Thủ khoa đầu ra ngành Triết học: 'Học để giúp đỡ những gia đình khó khăn như mình trước đây'

Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, bố mất sớm, mẹ lam lũ chạy vạy từng bữa cơm lo cho các con. Bình đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc học để cuộc sống của các anh chị, của mẹ được đầy đủ hơn và để giúp đỡ những gia đình khó khăn như gia đình của Bình trước đây.

“Mình muốn học thay cho cả phần anh chị”

Trần Thị Bình (sinh năm 1999), cựu sinh viên lớp Triết học K42, khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Khoa học Huế (ĐHKHH). Với tinh thần ham học hỏi và không ngừng cố gắng, Bình đã tốt nghiệp loại xuất sắc và trở thành thủ khoa đầu ra ngành Triết học.

Để có được thành tích đáng ngưỡng mộ này là một hành trình dài nỗ lực vươn lên trong nghèo khó của Bình: “Mình sinh ra trong một ngôi làng nhỏ ở xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bố mình mất sớm, gia đình mình lại đông con, từ khi bố mất, mẹ mình thường đau ốm vì phải làm nhiều việc cùng một lúc để kiếm tiền nuôi con. Anh chị của mình đều phải nghỉ học và đi làm từ khi còn rất nhỏ để nuôi mình ăn học”, Bình nhớ lại.

Trần Thị Bình và mẹ trong buổi lễ tốt nghiệp.

Trần Thị Bình và mẹ trong buổi lễ tốt nghiệp.

Trong cuộc trò chuyện cùng tân cử nhân ngành Triết, tôi khá thắc mắc về độ tuổi của Bình thì được Bình cho biết đây chính là trở ngại lớn của cô: “Làng mình sinh sống trước đây chỉ có một ngôi trường nhỏ, đa số trẻ con ở đây đều đi học muộn, 7 tuổi mới bắt đầu được đi học. Mình sinh năm 1999 nhưng trên giấy tờ mình sinh ngày 21/4/1996 vì ngày trước ba mẹ đi làm giấy khai sinh cho con nhưng không biết chữ nên làm sai. Mình thường bị hỏi và gặp vấn đề trong việc chuyển cấp vì họ cho rằng độ tuổi mình quá lớn so với các bạn. Mình cũng thường rất ngại khi bạn học cùng lớp đề cập đến vấn đề này”, Bình lý giải.

Chính những khó khăn, mặc cảm là động lực để Bình không ngừng nỗ lực: “Anh chị mình vì ko đủ điều kiện nên đều phải nghỉ học và nhường cho mình được tiếp tục đến trường. Do đó dù khó khăn nhưng cũng là động lực để mình phấn đấu. Mình muốn học thay cho cả phần của anh chị, muốn gia đình mình sẽ khá giả hơn, vượt qua khó khăn để có cuộc sống đầy đủ hơn và có thể giúp đỡ lại những gia đình khó khăn như mình trước đây”, Bình nói.

Gia đình là động lực để Bình có được kết quả xứng đáng như ngày hôm nay.

“Hồi còn đi học mình có biết đến quyển sách Nhập môn Triết học, thật sự lúc đó mình đọc nhưng không hiểu chút gì. Bạn bè, anh chị xung quanh mình thường than rằng môn Triết khó, khô khan,… Rồi mình nghĩ Triết học khó đến thế sao? Hơn nữa, ngành này được miễn 100% học phí, đây thật sự là cơ hội lớn để mình tiếp tục học đại học trong khoảng thời gian gia đình mình gặp khó khăn về kinh tế như vậy”, Bình nói về lý do chọn ngành Triết học của khoa Lý luận Chính trị, Trường ĐHKH Huế.

