúc bật mí.

Bài thi môn Ngữ văn được chia làm hai phần là phần đọc hiểu và phần làm văn.

Phần đọc hiểu chiếm 3 điểm với 4 câu hỏi. Trong ba câu đầu tiên cần phải trả lời ngắn gọn và đúng trọng tâm, tránh tình trạng dài dòng, lan man và phí thời gian. Câu thứ 4 là suy luận quan điểm của bản thân trước một vấn đề, thí sinh cần trả lời trực tiếp, nói trúng, sâu, chính xác vấn đề.

Phần làm văn bao gồm bài Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học. Lập Phúc cho biết: "Bài nghị luận xã hội chỉ yêu cầu 200 chữ nên các em hãy chọn cách mở bài tinh tế nhưng trực tiếp, đánh thẳng vấn đề, cần sử dụng lựa chọn ngôn ngữ linh hoạt, đa dạng, thể hiện quan điểm đan xen cảm xúc, suy ngẫm của bản thân.

Ví dụ trình bày quan điểm về tự tin, nếu chỉ nói “ tự tin là…” thì cách diễn đạt này không tạo được điểm nhấn cho bài viết của mình.

Có hai lưu ý khi làm bài nghị luận xã hội, thứ nhất là cần liên hệ một nhân vật hay một câu chuyện có liên quan đến vấn đề đang được đề cập đến để làm cơ sở củng cố cho luận điểm của mình.

Thứ hai là phản đề, nghĩa là soi chiếu và đánh giá vấn đề ở chiều hướng ngược lại để thể hiện cách nhìn vấn đề đa chiều và để người chấm bài thấy rằng chúng ta đang nhìn nhận vấn đề một cách rõ ràng và logic trong lập luận".

Phần nghị luận văn học không chỉ phụ thuộc vào kiến thức mà còn phụ thuộc vào văn phong của mỗi thí sinh. Văn phong cho thấy bạn phân tích nông hay sâu, có hướng lập luận sáng tạo hay không, cách sử dụng từ ngữ có gì ấn tượng. Điều này đòi hỏi quá trình tôi luyện cũng như khả năng tư duy phân tích, bình luận của mỗi người.

Đối với nghị luận văn học, Lập Phúc nêu ra 5 lưu ý cụ thể:

Thứ nhất, phải đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận văn học, bao gồm một đoạn mở bài, một đoạn kết bài và nhiều đoạn thân bài. Thân bài không nên viết theo một đoạn dài khiến người đọc mệt mỏi, mạch văn trở nên rối và không rõ ý.

Thứ hai, nên có một đoạn văn riêng phân tích, bình luận về nghệ thuật mà tác giả sử dụng để phân tích nhân vật, đoạn thơ hay đoạn trích được nêu ra. Sai lầm của đa số thí sinh là chỉ ghép phần nghệ thuật vào kết bài hoặc bỏ qua phần nghệ thuật và chỉ viết nội dung.

Thứ ba, mở bài không nên quá dài dòng, dẫn dắt quá nhiều vấn đề dẫn tới lan man và tốn thời gian.

Thứ tư, không nên viết kết bài một cách loa qua, tránh tình trạng "đầu voi đuôi chuột". Thí sinh có thể chuẩn bị và học trước cấu trúc kết bài đa dạng để sử dụng cho tất cả mọi đề, chỉ cần biến tấu linh hoạt khi vận dụng đối với mỗi đề thi.

Thứ năm, cố gắng hoàn thành bài viết trong khoảng thời gian cho phép và dành những phút cuối cùng để kiểm tra lại bài thi, kiểm tra lỗi chính tả có thể xảy ra trong quá trình làm bài.

Đối với môn tiếng Anh, theo chia sẻ của chàng trai thủ khoa toàn quốc, kiến thức đã học là yếu tố quyết định đến điểm số bài thi.

Các sĩ tử nên đọc lại những nội dung đòi hỏi mình phải học thuộc lòng, ví dụ dạng bài cụm động từ, tục ngữ, thành ngữ... đây là những nội dung mà nó không có một quy luật nào để áp dụng ngoài cách học thuộc.

Lập Phúc cho biết: "Một mẹo nhỏ khi làm bài tiếng Anh là ở phần đọc hiểu, hãy đọc toàn bộ câu hỏi trước khi đọc bài văn. Thí sinh nên ưu tiên trả lời những câu hỏi liên quan đến nội dung thành phần trong tổng thể bài đọc trước.

Không nên chọn đọc những câu hỏi buộc mình phải đọc toàn bài viết. Ví dụ đa số các đề thi đều yêu cầu chúng ta đặt tên chủ đề cho bài văn, nhưng chúng ta nên trả lời câu hỏi thành phần trước, qua đó sẽ nắm được nội dung bài văn và trả lời câu hỏi nêu chủ đề.

Bên cạnh đó, thí sinh cần lưu ý câu hỏi về tìm từ trái nghĩa hoặc từ đồng nghĩa. Các đề thi luôn đưa ra những đáp án có từ đồng nghĩa trong câu hỏi về từ trái nghĩa và ngược lại để đánh lừa và gây nhầm lẫn cho thí sinh".

Đối với vấn đề áp lực tâm lý trong mùa thi, Võ Lập Phúc chia sẻ đây là vấn đề chung của nhiều thí sinh. Tuy nhiên, đây là cuộc đua của hàng ngàn sĩ tử và mỗi người phải biết tự trấn an mình, tránh cảm giác căng thẳng, lo âu.

Lập Phúc cũng cho biết, thời điểm ban đầu thí sinh không nên lựa chọn quá nhiều nguyện vọng gây tốn kém. Sau khi thi và có điểm số mới là lúc để đưa ra quyết định sáng suốt, bạn sẽ biết mình nên chọn ngành yêu thích ở ngôi trường nào.

Các thí sinh cần so sánh phân tích các ngành, các trường khác nhau, cần nghiên cứu kỹ về bảng đào tạo của từng trường, từng ngành để lựa chọn những tổ hợp môn thi phù hợp với định hướng và điểm số của bản thân.

"Tất cả những ngành em yêu thích ở các trường đều tuyển sinh cả khối D1 và D14. Tuy nhiên, thế mạnh của em ở khối D14 nên đã chọn khối này để xét tuyển. Vì vậy, thí sinh cần lưu ý về tổ hợp xét tuyển ở các trường để có lựa chọn tốt nhất", Lập Phúc chia sẻ.

Phạm Minh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/thu-khoa-toan-quoc-29-1-diem-va-bi-quyet-on-thi-trong-giai-doan-nuoc-rut-post218468.gd