Thu hút sử dụng xe buýt, giảm thiểu xe cá nhân

Nâng cao chất lượng xe buýt, giảm khí thải ra môi trường, tăng cường khả năng kết nối được xem là những yếu tố nhằm cải thiện tính hấp dẫn cho phương tiện vận tải công cộng.

Sử dụng phương tiện công cộng là cách nhanh nhất để giảm thiểu ùn tắc giao thông. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Sử dụng phương tiện công cộng là cách nhanh nhất để giảm thiểu ùn tắc giao thông. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Mới đây, Hà Nội tiếp tục thay thế 3 tuyến xe buýt bằng xe đời mới theo tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Trước đó, 3 tuyến xe buýt nhiên liệu sạch (CNG) cũng lần đầu lăn bánh tại Thủ đô.

Xe mới, nhiên liệu sạch

TCty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã đưa dàn phương tiện mới vào hoạt động trên các tuyến buýt số 62 (bến xe Yên Nghĩa - Thường Tín); tuyến số 91 (bến xe Yên Nghĩa - Kim Bài - Phú Túc); và tuyến số 92 (Nhổn - Sơn Tây - Tây Đằng) vào sử dụng từ 1.9. Cùng với đó, xe cũng được trang bị nhiều tiện ích để nâng cao chất lượng phục vụ khách như xe sàn bán thấp; tiêu chuẩn khí thải Euro 4; hệ thống cabin độc lập cho lái xe; wi-fi miễn phí; lắp đặt bốn bảng thông tin điện tử LED hiển thị lộ trình tuyến và nhận dạng thương hiệu; hệ thống GPS được nâng cấp kết nối tự động thông báo điểm dừng đỗ theo hướng thuận tiện gần gũi hơn với khách hàng.

Trước đó, Sở GTVT Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức đưa vào khai thác xe buýt nhiên liệu sạch (CNG) lần đầu tiên tại thủ đô. Loại xe này được đưa vào sử dụng nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường đang là vấn đề thách thức với thủ đô.

Theo tìm hiểu của PV, với ưu điểm chỉ sử dụng nhiên liệu khí nén, xe CNG được đánh giá sẽ góp phần giảm chi phí vận hành và bảo vệ môi trường. Loại xe này có sức chứa 50 người (thuộc loại xe có sức chuyên chở trung bình). Ưu điểm nổi bật của xe là giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm được 30% nhiên liệu so với xe sử dụng dầu, xe cũng giảm đến 20% lượng khí cacbonic, 30% nito oxit và 70% sunfua oxit so với xe sử dụng nhiên liệu dầu.

Bên cạnh đó, xe buýt CNG có hệ thống hỗ trợ người khuyết tật lên, xuống xe và trên xe có thiết kế vị trí dành riêng cho xe của người khuyết tật.

Cần tăng cường tính kết nối

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị - cho biết: Việc đưa vào sử dụng các xe buýt loại mới, xe buýt nhiên liệu sạch nhằm nâng cao chất lượng xe buýt, phục vụ tốt hơn cho hành khách.

Cùng với đó, việc quan trọng hơn là cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng tính đúng giờ thì các phương tiện giao thông công cộng sẽ hấp dẫn hơn, thu hút người dân hơn. Đây cũng là một trong những bước nằm trong lộ trình nhằm khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng, giảm phương tiện cá nhân.

Theo GS-TS Đặng Kim Chi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ (KHCN) môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội: “Việc sử dụng các phương tiện với lượng khí thải ít, xe buýt nhiên liệu sạch sẽ giảm thiểu được lượng khí độc hại ra môi trường và hạn chế được những hiệu ứng nhà kính.

Trong bối cảnh nhiều địa điểm giao thông ùn tắc hiện nay của Hà Nội, lượng khí độc xả ra môi trường rất nhiều, việc thành phố dùng thay thế nhiên liệu CNG là bước tiến cần được khuyến khích và mở rộng”.

Còn TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản GTVT - cho rằng, việc cải thiện chất lượng xe buýt bằng cách khai thác, đưa vào sử dụng những phương tiện đời mới, nhiên liệu sạch để giảm thiểu ô nhiễm môi trường là điều đáng mừng. Song, để có thể thu hút hành khách hơn cần nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ của nhân viên phục vụ.

Cùng với đó, cần khớp nối hạ tầng, tạo được sự kết nối của xe buýt và các phương tiện công cộng khác, tạo sự thuận tiện cho người dân trong việc giao thông.

T.VƯƠNG - T.CHÍ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/thu-hut-su-dung-xe-buyt-giam-thieu-xe-ca-nhan-629795.ldo