Vừa là sinh viên Triết học, vừa là cô giáo dạy tiếng Anh

“Toàn diện - sâu sắc - chân thật” là 3 tính từ mà cô nữ sinh Đại học Huế dùng để nói về Triết học. Tuy nhiên, để đúc kết như vậy, Bình cũng đã từng như “một trang giấy trắng” khi nói về Triết học: “Thời gian đầu mình mất khá nhiều thời gian để hiểu về những nguyên lý cơ bản ban đầu của Triết học vì vốn dĩ bản thân Triết học có nhiều từ ngữ chuyên ngành khiến mình khó nhớ và chưa thật sự hiểu. Hơn nữa, khi mới bước chân vào giảng đường đại học, mình còn bỡ ngỡ về cách tự học, tự tìm hiểu tài liệu về môn học này”, tân cử nhân bộc bạch.

Nữ sinh thủ khoa ngành Triết và người sếp tại Trung tâm Anh ngữ.

Ngoài là sinh viên Triết học, Bình còn là cô giáo dạy tiếng Anh tại một trung tâm có tiếng tại Huế: “Mình rất ngưỡng mộ những người giỏi tiếng Anh và giao tiếp tiếng Anh tốt. Mình đã quyết tâm học tiếng Anh để chinh phục ngôn ngữ này. Sau thời gian học tập tại trung tâm anh ngữ DHP, trung tâm nhận thấy sự nỗ lực của mình nên đã tạo điều kiện cho mình thực tập và học việc thử. Sau một thời gian ngắn, mình đã yêu luôn công việc này vì những giá trị của nó mang đến và đã gắn bó với nó suốt 4 năm đại học. Việc giảng dạy tiếng Anh đã giúp mình tự tin hơn khi đứng trước đám đông, kiên nhẫn hơn, biết quan sát và biết cách xử lý tình huống, hơn nữa nó còn giúp mình có cơ hội gặp gỡ nhiều người giỏi để từ đó phát triển bản thân hơn”, Bình nói.

Bình và những người đồng nghiệp tại trung tâm Anh ngữ nơi cô đang giảng dạy.

Vừa là bí thư, lớp trưởng lớp Triết học K42, vừa phải cân bằng giữa công việc và việc học tập ở trường, tuy nhiên đây không phải là điều khó khăn với Bình: “Mình thường chủ động chia công việc trong ngày và ưu tiên những việc quan trọng. Thay vì dành thời gian đi cafe, trà sữa thì mình tham gia Đoàn - Đội, đó cũng là vui chơi. Làm việc, học tập hay tham gia các hoạt động Đoàn - Hội đều mang đến giá trị và niềm vui cho mình nên mình sẽ ưu tiên nó bởi ai cũng có 24 giờ trong 1 ngày và chỉ là cách bạn dùng nó như thế nào thôi.”, Bình nói.

Công việc dạy tiếng Anh đã giúp Bình tự tin hơn khi đứng trước đám đông.

4 năm cố gắng của Bình đã hái được quả ngọt khi cô trở thành thủ khoa ngành Triết học với tấm bằng suất xắc: “Mình khá bất ngờ và vui, thật sự rất hạnh phúc. Hơn hết, mẹ và gia đình tự hào đã là điều khiến mình không có từ gì để diễn tả được niềm vui này”, Bình tâm sự.

Nhắc đến sinh viên Trần Thị Bình, cô Trần Thị Hà Trang, giáo viên cố vấn lớp Triết học K42 không khỏi tự hào: “Bình là một em sinh viên ngoan hiền, chịu khó, luôn lễ phép đối với thầy cô và đặc biệt em ấy vô cùng nghị lực. Trong quá trình học, bên cạnh học các môn chuyên ngành, em ấy cũng đã trau dồi thêm tiếng Anh. Dù chưa ra trường nhưng Bình hiện đang dạy ở trung tâm tiếng Anh DHP. Trong quá trình làm việc cùng em Bình - với vai trò là bí thư và lớp trưởng của lớp, Bình luôn trở thành một thủ lĩnh tuyệt vời. Trong chặng đường sắp tới, mình hy vọng Bình sẽ luôn phát huy tố chất, năng lực của em để tìm kiếm được một công việc như ước nguyện của em ấy”, cô Trang kết lời.

Hà Vy

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/thu-khoa-dau-ra-nganh-triet-hoc-hoc-de-giup-do-nhung-gia-dinh-kho-khan-nhu-minh-truoc-day-post1448721.tpo